Thứ năm, 28/03/2024 23:42 (GMT+7)
Thứ tư, 04/11/2020 16:29 (GMT+7)

Bảo vệ rừng phòng hộ: Nhiều thách thức

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh môi trường đang ngày càng bị đe doạ, các thảm hoạ thiên tai xảy ra với cường độ dày hơn, việc bảo vệ rừng phòng hộ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bảo vệ rừng phòng hộ: Nhiều thách thức - Ảnh 1
Rừng phòng hộ giúp chống xói mòn, hạn chế thiên tai. (Ảnh minh họa: Internet)

Rừng phòng hộ là rừng được trồng và sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, đất của môi trường tự nhiên. Rừng sẽ giúp chống xói mòn, hạn chế thiên tai, đồng thời điều hòa khí hậu, hơn cả là bảo vệ, điều hoà môi trường sinh thái.

Rừng phòng hộ được chia ra thành nhiều loại khác nhau đó là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại Việt Nam, rừng phòng hộ phân bố đều các tỉnh, thành phố với 59/63 tỉnh có rừng phòng hộ. Trong đó Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất cả nước với 291.071 ha, chiếm 6,3% cả nước và nhỏ nhất là Bắc Ninh có 530 ha.

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt rừng làm nương rẫy. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp công bố cuối năm 2019, cả nước có 14,45 triệu ha rừng, tương đương độ che phủ 41,85%. Đây là con số thoạt nhìn thì đáng mừng. Vì những năm 1945, diện tích rừng của chúng ta chỉ chiếm 45% tổng diện tích và cứ thế bị giảm dần. Đến 1999, diện tích rừng bị thu hẹp chỉ còn khoảng 33%. Lúc đó nhà nước bắt đầu có chính sách kịp thời để trồng rừng và khôi phục lại rừng, từ đó diện tích rừng tăng dần lên.

Độ che phủ của rừng ở Việt Nam 41,85% vào năm 2019 là cao so với thế giới nhưng xét về chất lượng rừng là câu chuyện đáng bàn. Những năm 1945, đa số là rừng tự nhiên. Còn trong tổng số hơn 14 triệu ha rừng hiện nay, rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha, còn hơn nửa là rừng sản xuất.

Còn theo số liệu Báo cáo công tác quản lý hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019, nếu như năm 2006 diện tích rừng phòng hộ ở nước ta là 5,269 triệu ha thì đến năm 2019 đã giảm xuống còn 4,646 triệu ha, chiếm 31,8% diện tích rừng cả nước.

Bảo vệ rừng phòng hộ: Nhiều thách thức - Ảnh 2
Diện tích rừng phòng hộ ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Internet)

Rừng phòng hộ giữ vai trò quan trọng phòng hộ đầu nguồn, góp phần quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu. Với đặc điểm địa hình của Việt Nam dài và nhỏ hẹp và có tới 3/4 địa hình là đồi núi, với độ dốc cao (15-75 độ), chiều dài dốc ngắn cộng thêm chiều dài bờ biển đến hơn 3260 km, khiến công tác bảo vệ rừng phòng hộ trở thành một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, được quy định rất chặt chẽ.

Chất lượng rừng giảm sút sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Đầu tiên, các tác hại của thiên tai mạnh hơn. Năm nào Việt Nam cũng hứng chịu nhiều thiên tai, từ Bắc vào Nam. Ở miền núi phía Bắc là các vụ sạt lở, lũ quét. Ở miền Trung là những cơn bão làm tốc nhà. Ở miền Nam là xâm nhập mặn, sạt lở ven sông, biển. Những thiệt hại về tính mạng và tài sản là hậu quả ngay trước mắt mọi người nhìn thấy được. Sau đó là năng suất nông nghiệp suy giảm.

Các tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Tây Nam bộ, lũ lụt ở miền Trung, sạt lở, sụt lún ở các khu vực vùng núi và trung du đang đặt ra các thách thức vô cùng lớn đối với công tác bảo vệ rừng phòng hộ.

Trong nhiều giai đoạn phát triển Lâm nghiệp, nhà nước có nhiều chế độ chính sách đã áp dụng đầu tư tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Tuy nhiên, theo đại diện BQL rừng phòng hộ Yaly (Gia Lai), việc đầu tư cho con người trực tiếp quản lý bảo vệ rừng chưa tương xứng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng, chưa được quan tâm đúng mức.

Đại diện BQL Rừng phòng hộ Yaly cho biết, hiện nay, bình quân mỗi nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách, phải đảm nhiệm từ 1.000 ha rừng trở lên; mùa khô trực phòng chống cháy rừng 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ; do đó người làm công tác bảo vệ rừng luôn luôn không hoàn thành nhiệm vụ, bị kiểm điểm kỷ luật thường xuyên và tình trạng bỏ việc ở các Ban quản lý rừng phòng hộ cũng xảy ra phố biến).

Mới đây, chia sẻ với báo Đại đoàn kết, ông Trần Quốc Cảnh, chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế cho biết, chỉ riêng tại địa phương này thống kê có 75.000 ha rừng thì các BQL rừng phòng hộ quản lý khoảng 62.000 ha (88%), chủ yếu là rừng tự nhiên phòng hộ.

Nguồn lực từ ngân sách hàng năm cho công tác quản lý bảo vệ rừng khoảng 4-5 tỉ đồng, trong khi đó các nguồn nhân lực bổ sung từ nguồn ngân sách hầu như không có. Chưa kể đến cơ chế khai thác rừng trồng phòng hộ hiện nay còn nhiều bất cập.

Góp ý đối với chính sách đầu tư và quản lý bền vững rừng phòng hộ, bà Đoàn Diễm, chuyên gia từ trung tâm PanNature cho rằng, Nhà nước nên cho phép BQL rừng được tự chủ trong sử dụng vốn tự có, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm theo kế hoạch.

Ngoài ra, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư bảo tồn các diện tích rừng có giá trị cao, cần thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Bảo My

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ rừng phòng hộ: Nhiều thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.