Bất động sản tại “thành phố cảng” Phú Mỹ liên tục tăng cao
Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, thời gian qua, thị xã Phú Mỹ, đã thu hút lượng lớn các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó nhu cầu nhà ở, kinh doanh của người lao động, nhà đầu tư cũng sôi động lên từng ngày.
Phát triển thần tốc
Thị xã Phú Mỹ hiện nay có điểm xuất phát là một địa phương thuần nông, nhưng chỉ sau 6 năm (kể từ khi trở thành thị xã vào tháng 4/2018) vùng đất này đã có nhiều thay đổi chóng mặt và khoác lên mình “chiếc áo hàng hiệu” đúng nghĩa. Chỉ sau hơn 2 năm trở thành thị xã, tháng 11/2020, Phú Mỹ đã được Bộ Xây dựng công nhận thị xã Phú Mỹ là đô thị loại III.
Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết, trong đó đề ra mục tiêu xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển vào năm 2025; Theo quy hoạch phát triển, đến năm 2030 thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển ngành công nghiệp mạnh mẽ, cảng biển – dịch vụ hậu cần cảng, hướng đến mục tiêu trở thành một “thành phố Cảng” bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Với lợi thế về địa lý tự nhiên như: Sở hữu cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, với 35 bến cảng, đứng thứ 19 trên thế giới (góp phần kết nối nhanh chóng đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai, và Bình Dương). Đây còn là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu chở container đi trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3; Nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam (nơi có cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi ngang); Là địa phương sở hữu một lượng lớn tài nguyên khoáng sản (cát, đá,…) và nhiều loại khí tự nhiên để phát triển các khu công nghiệp mới.
Về hạ tầng giao thông, thị xã Phú Mỹ có hệ thống kết nối hạ tầng hoàn chỉnh, đồng thời nơi đây là cửa ngõ giao thương của hàng chục tuyến đường huyết mạch, đường sắt, tuyến cao tốc, cảng biển, hàng không như tuyến đường Liên cảng Cái Mép – Thị Vải, đường Phước Hòa – Cái Mép, đường 991B, quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Quốc lộ 56 nối Long Khánh – Phú Mỹ, đường vành đai 3, đường vành đai 4,.... Đặc biệt, thị xã Phú Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn khi dự án sân bay quốc tế Long Thành (cách Phú Mỹ 25km) đi vào hoạt động.
Trước những lợi thế hiếm có cùng với những chính sách mở, thời gian qua, thị xã Phú Mỹ đã thu hút lượng lớn các nhà đầu tư trong lĩnh các vực công nghiệp và dịch vụ. Hàng loạt các cụm, khu công nghiệp, dự án du lịch quy mô vừa và lớn đã được hình thành, thu hút lượng lớn nguồn lực lao động đổ về.
Theo thống kê, hiện thị xã Phú Mỹ là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nặng và năng lượng lớn nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, với 12 cụm - khu công nghiệp đang hoạt động có quy mô lên đến 5.000ha, chiếm tới gần 59% diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh. Điển hình như khu công nghiệp: Phú Mỹ 1 (945,13 ha), Phú Mỹ 2 (620,6 ha), chuyên sâu Phú Mỹ 3 (1.050,81 ha), Cái Mép (670 ha), Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (302,4 ha), Mỹ Xuân A2 (312 ha), Mỹ Xuân B1 – Conac (226 ha),…
Cùng với sự phát triển đồng bộ, thị xã Phú Mỹ đã thu hút được hàng loạt các “ông lớn” ở trong và ngoài nước. Các dự án FDI đổ vào các khu công nghiệp ở Phú Mỹ thường có số vốn đầu tư rất lớn hàng trăm triệu USD cho đến hàng tỉ USD. Điển hình, Tập đoàn Hyosung Việt Nam có dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung đã đi vào hoạt động tại KCN Cái Mép với tổng số gần 1,4 tỉ USD. Đến năm 2023, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc này tiếp tục bày tỏ mong muốn rót thêm gần 1 tỉ USD để đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi và vật liệu carbon tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2.
Tương tự, tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 trong năm 2023 đã thu hút được 38 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 72.000 tỷ đồng (hơn 2,65 tỷ USD). Trong đó có các tập đoàn lớn, đa ngành nghề đến từ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Ngoài ra, các ông lớn từ quốc gia siêu cường (Mỹ) trên thế giới cũng lần lượt đặt chân vào vùng đất hứa Phú Mỹ như Intel Products Việt Nam (chuyên sản xuất chip), First Solar Việt Nam (chuyên sản xuất pin mặt trời), Pepsico Việt Nam (chuyên sản xuất thức uống), Procter & Gamble Việt Nam (chuyên sản xuất hàng tiêu dùng)… Sự hiện diện của các doanh nghiệp này góp phần tạo ra việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy sự hội nhập kinh tế quốc tế.
Một dự án “khủng” khác tại Phú Mỹ cũng đang trong quá trình hình thành và trở thành kỳ vọng mang tính đột phá mang tầm vóc thế giới là dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô diện tích lên đến hơn 2.200ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6,7 tỉ USD.
Nhu cầu nhà ở tăng cao
Trước sự đổ bộ liên tục, không ngừng của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thị xã Phú Mỹ cũng trở thành địa phương có sự thu hút đông đảo nguồn lực lao động từ các quốc gia trên thế giới và các địa phương trong cả nước. Theo thống kê hiện có khoảng 90.000 lao động đến làm việc tại các cụm- khu công nghiệp của Phú Mỹ, trong đó có đến 90% là lao động từ các địa phương khác, đây nguồn cầu dồi dào cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí.
Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải – Chuyên gia địa ốc cho biết, trong khoảng 5 năm tới, thị xã Phú Mỹ sẽ có nhiều tiềm năng để đạt được quy mô ngang bằng Hải Phòng và tương lai sẽ trở thành “Bussan, Thượng Hải” của Việt Nam.
Nhận định thêm về vùng đô thị mới này, Tiến sĩ Hải cho hay, tại Việt Nam, hiếm có thành phố nào có kết nối hạ tầng hoàn hảo như thị xã Phú Mỹ, khi là cửa ngõ giao thương của hàng chục tuyến đường huyết mạch, tuyến cao tốc, đường sắt, hàng không, cảng biển…
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải, nhiều chuyên gia đánh giá: “Bất kỳ nơi nào có cảng quốc tế, không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành trung tâm giao thương của cả quốc gia và khu vực.
Có cảng biển quốc tế, sẽ được đầu tư hạ tầng; khi có hạ tầng sẽ thu hút các khu công nghiệp, có khu công nghiệp sẽ thu hút lao động và chuyên gia; tăng dân số sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển. Và nguồn lực này tạo ra nguồn cầu rất lớn cho thị trường bất động sản Phú Mỹ trong tương lai”.
Minh chứng cho điều này, thời điểm 2019 – 2020 thị xã Phú Mỹ đã trải qua cơn sốt đất hiếm thấy, giá đất tăng chóng mặt từ 10 – 40% tùy khu vực. Sau đó, làn sóng này đã bị chững lại bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá đất cũng dần bình ổn, quay trở về giá trị thực.
Nhu cầu nhà ở, kinh doanh ở thị xã Phú Mỹ vẫn ghi nhận ở mức tương đối lớn bởi địa phương này ngày càng thu hút một lượng đáng kể người lao động di cư đến và làm việc, đặc biệt là những chuyên gia và kỹ sư có trình độ cao.
Theo khảo sát thực tế, hiện nay, các khu công nghiệp ở Phú Mỹ đã thu nhận hơn 15.000 chuyên gia và những quản lý cấp cao nước ngoài. Đây là nguồn cầu rất lớn cho thị trường bất động sản nhà ở trong tương lai, nhất là những dự án liền kề các cụm khu công nghiệp, cảng biển.
Mặc dù nhu cầu lớn nhưng thị trường Phú Mỹ vẫn chủ yếu là hình thức đất nền, còn những dự án nhà ở tại Phú Mỹ thì hầu hết chưa đáp ứng đầy đủ chuẩn an cư của giới lao động cấp cao. Hiện tại, nhiều chuyên gia vẫn phải sinh sống tại những khu nhà ở dành riêng cho nhân viên trong các khu công nghiệp, hoặc chấp nhận thuê nhà ở TP.HCM và chọn di chuyển xa mỗi ngày đến chỗ làm.
Thanh Tùng