Thứ năm, 25/04/2024 20:05 (GMT+7)
Thứ hai, 28/12/2020 14:51 (GMT+7)

Bao giờ rừng mới thôi ‘chảy máu’?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều thập kỷ qua, bảo vệ rừng luôn là bài toán chưa tìm ra lời giải. Rất nhiều Nghị định, Thông tư, công văn liên quan được ban hành. Nhiều mô hình quản lý bảo vệ rừng đã triển khai. Tuy nhiên rừng vẫn đang ngày đêm "chảy máu".

Là một tỉnh miền núi nằm ở Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có diện tích rừng lớn, nhưng thời gian qua tình trạng tàn phá rừng nơi đây trở nên đáng báo động. Mới đây nhất, dư luận lại tiếp tục nóng lên với vụ việc rừng đặc dụng Mường Phăng (Di tích quốc gia đặc biệt) bị chặt phá, rút ruột.

Theo quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích hơn 4.436 ha, thuộc địa bàn 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ).

Mục đích thành lập rừng đặc dụng Mường Phăng là nhằm bảo vệ di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (di tích cấp quốc gia đặc biệt).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng rừng đặc dụng Mường Phăng bị "lâm tặc" mang cưa xăng vào đốn hạ cây rừng, ngang nhiên sơ chế, khai thác gỗ ngay tại hiện trường.

Bao giờ rừng mới thôi ‘chảy máu’? - Ảnh 1
Rừng đặc dụng Mường Phăng bị chặt hạ trong suốt thời gian dài. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Theo số liệu kiểm kê ban đầu tại thực địa là 173 cây gỗ, tổng khối lượng hơn 20 m3. Số cây bị đốn hạ nằm rải rác trong rừng đặc dụng Mường Phăng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Kích thước cây gỗ lớn nhất bị chặt hạ phát hiện có đường kính gốc trên 40 cm, các loài cây bị khai thác chủ yếu là Thanh Mai, Mắc Khén, Giẻ Vối Thuốc và một số loại cây bản địa khác (thuộc nhóm V đến nhóm VIII).

Theo cơ quan chức năng thời gian chặt hạ từ cuối năm 2019 – 10/2020. Cơ quan chức năng xác định, địa bàn có 173 cây rừng bị đốn hạ thuộc 2 xã: Pá Khoang và Mường Phăng. Nó do cộng đồng các bản Kéo, Ten, Đông Mệt 1 - 2, Co Thón, Co Cượm, Đông Mệt 1 (xã Mường Phăng) và các bản Bua, Che Căn, Tân Bình, Khá (xã Pá Khoang) quản lý.

Việc phá rừng đã diễn ra từ cuối năm 2019. Song phải mãi đến tháng 10/2020 mới bị phát hiện và ngăn chặn. Hầu hết, số cây gỗ đã bị khai thác trái phép nêu trên cho đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng chặt phá. Một số cây được đánh dấu sơn đỏ còn sót lại tại hiện trường là do BQL rừng Mường Phăng phát hiện, đánh dấu song chưa được xác lập hồ sơ để xử lý vi phạm theo quy định.

Toàn bộ diện tích hơn 2.300 ha rừng đặc dụng nói trên được giao cho BQL rừng Mường Phăng quản lý theo Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 và Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 02/4/2019 của UBND tỉnh Điện Biên.

Liên quan đến sự việc, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Việt Cường - Giám đốc Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên. Ông Cường bị đình chỉ từ ngày 21/12 để làm rõ trách nhiệm trong việc xảy ra vi phạm khai thác rừng trái pháp luật tại khu vực rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, vụ việc rừng đặc dụng Mường Phăng bị cưa, chặt hạ chủ yếu là do nhân dân sinh sống trên địa bàn khai thác về phục vụ nhu cầu làm nhà ở trên địa bàn.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng rừng đặc dụng Mường Phăng bị cưa, chặt hạ trái phép, theo ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên có yếu tố thực tiễn. Bởi rừng đặc dụng Mường Phăng nằm trên địa bàn hai xã Pá Khoang, Mường Phăng, có hơn 30 bản nằm xen kẽ trong rừng đặc dụng, kể cả vùng lõi rừng đặc dụng cũng có dân sinh sống. Do phong tục tập quán cần nhu cầu về gỗ (để làm nhà), người dân vẫn lén lút khai thác trộm gỗ trong rừng.

Cùng với đó, còn có nguyên nhân chủ quan là trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng có vấn đề. Đó là việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát và tham mưu để xử lý cũng như công tác phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phối kết hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Không chỉ tại Điện Biên, những vụ sạt lở kinh hoàng và mất mát đau thương về con người tại miền Trung thời qua khiến vấn đề mất rừng cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Mới đây, trả lời kiến nghị của các cử tri, Bộ NN&PTNT khẳng định, trong những năm qua, việc quản lý, bảo vệ rừng đã "nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ TƯ đến địa phương" và số vụ vi phạm về lâm nghiệp đã giảm rõ rệt.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đưa ra con số minh họa cho thấy, nếu năm 2017 xảy ra 16.531 vụ vi phạm, năm 2018 xảy ra 12.954 vụ thì năm 2019 xảy ra 10.731 vụ vi phạm, giảm 2.223 vụ (17%) so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy vậy, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là người dân thiếu đất sản xuất; di dân tự do; chuyển đất rừng sang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ rừng mới thôi ‘chảy máu’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.