Bất động sản xanh luôn là phân khúc "vàng" để phát triển bền vững
Những yếu tố như an toàn môi trường hay không gian xanh đang dần trở thành tiêu chí đánh giá hàng đầu. Bởi vậy, nếu không thích nghi được với thị hiếu toàn cầu này, các tòa nhà văn phòng, chung cư hiện nay sẽ mất dần giá trị và khó để giữ được khách hàng.
Hiện nay, bất động sản xanh đang trở thành xu hướng chung của toàn cầu, bởi giá trị mà mô hình này mang lại là sự bền vững cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như khách hàng.
Bất động sản xanh mang nhiều lợi ích
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang lồng ghép những chỉ tiêu bền vững vào tất cả các chiến lược phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội của của từng ngành. Chính phủ và Bộ Tài chính đã thiết lập nhiều quy định dành cho doanh nghiệp về việc công bố đánh giá tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong báo cáo thường niên.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đặt ra nhiều tiêu chí về nguyên vật liệu xây dựng, khuyến khích các công trình sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên môi trường. Những định hướng này phần nào đã khẳng định cam kết cũng như tinh thần trách nhiệm của Nhà nước, hướng Việt Nam trở thành quốc gia xanh và bền vững hơn.
Thị trường đã nhìn thấy thực tế là các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể. Chủ đầu tư sẽ bán hàng nhanh hơn, giá cao hơn từ 4-8%. Khách hàng giảm chi phí điện nước từ 15-20%.
Giới quan sát thị trường bất động sản cho rằng, người mua nhà ngày một khắt khe trong việc lựa chọn không gian sống. Nếu ngày trước, người đi mua nhà chỉ mong có được chốn an cư thì nay đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở. Cụ thể là những dự án có nhiều tiện ích nội khu, có diện tích mảng xanh lớn.
Điển hình cho mô hình phát triển này có thể kể đến các đơn vị như Ecopark, Gamuda Land, Nam Long, Flamigo, Novaland, MIK,…
Hồi tháng 9/2021, thời báo kinh tế của Mỹ International Business Times thể hiện sự ấn tượng với con số hơn 1 triệu cây xanh của Ecopark và gọi dự án này là “khu đô thị xanh nhất thế giới”. Tờ báo này còn cho biết, mật độ cây xanh của Ecopark lớn gấp 50 lần New York Central Park – một trong những công viên lớn và nổi tiếng bậc nhất của Mỹ. Theo International Business Times, mô hình phát triển của Ecopark sẽ làm thay đổi tư duy của thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Savills World Research năm 2021, lợi ích lớn nhất mà tòa nhà xanh mang lại là góp phần gây dựng danh tiếng doanh nghiệp. Thống kê bởi Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) chỉ ra, tính đến quý III/2021, số lượng tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh tại Việt Nam là 201.
Đây chưa phải là một con số lớn trong thị trường. Bởi vậy, nếu nắm bắt được khoảng trống này và xây dựng các dự án theo chuẩn bền vững, chủ đầu tư sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và có khả năng sinh lời cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, trước bối cảnh thị trường bất động sản như hiện nay, doanh nghiệp địa ốc phải làm khác biệt thì mới đi được lâu dài với thị trường. Do đó, những dự án công trình xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và ứng phó với môi trường sống đang trở thành lựa chọn duy nhất của thị trường bất động sản Việt Nam.
Cần cơ chế, chính sách ưu đãi riêng biệt
Với tầm quan trọng của phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đưa nội dung thúc đẩy phát triển các loại hình công trình này vào các cam kết quốc tế, luật, chương trình phát triển… Theo đó, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trong nước và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế thông qua đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Giám đốc Phát triển Bền vững Tập đoàn JLL Việt Nam, bà Trần Thị Chinh, cho biết, hiện có một luồng tài chính xanh được Nhà nước khuyến khích và các ngân hàng thương mại cũng như định chế tài chính quốc tế tung ra với mục đích kích thích sự phát triển bất động sản xanh. Đơn cử như IFC có những chương trình dành cho các chủ đầu tư muốn phát triển theo hướng này.
Mặt khác, những khó khăn lớn nhất mà hầu như chủ đầu tư nào cũng gặp phải là các tiêu chuẩn xanh toàn quốc hiện chưa rõ ràng, cũng như Nhà nước chưa có những chính sách ưu đãi dành riêng bất động sản xanh, như là giảm thuế sử dụng đất hoặc các điều kiện ưu đãi tương tự.
Nhận thức về bất động sản xanh thường đi kèm với chi phí đầu tư cao, trong khi đến khâu vận hành và bàn giao cho người sử dụng cuối cùng thì người sử dụng lại không thật sự hiểu hết và vận dụng hết các yếu tố xanh. Điều đó gây ra cảm giác lãng phí với một số chủ đầu tư đã "làm xanh".
Các chuyên gia nhận định, các giải pháp trước mắt khắc phục khó khăn là phát triển cụ thể rõ ràng các tiêu chuẩn, chính sách và điều kiện thuận lợi. Đồng thời, cho phép từng địa phương được phát triển các lợi thế xanh của riêng mình để hài hòa nhất cho từng địa phương đó. Cần có thêm các chương trình truyền thông và tương tác với người sử dụng cuối cùng để họ nắm rõ các yếu tố xanh và cách sử dụng hoặc tận dụng những yếu tố đó trong quá trình sử dụng.
Bùi Hằng