Thứ năm, 19/09/2024 05:13 (GMT+7)
Thứ tư, 11/09/2024 00:00 (GMT+7)

Bão dữ dội, nắng nóng gay gắt, thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có do con người?

Theo dõi KTMT trên

Thiên tai vốn là những tai họa của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Thế nhưng, chúng ta cũng không thể dùng lý do này để bao biện cho hành vi tàn phá Trái đất mà con người đã gây ra trong nhiều thập kỷ qua.

Sự thật là con người đã đóng góp một phần trách nhiệm không hề nhỏ trong việc gây ra biến đổi khí hậu. Thời tiết ngày càng cực đoan đã làm cho thiên tai xuất hiện với tần suất ngày một nhiều và cường độ ngày một tăng. Chưa có thời điểm nào thời tiết lại nóng bức như một vài năm trở lại đây. Và cũng chưa có năm nào, từ khắp châu Á, châu Âu, sang tới châu Phi, châu Mỹ… bão lũ lại xảy ra nhiều như năm 2024 này.

Con người đã thúc đẩy thiên tai dữ dội lên như thế nào?

Hãy tưởng tượng bất kỳ hành động nào của con người và sinh vật trên Trái đất từ hít thở, sinh hoạt, sản xuất, giao thông… đều phát thải ra loại khí gọi chung là khí nhà kính. Khí nhà kính hoạt động giống như một tấm chắn giữ cho nhiệt độ từ Trái đất không thoát được ra ngoài, từ đó giúp duy trì duy trì mức nhiệt ổn định và sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, kể từ sau thời kỳ Cách mạng Công nghiệp từ cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19, các hoạt động sản xuất, khai thác, vận tải… của con người ngày một nhiều.

Bão dữ dội, nắng nóng gay gắt, thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có do con người? - Ảnh 1
Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp và công nghệ đã kéo theo hậu quả là lượng khí nhà kính ngày một tăng cao.

Do đó, lượng khí nhà kính thải ra bầu khí quyển ngày một tăng theo cấp số nhân mà không kịp phân hủy. Điều này đã khiến nhiệt độ Trái đất cũng ngày một nóng lên. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), hiện nay nhiệt độ Trái đất đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp. Trong khi mức 1,5 độ C là ngưỡng nhiệt giới hạn mà thế giới đang cố gắng hết sức để không chạm tới.

Theo số liệu năm 2022 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (U.S Environmental Protection Ageny - EPA), 34% lượng khí nhà kính trên thế giới đến từ ngành năng lượng, trong đó chủ yếu là từ việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí gas để sản xuất ra nhiệt, điện phục vụ đời sống của con người. Kế đến là ngành sản xuất công nghiệp với 24% đóng góp vào tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Khí thải của sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất công nghiệp, chuyển đổi hóa học, luyện kim và khoáng sản. Xếp vị trí thứ ba là ngành nông - lâm nghiệp và sử dụng đất với 22% lượng khí thải chủ yếu đến từ trồng trọt, chăn nuôi và nạn phá rừng. Ngoài ra, 15% lượng khí nhà kính toàn cầu còn đến từ lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển. Trong đó, có tới 95% năng lượng vận tải thế giới đều sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch là dầu mỏ. 5% lượng khí thải còn lại đến từ vận hành các tòa nhà như nhiệt, điện sưởi ấm, làm mát hay nấu ăn…

Bão dữ dội, nắng nóng gay gắt, thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có do con người? - Ảnh 2
Khí nhà kính phần lớn đến từ đốt nhiên liệu hóa thạch.

Dựa vào số liệu cụ thể này cũng có thể thấy được con người đã đóng góp phần không hề nhỏ vào lượng khí nhà kính toàn cầu. Chính con người đã dần dần gián tiếp tác động và làm thay đổi thành phần của khí quyển Trái đất. Trong quãng thời gian kéo dài từ hàng thập kỷ đến thế kỷ, hệ thống khí hậu của Trái đất đã bị biến đổi và không còn ôn hòa như xưa.

Hậu quả dễ thấy nhất của biến đổi khí hậu ngày nay chính là những đợt nắng nóng gay gắt như thiêu đốt, những đợt hạn hán khô cằn, những cơn bão lũ dữ dội cuốn trôi người và cửa, những đợt băng tan xâm lấn vào đất liền… và vô số những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội kéo theo.

Thiên tai năm 2024 trở nên dữ dội và khốc liệt hơn

Bão dữ dội, nắng nóng gay gắt, thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có do con người? - Ảnh 3
Yagi là cơn bão mạnh nhất hoạt động trên biển Đông trong năm 2024.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc (United Nations - UN), năm 2023 đã được coi là một năm nóng kỷ lục với nhân loại khi nhiệt độ trung bình cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thế nhưng, năm 2024 đã được dự đoán sẽ soán ngôi khi 6 tháng đầu năm đã ghi nhận nhiệt độ nắng nóng trong lịch sử. Tính tới tháng 6/2024, thế giới đã nóng hơn liên tục trong vòng 13 tháng, đẩy nhiệt độ Trái đất nóng lên hơn 1,64 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.

Nguyên nhân Trái đất nóng lên vượt ngưỡng được xác định là do biến đổi khí hậu do con người gây ra, cộng thêm tác động của hiện tượng khí hậu El Nino xảy từ tháng 6/2023 đến tháng 4/2024. Hai yếu tố cộng dồn đã khiến cho thời tiết mùa hè năm nay nóng gay gắt khắp các châu lục và bão cũng xảy ra nhiều và dữ dội hơn. El Nino là kiểu thời tiết làm cho nước biển ở phía Đông Thái Bình Dương ấm lên, đồng thời xuất hiện bão mạnh và kéo dài hơn. Cùng lúc đó, khu vực Tây Thái Bình Dương lại ít mưa hơn hoặc gặp hạn hán khô cằn ở nhiều nơi.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), sau khi El Nino kết thúc vào tháng 4/2024, khí hậu chuyển ngay sang pha ENSO trung tính và dự kiến sẽ chuyển tiếp sang pha La Nina vào khoảng tháng 9 - 11/2024 với khả năng xảy ra là 60%. Nếu bước vào kiểu thời tiết La Nina, khu vực lân cận Đại Tây Dương sẽ là khu vực có khả năng hứng chịu bão dữ dội trong năm nay.

Lời kết

Có lẽ khi chưa trực tiếp trải qua thiên tai dữ dội, nhiều người vẫn còn phớt lờ nghĩa vụ bảo vệ bầu khí quyển và coi việc bảo vệ môi trường chỉ là việc “cha chung không ai khóc”. Tuy nhiên, nếu mỗi cá nhân cùng nâng cao nhận thức và góp phần nhỏ vào mục tiêu cắt giảm khí nhà kính, mỗi quốc gia cũng đồng lòng hơn, quyết liệt hơn nữa thì "người mẹ thiên nhiên" sẽ ôn hòa trở lại. Lúc đó, đích đến của mục tiêu Net Zero, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 không còn xa.

Bão dữ dội, nắng nóng gay gắt, thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có do con người? - Ảnh 4
Hãy góp phần của mỗi cá nhân nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ hành tinh cho chúng ta và thế hệ mai sau.

Tổng hợp

Cát Ân

Bạn đang đọc bài viết Bão dữ dội, nắng nóng gay gắt, thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có do con người?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết miền Bắc những ngày tới
Tại một số khu dân cư ven sông Hồng như Chương Dương Độ, Bạch Đằng, Phúc Tân, Cầu Đất, Hồng Hà, Tân Ấp nước lũ đang rút nhẹ... Nhiều hộ dân đang bắt đầu dọn dẹp nhà cửa.

Tin mới