Thứ hai, 25/11/2024 06:44 (GMT+7)
Chủ nhật, 10/04/2022 09:00 (GMT+7)

Bến Tre: Tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Trước việc biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần ổn định sản xuất và đời sống người dân như xây dựng các công trình thủy lợi chống hạn, ngăn mặn, các dự án xanh, thân thiện môi trường.

Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu

Hiện nay, một số khu vực ven biển thuộc tỉnh Bến Tre đang gặp phải tình trạng xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng, nhiều cánh rừng phòng hộ với mục đích chăn sóng tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri hay xã biển Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cũng bị sóng biển đánh trôi. Do ảnh hưởng của xâm thực biển đã dẫn đến sạt lở ở phạm vi lớn, diến biến nhanh và làm mất đi diện tích canh tác, sản xuất, hoa màu và tài sản của người dân.

Bến Tre: Tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu gây sạt lở nghiêm trọng tại Bến Tre

Theo thống kê của các ngành chức năng Bến Tre, trên toàn tỉnh hiện có trên 90 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 120 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân, hàng ngàn công trình bị ảnh hưởng; sạt lở lấn sâu vào trong đất liền trung bình hàng năm từ 10 - 15m, làm mất trên 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển…

Để ứng phó với việc biến đổi khí hậu, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã trồng mới và bảo vệ gần 7 ha rừng thông qua dự án gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Bảo Thuận và trồng mới trên 18 ha bần chua tại xã Bảo Thạnh (Ba Tri); Triển khai các dự án trồng và phục hồi rừng ven biển, đã thực hiện trồng được 35 ha rừng phòng hộ và đặc dụng.


Đồng thời, để giảm phát thải khí nhà kính tỉnh Bến Tre cũng đã hướng đến phát triển năng lượng sạch. Hiện nay có 19 dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng đã trình bổ sung 26 dự án điện gió tổng công suất 6.418MW và dự án điện khí LNG 3.000MW vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Bến Tre còn hướng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ bằng đề án trồng cây trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 trồng 10 triệu cây xanh để cùng hơn 4.700 ha rừng tập trung và hơn 100.000 ha cây lâu năm, dừa và cây ăn trái, góp phần xây dựng Bến Tre xanh, sạch, đẹp. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển ứng phó với BĐKH và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng thích ứng với điều kiện khí hậu thay đổi. Phát triển các mô hình canh tác thích ứng dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và dựa vào cộng đồng.

Phát triển rừng ven biển

Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre thông tin: “Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh, tận dụng các cơ hội của biến đổi khí hậu để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, đầu tư phát triển theo quy hoạch các nhà máy phát điện gió nối lưới, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt; Thực hiện các giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng”.

Trước đó, ngày 4/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” (Đề án).

Bến Tre: Tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Bến Tre đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 trồng 10 triệu cây xanh

Mục tiêu của Đề án nhằm quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển.

Ngoài ra, giải pháp khác là thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên: Xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long; Trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển;…

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bến Tre: Tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới