Bến Tre: Quy hoạch đến 2045 trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của ĐBSCL
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đã công bố Nghị quyết về Tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và 2045, có nền kinh tế ổn định theo định hướng phát triển về phía Đông.
Được tư vấn bởi liên danh enCity và Roland Berger từ cuối năm 2019 với mục tiêu xác định tầm nhìn – mô hình phát triển và cơ sở xây dựng chính sách cho tỉnh.
Đồ án có tầm nhìn đưa tỉnh Bến Tre (2.639 km2, dân số 1,2 triệu người) trở thành một tỉnh xanh và đáng sống, phát triển hài hòa với thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên thế mạnh nông nghiệp, đồng thời trở thành điểm du lịch hấp dẫn – phiên bản thu nhỏ của ĐBSCL đối với du khách trong nước và quốc tế.
5 tiêu chí đưa Bến Tre phát triển ở khu vực ĐBSCL
Là tỉnh nằm cách TP.HCM 50 km về phía Nam, tỉnh Bến Tre có tiềm năng phát triển du lịch và nông nghiệp cao nhờ đất đai màu mỡ, đa dạng sinh học phong phú và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Mặc dù vậy, tỉnh Bến Tre đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do yếu tố địa lý: Tỉnh được hình thành từ 3 hòn đảo trên sông Tiền, hạn chế kết nối nội tỉnh và liên tỉnh, sản xuất và sinh hoạt nông nghiệp bị đe dọa bởi sụt lún và xâm nhập mặn do nước biển dâng và các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Xác định mục tiêu đồ án tới năm 2030: Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng ổn định theo định hướng phát triển về phía Đông, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đứng trong nhóm 6 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhóm 30 của cả nước.
Mục tiêu tới năm 2045: Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường sống lý tưởng cho người dân, trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của khu vực ĐBSCL và cả nước, với 5 tiêu chí:
Trở thành tỉnh đáng sống và có chất lượng sống tốt; Cải thiện thu nhập của người dân, đảm bảo an sinh xã hội; Môi trường sống xanh - sạch - đẹp, phát triển kinh tế bền vững; Phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch nội địa thân thiện, cởi mở để thu hút du khách ngoại tỉnh cũng như quốc tế; Áp dụng công nghệ hiện đại và sáng kiến tiên tiến trong và ngoài nước trong việc phát triển đô thị và hoạt động kinh tế ở Bến Tre.
Giải pháp phát triển không gian enCity cho tỉnh Bến Tre
Với đồ án xây dựng Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre, enCity chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển không gian, sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhiều chuyên gia đầu ngành về quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, biến đổi khí hậu của enCity đã phát triển các chiến lược biến trung tâm đô thị của thành phố thành một cảnh quan đáng sống, thúc đẩy hình thái định cư đa dạng và độc đáo của Bến Tre, dành đất cho các sáng kiến kinh tế mới và tích hợp hệ thống giao thông với quản lý nước để tối ưu hóa các nguồn lực của địa phương, tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới và giúp thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ý tưởng chủ đạo của enCity gồm:
Tập trung phát triển các huyện dọc trục QL60 thành một vùng đô thị cảnh quan: Hình thành 2 trục phát triển chính, dọc theo 2 hành lang giao thông Bắc Nam. Trong đó, trục Châu Thành – TX Bến Tre – TX Mỏ Cày sẽ tạo thành một vùng đô thị cảnh quan hấp dẫn, gắn với sông nước, có tính chất đặc thù riêng, đây sẽ là trung tâm chính trị và văn hoá của vùng đô thị trong tương lai.
Trục thứ cấp là đường ven sông Mỹ Tho (nối 2 trục quan trọng là QL60 và trục động lực ven biển) kéo dài từ Bình Đại, qua Châu Thành và Chợ Lách để kết nối với Vĩnh Long qua QL57 để hỗ trợ phát triển đô thị, du lịch và công nghiệp ven sông Mỹ Tho – tuyến đường thủy quốc tế với kết nối tốt với vùng TP.HCM.
Về việc khai thác quỹ đất ven mặt nước cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế: Khai thác các cồn thượng nguồn sông và gần cửa biển thành khu du lịch/công viên cảnh quan phục vụ du lịch tùy vào hiệu quả chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và đê bao để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các khu ở sinh thái được phát triển và các khu du lịch/nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan sông nước nhằm đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu ở và vui chơi do tăng thu nhập gia tăng và dân số già. Ưu tiên phát triển tại các khu đất ven sông có mật độ dân cư thưa thớt, giá trị đền bù không cao để tránh xáo trộn cuộc sống của người dân và đảm bảo tính khả thi của dự án.
Giữ gìn và phát huy các đặc trưng cư trú để giữ bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu: Ngoài các khu vực đô thị cần tập trung đông dân cư để phát triển kinh tế, tỉnh cũng cần giữ gìn và phát huy các đặc trưng cư trú vùng nông thôn để giữ bản sắc địa phương, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. 5 hình thái cư trú đặc trưng của tỉnh là: Miệt biển, Miệt vườn, Miệt sông, Miệt chợ, Miệt ruộng.
Đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và tích hợp hạ tầng thủy lợi: Bao gồm phòng vệ bờ biển với hạ tầng giao thông để tối ưu đầu tư. Trục động lực ven biển vừa là tuyến cao tốc giúp phát triển kinh tế phía Đông của tỉnh, vừa là đê bao giúp bảo vệ Bến Tre khỏi các tác hại do nước biển dâng.
Những phân tích chiến lược để phát triển cho tỉnh trong từng giai đoạn đến năm 2025, 2030 và 2045, đồ án cũng lên kế hoạch cụ thể cho một số vấn đề trọng tâm như: kế hoạch sử dụng đất đai, mức tăng trưởng, thu nhập, thu – chi ngân sách, nguồn lực đầu tư và khả năng thu hút đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistic, đô thị.
Trước đó, tháng 9/2021, đồ án Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đã giành được giải thưởng của Hội Quy hoạch Singapore (SIP Planning Awards) trong hạng mục Đồ án quy hoạch có diện tích lớn hơn 5.000 ha.
Ở giải thưởng này, Ban giám khảo đánh giá cao giải pháp của nhóm tư vấn trong việc phát triển đô thị nhạy cảm với đặc trưng sinh sống độc đáo và đa dạng của Bến Tre, trong khi vẫn tạo ra những cơ hội mới để phát triển đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs).
Bùi Hằng