Thứ sáu, 22/11/2024 14:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/03/2021 16:30 (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Bảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này không dễ dàng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Việt Nam cần phải coi đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức'.

Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gien quý, hiếm. Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước... Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.

Tuy vậy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân được xác định do áp lực của gia tăng dân số đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên; quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển thiếu quy hoạch, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở... làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp đã gây ra mối đe dọa lớn tới đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học: “Chúng ta đang đối diện với những thách thức to lớn liên quan đến đa dạng sinh học do chính con người tạo ra. Đã đến lúc chúng ta, bên cạnh việc sử dụng chính sách và pháp luật, thì cần phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo, sau đến mọi người dân”.

Đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng

Tốc độ phát triển nhanh về kinh tế, xã hội và gia tăng dân số ở Việt Nam đã dẫn đến việc khai thác quá mức, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học tại nhiều vùng trên cả nước như phá rừng, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, săn bắt động vật hoang dã, khai thác hủy diệt thủy sinh vật, chiếm dụng và hủy hoại các “ổ” đa dạng sinh học nhân danh các dự án phát triển kinh tế (như thủy điện, khai thác khoáng sản…)

Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 2

Phá rừng, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ: Diện tích và chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục giảm sút nghiêm trọng do nạn phá rừng và khai thác, buôn bán gỗ trái phép vẫn còn diễn ra trên toàn quốc. Hàng năm, có khoảng 0,5 – 2 triệu m3 gỗ bị khai thác trái phép.

Khai thác nguồn lợi thủy sản không bền vững: Các hình thức đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc, sốc điện, chài hoặc lưới mắt nhỏ dưới mức cho phép đang làm suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng trong toàn bộ các hệ sinh thái đất ngập nước và biển, đe dọa sự tồn tại của hơn 80% các rạn san hô ở Việt Nam, và hủy diệt các nguồn cá giống, tôm giống trong các vùng đất ngập nước ven bờ, nội địa.

Săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã: Hoạt động săn bắt và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã đang là mối đe dọa lớn nhất làm suy giảm và cạn kiệt nhanh chóng các quần thể động vật ngoài tự nhiên, đặc biệt là các loài thú lớn như voi, hổ, gấu. Nhiều bằng chứng gần đây cho thấy, Việt Nam còn là nơi tiêu thụ hoặc điểm trung chuyển của các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhân danh phát triển thiếu cơ sở: Việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thủy điện hoặc công trình thủy lợi đã làm cho các hệ sinh thái và các sinh cảnh tự nhiên bị phá vỡ và biến mất, làm suy giảm tài nguyên đa dạng sinh học và làm suy yếu các chức năng sinh thái đảm bảo an ninh môi trường như hạn chế lũ lụt, trượt lở đất và duy trì nguồn nước.

Cùng với đó, các hoạt động chăn nuôi thiếu khoa học cũng gây tác hại lớn đến đa dạng sinh học. Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) vì mục đích thương mại cũng khiến đa dạng sinh học bị ảnh hưởng do nguồn gen bị lai tạp. Ví dụ, việc phát triển quá mức các cơ sở gây nuôi lấy thịt là nguyên nhân chính khiến loài cá sấu Xiêm trong tự nhiên ở Việt Nam đã tuyệt chủng. Theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật trên thế giới hiện đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tại Việt Nam, tuy đã có nhiều nỗ lực từ chủ trương, chính sách đến hành động thực tế, nhưng đa dạng sinh học của nước ta vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, đa dạng sinh học các hệ sinh thái, đa dạng sinh học các loài, đa dạng sinh học gen di truyền đều đang suy thoái nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ngoài các nguyên nhân do BĐKH và thời tiết cực đoan đã được ghi nhận thì các nguyên nhân gây suy thoái khác đều do con người gây ra.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường): Công tác quản lý các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng trên cạn hiện nay ở nước ta chưa hiệu quả. Ở nhiều địa phương vẫn diễn ra các hoạt động chặt phá rừng trái phép. Tuy từ năm 2005 đến 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% tới 41,45% do được trồng và cải tạo tự nhiên, nhưng diện tích rừng tự nhiên đến năm 2017 chỉ còn 2,8 triệu ha, từ mức 12 triệu ha năm 1945. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận hơn 800 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, ở các vùng ven biển, ven các đảo lớn gần bờ còn có sự xung đột giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn thiên nhiên.

Chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, hoạt động du lịch, rác thải nhựa... đã gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực, làm giảm diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển và vùng biển ven bờ. Năm 1943, tổng diện tích rừng ngập mặn là 400.000 ha thì hiện chỉ còn 155.000 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm tỉ lệ rất thấp. Diện tích các rạn san hô năm 2001 là 110.000 ha, đến năm 2010 chỉ còn 14.000 ha, chất lượng các rạn kém, nhiều loài đã chết. Ở nhiều khu bảo tồn nước mặn, hình thức nuôi trồng thủy, hải sản cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. 

Mặc dù đã có hệ thống các văn bản xử lý vi phạm quy định bảo vệ môi trường ở các mức độ khác nhau, từ bồi thường thiệt hại, phạt, xử lý vi phạm hành chính và cả hình sự, tuy nhiên, các chế tài chưa đủ sức răn đe do còn nhiều bất cập trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.

Hoàn thiện pháp luật bảo tồn đa dạng sinh học

Hiện nay, Việt Nam có 173 khu bảo tồn thiên nhiên. Cùng với đó là 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 9 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Ban Thư ký ASEAN đã công nhận Việt Nam có thêm 4 vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Tuy nhiên, để bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các hệ sinh thái, Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, trước hết cần tập trung xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tập trung lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030; tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với BĐKH thông qua giải pháp dựa vào thiên nhiên, phát huy tri thức bản địa để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; tăng cường quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.

Bộ TN&MT cũng sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại... “Con người là một phần của tự nhiên, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy quá trình suy thoái hoặc phục hồi môi trường. Nghiên cứu xây dựng chủ trương, chính sách phù hợp thực tiễn, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, thúc đẩy các hoạt động giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học với công nghệ hiện đại sẽ bảo đảm tính bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường”,

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định: "Việt Nam cần có định hướng cụ thể về chiến lược bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Trong đó, các bên liên quan cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng để triển khai các chương trình bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học. Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến hệ sinh thái, như: Nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. Đặc biệt, các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh"

Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường kết hợp du lịch, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là để rừng sinh trưởng bền vững. Việc bảo vệ đa dạng sinh học là việc làm cấp thiết mà mỗi vùng quốc gia lãnh thổ nên có những biện pháp để phát triển, bên cạnh đó việc thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cũng là điều kiện cần và đủ để việc nâng cao quản lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học được phát triển tốt nhất.

Chính phủ đã tìm cách khắc phục các mâu thuẫn này thông qua các chính sách về chia sẻ lợi ích, đồng quản lý giữa các cơ quan quản lý vườn quốc gia/khu bảo tồn và cộng đồng địa phương, liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đồng thời cho phép một số hoạt động khai thác bền vững tài nguyên rừng và biển. Trong đó, việc hình thành các khu dự trữ sinh quyển hứa hẹn sẽ mở rộng cách tiếp cận hiện có đối với việc quản lý khu bảo tồn để bảo tồn đa dạng sinh học và chia sẻ lợi ích bằng cách tính đến bối cảnh kinh tế xã hội rộng lớn hơn mà các khu bảo tồn nằm trong đó.

Trên Trái Đất có vô vàn loài động, thực vật khác nhau, cùng chung sống và tác động lẫn nhau, tạo nên sự đa dạng của hệ sinh học. Giá trị của đa dạng sinh học là vô cùng to lớn. Giá trị kinh tế trực tiếp của tính đa dạng sinh học là những giá trị của các sản phẩm sinh vật mà được con người trực tiếp khai thác và sử dụng cho nhu cầu cuộc sống của mình.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới