Thứ sáu, 22/11/2024 13:43 (GMT+7)
Thứ hai, 03/10/2022 13:50 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột có thể làm gia tăng khủng hoảng lương thực

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) cảnh báo rằng: Các cuộc xung đột và những tác động liên quan đến khí hậu sẽ vẫn là những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực.

Trong báo cáo mới nhất, các nhà kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo cuộc chiến tại Ukraine đã làm gián đoạn dòng chảy ngũ cốc và phân bón, dẫn đến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 với khoảng 345 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đói tới mức đe dọa tính mạng của họ.

Bên cạnh đó, IMF cũng đã thông qua một cơ chế cho vay khẩn cấp mới nhằm hỗ trợ các nước đang đối mặt với tình trạng "mất an ninh lương thực nghiêm trọng", khi giá cả tăng cao trên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột có thể làm gia tăng khủng hoảng lương thực - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột có thể làm gia tăng khủng hoảng lương thực. (Ảnh minh họa: Internet)

Tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng kể từ năm 2018 khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, xung đột khu vực và đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và phân phối lương thực, đồng thời làm tăng giá.

Tình hình xấu đi rõ rệt sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh Ukraine. Xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ hai nước này giảm mạnh, khiến một số nước phải áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trước chiến tranh, Ukraine và Nga chiếm tổng cộng 30% lượng lúa mì, 20% lượng ngô và 75% lượng dầu hướng dương thương mại trên toàn cầu.

Trong một bài viết đăng trên blog của IMF, các quan chức IMF bao gồm Giám đốc điều hành Kristalina Georgieva cho biết: “Kết quả là sinh kế của 345 triệu người đang bị đe dọa ngay lập tức do tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trên toàn cầu, hơn 828 triệu người đi ngủ với bụng đói mỗi đêm… Chỉ riêng trong năm nay, chúng tôi ước tính các nước dễ bị tổn thương sẽ cần tới 7 tỉ đô la để giúp các hộ gia đình nghèo nhất đối phó tình trạng thiếu đói”.

Trong khi giá lương thực đã hạ nhiệt kể từ khi Ukraine nối lại xuất khẩu ngũ cốc hồi đầu tháng 8 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trước chiến tranh. Triển vọng các vụ mùa ở Ukraine trong năm tới  vẫn không chắc chắn do chiến tranh làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp và kinh tế.

IMF ước tính cú sốc lương thực làm tăng thêm gần 9 tỉ đô la chi phí liên quan đến lương thực cho 48 nước bị ảnh hưởng và cần 50 tỉ đô la để xóa bỏ tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2022. Chi phí lương thực tăng cao sẽ làm xói mòn dự trữ ngoại tệ ở nhiều nước có nền kinh tế mong manh hoặc đang có xung đột vũ trang. Những nước này vốn đã đối mặt với các vấn đề cân bằng thanh toán sau do tác động đại dịch Covid-19 và chi phí năng lượng tăng cao.

Nhiều nền kinh tế phát triển đang đối mặt với sự suy giảm mạnh về triển vọng kinh tế của họ, nhưng các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực là các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, đang phụ thuộc vào nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu ngày càng đắt đỏ. Nhiều nền kinh tế này đối mặt với khối nợ ngày càng phình to trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng và đồng tiền mất giá.

IMF kêu gọi tăng tốc hỗ trợ nhân đạo thông qua Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác cũng như các biện pháp tài khóa có trọng điểm ở các nước bị ảnh hưởng để hỗ trợ người nghèo. Nhưng IMF cũng nhấn mạnh các chính phủ cần ưu tiên chống lạm phát.

Theo bà Georgieva, trợ giúp xã hội ngắn hạn nên tập trung vào việc cứu trợ lương thực khẩn cấp hoặc chuyển tiền mặt cho người nghèo, chẳng hạn như những chương trình hỗ trợ được công bố gần đây bởi các nước như Djibouti, Honduras và Sierra Leone.

IMF cũng kêu gọi loại bỏ các lệnh cấm xuất khẩu lương thực và các biện pháp bảo hộ khác khi trích dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết những biện pháp này chiếm tới 9% mức tăng giá lúa mì thế giới.

Theo IMF, việc cải thiện sản xuất và phân phối lương thực, bao gồm cả việc tăng cường tài trợ thương mại, cũng là yếu tố quan trọng để giải quyết cú sốc giá lương thực hiện nay. IMF cho biết thêm các khoản đầu tư vào nền nông nghiệp chống chịu tốt với khí hậu, quản lý nước và bảo hiểm mùa màng cũng cần thiết để đối phó với hạn hán và các hiện tượng khí hậu khó lường khác.

Ngày 30/9 vừa qua, Hội đồng điều hành của IMF đã ​​ thông qua việc thành lập một quỹ mới để giải quyết cú sốc lương thực, cung cấp hàng tỉ đô la vốn vay trong năm tới cho các nước dễ bị tổn thương nhất. Cơ chế cho vay khẩn cấp này dự kiến sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 1,3 tỉ đô la.

IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang chuẩn bị tổ chức một hội nghị tại Washington bắt đầu từ ngày 10/10 để thảo luận về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và các vấn đề liên quan. Các chủ đề được các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương trên thế giới thảo luận tại hội nghị sẽ bao gồm lạm phát cao, lãi suất tăng, cơn biến động ngày càng tăng của thị trường và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố gói hỗ trợ 14 tỷ USD giải quyết khủng hoảng lương thực

Phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ cuộc họp thường niên lần thứ 55 của ADB, Chủ tịch ngân hàng này, ông Masatsugu Asakawa, cho biết hiện là thời điểm phù hợp và khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực đã đẩy nhiều gia đình nghèo ở châu Á chìm sâu vào đói nghèo.

Ông nhấn mạnh giải pháp này sẽ mang tính toàn diện, tập trung sự chú ý vào khía cảnh an ninh lương thực cả trong trung và dài hạn. Gói hỗ trợ này sẽ bắt đầu ngay trong năm nay.

Ông Asakawa cho biết ADB đang định hướng lại nguồn vốn từ các dự án được chọn và tăng cường hỗ trợ theo chu kỳ ở một số quốc gia với tổng số tiền khoảng 1 tỷ USD.

Ngoài ra, ADB cũng chi ít nhất 1,5 tỷ USD cho các dự án liên quan đến nông nghiệp tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông thôn.

ADB cũng đặt mục tiêu hỗ trợ thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng, cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân; cung cấp khoản vay hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Hỗ trợ khu vực tư nhân từ các nguồn lực của ADB dự kiến sẽ đạt 800 triệu USD trong năm 2022.

Từ năm 2023 đến năm 2025, ADB cam kết bổ sung nguồn tài chính lên tới 10,7 tỷ USD và sẽ áp dụng 3 chiến lược để xây dựng hệ thống lương thực mạnh mẽ hơn, bền vững hơn và công bằng hơn.

Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, một trong những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, làm dấy lên lo ngại tình trạng thiếu lương thực trầm trọng hơn. Tình trạng thiếu lương thực khiến giá lương thực toàn cầu tăng, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị.

Theo ông Asakawa , châu Á và Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc lương thực vì một số quốc gia phụ thuộc vào các mặt hàng chủ lực và phân bón nhập khẩu.

Theo ông Asakawa, gần 1,1 tỷ người hiện không đủ ăn do nghèo đói và giá lương thực tăng cao kỷ lục trong năm nay.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột có thể làm gia tăng khủng hoảng lương thực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới