Thứ sáu, 03/05/2024 14:13 (GMT+7)
Chủ nhật, 31/03/2024 10:36 (GMT+7)

Khí nhà kính là gì mà lại có thể gây biến đổi khí hậu và thiên tai?

Theo dõi KTMT trên

Chỉ tính riêng trong 30 năm trở lại đây, lượng khí nhà kính thải ra từ các hoạt động của con người đã tăng vọt đáng kể. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới một loạt những hệ lụy liên tiếp như trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu, thiên tai...

Trước vấn nạn Trái đất đang ngày một nóng lên do hiệu ứng nhà kính, con người vẫn thường xuyên được cảnh báo về khí nhà kính và tác hại tiềm tàng của nó đối với Trái đất và các sinh vật, trong đó có cả chính loài người. Nhưng có lẽ khái niệm này vẫn còn xa lạ với nhiều người. Để nhận thức sâu sắc được điều này, chúng ta cần phải hiểu rõ được khí nhà kính là gì và tác động của nó tới Trái đất như thế nào?

Định nghĩa khí nhà kính là gì?

Khí nhà kính là gì mà lại có thể gây biến đổi khí hậu và thiên tai? - Ảnh 1
Khí nhà kính hoạt động như một tấm chắn giữ nhiệt của Trái đất.
Khí nhà kính là gì mà lại có thể gây biến đổi khí hậu và thiên tai? - Ảnh 2
Hình ảnh tượng trưng cho định nghĩa hiệu ứng nhà kính.

Khí nhà kính có tên viết tắt tiếng Anh là GHGs - Greenhouse Gases. Chúng là các loại khí trong bầu khí quyển có khả năng giữ nhiệt, mà chủ yếu bao gồm hơi nước, Carbon dioxit CO2, Metan CH4, Nitơ dioxit N2O, Ozon O3, Clorua-florua-carbon CFC... Các khí nhà kính hấp thụ nhiệt từ ánh sáng Mặt trời chiếu lên bề mặt Trái đất, sau đó dội ngược lại nhiệt vào bầu khí quyển, mà không thoát bớt nhiệt ra ngoài. Quá trình này được gọi là hiệu ứng nhà kính.

Đúng như tên gọi của nó, khí nhà kính giống như một tấm chắn bằng kính giữ cho nhiệt độ từ Trái đất không thoát được ra ngoài. Nếu lượng khí nhà kính nhiều cũng đồng nghĩa với việc khí quyển càng nóng hơn, do khí nhà kính tồn tại ở trong khí quyển trong khoảng thời gian rất lâu. Cụ thể là khí metan tồn tại trong bầu khí quyển khoảng 10 năm, nitơ dioxit tồn tại tới 120 năm và carbon tồn tại tới 1.000 năm. Những khí này ngày một tích tụ nhiều trong bầu khí quyển mà không tan biến đi sẽ làm cho Trái đất ngày càng nóng lên. 

Khí nhà kính do đâu mà có?

Khí nhà kính là gì mà lại có thể gây biến đổi khí hậu và thiên tai? - Ảnh 3
Khí nhà kính xuất phát từ các hoạt động của con người trên Trái đất.

Tất cả các hoạt động của con người trên Trái đất đều phát thải ra khí nhà kính như hít thở, dân sinh, đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, giao thông vận tải, sản xuất điện, khai thác nguyên liệu hóa thạch... Trong đó, carbon là lượng khí thải chiếm chủ đạo tới 79%, metan 11%, nitơ 7% và các khí khác 3%. 

Carbon dioxit được giải phóng ra từ các quá trình tự nhiên như núi lửa phun trào, hô hấp của thực vật, hơi thở của con người và động vật. Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp vào những năm 1800, lượng khí carbon đã tăng lên 50% do con người phá rừng và đốt nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu... Lượng carbon cao vượt trội chính là nguyên nhân cơ bản khiến Trái đất nóng lên.

Khí metan cũng góp một phần không nhỏ trong lớp khí nhà kính. Nó có từ quá trình phân hủy từ các hoạt động chăn nuôi gia súc, bãi rác thải, trồng lúa và sản xuất dầu khí.

Nitơ dioxit hay còn gọi là oxit nitơ được sinh ra trong quá trình sử dụng phân bón cả hữu cơ lẫn thương mại trên quy mô lớn, đốt nhiên liệu hóa thạch, sản xuất axit nitric và đốt sinh khối.

Clorua-Florua-Carbon là hợp chất nhân tạo được ứng dụng làm dung môi làm lạnh trong các thiết bị như tủ lạnh, điều hòa, bình chữa cháy, bình xịt côn trùng... CFC có thể gây phá hủy tầng ozon khi xâm nhập vào khí quyển.

Hiệu ứng nhà kính đã làm mất cân bằng tự nhiên

Ban ngày, ánh nắng xuyên qua khí quyển làm cho bề mặt Trái đất ấm áp. Nhưng ban đêm đến, khi ánh mặt trời rời xa, Trái đất sẽ trở lên lạnh hơn, chỉ ở mức -18˚C, một nhiệt độ quá thấp để có thể duy trì sự sống trên địa cầu. Nhờ có khí nhà kính mà nhiệt độ đã bị giữ lại trong bầu khí quyển, làm cho Trái đất luôn cân bằng ở mức nhiệt 14˚C. Điều đó sẽ rất tốt nếu như lượng khí nhà kính chỉ cần duy trì ở mức tự nhiên, tức là giữ cho Trái ấm lên vừa phải.

Tuy nhiên, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, con người đã thải ra một lượng lớn khí nhà kính vào khí quyển, từ đó gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất. Theo số liệu thống kê, nhiệt độ Trái đất đã tăng nhanh trong 30 năm qua và hiện tại đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Các nhà khoa học khẳng định, khí nhà kính chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng Trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chính những bất thường này đã phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, thiên tai xảy ra ngày một nhiều, đe dọa tới sinh tồn của động vật và chất lượng cuộc sống của con người.

Khí nhà kính là gì mà lại có thể gây biến đổi khí hậu và thiên tai? - Ảnh 4
Biến đổi khí hậu gây ra các thiên tai đại họa cho con người.

Theo: Tổng hợp

Gia Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Khí nhà kính là gì mà lại có thể gây biến đổi khí hậu và thiên tai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới