Báo động nguy cơ thiếu nước sạch trên toàn cầu
Liên Hợp Quốc cảnh báo, sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2035, sẽ có khoảng 3 tỉ người, chiếm gần 50% dân số Trái đất phải đối mặt với các khó khăn do tình trạng thiếu nước, ở các mức độ khác nhau.
Nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt
Nước sạch luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi gia đình, mỗi quốc gia và cũng là vấn đề lớn mà thế giới phải đối mặt trong nhiều năm qua. Thế nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nguồn tài nguyên nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.
Cậu bé uống nước trong ao làng Bule Duba, Ethiopia. (Ảnh: Reuters) |
Nghiên cứu của UNICEF và WHO cho thấy từ năm 2000 đến nay, có khoảng 1,8 tỉ người đã được tiếp cận với nước uống bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Thế nhưng vẫn còn một số lượng lớn người dân trên khắp thế giới chưa được tiếp cận với nguồn nước uống bảo đảm chất lượng và sẵn có. Ước tính, khoảng 785 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, vẫn thiếu các dịch vụ cơ bản, trong đó có 114 triệu người vẫn phải uống nước không sạch.
Do hậu quả của biến đổi khi hậu mà lượng mưa và băng trong mùa đông đã làm giảm trữ lượng nguồn cung cấp nước ngọt có thể được xử lý. Thực tế là gần 70% bề mặt trái đất bao phủ bởi nước, nhưng chỉ có 2,5% lượng nước đó là nước tinh khiết phù hợp cho tiêu dùng. Chính vì vậy, nước là tài nguyên quan trọng chúng ta cần gìn giữ hàng đầu.
Viễn cảnh trong tương lai, nước tinh khiết có thể trở thành một thứ của hiếm. Người nghèo phải chịu hậu quả đầu tiên khi buộc phải sử dụng các nguồn nước ô nhiễm. Nhưng người giàu cũng không khá hơn là bao, bởi khi đã khan hiếm thì dẫu có tiền cũng không mua được nước sạch. Nền sản xuất công nghiệp toàn cầu bị xóa sổ do không còn tư liệu sản xuất, nông nghiệp cố gắng khai thác các vùng đất canh tác còn lại để tạo ra lương thực nuôi sống con người... Ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.
Người dân tập trung lấy nước quanh miệng giếng khổng lồ ở làng Natwarghad, thuộc bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ. |
Hơn 4 tỉ người có thể thiếu nước sạch vào năm 2050
Sẽ có 3,5 đến 4,4 tỉ người trên thế giới thiếu nước sạch vào năm 2050. Cảnh báo này đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đưa ra hôm 22/3, nhân ngày Nước Thế giới.
Báo cáo của LHQ cho biết hiện có tới 2,2 tỉ người đang sống thiếu nước sạch, trong khi những người không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản lên tới 4,2 tỉ người.
Ông Guterres cho rằng, nước là yếu tố hàng đầu để thông qua đó con người có thể nhận thấy tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt, cho tới tình trạng tan băng, xâm nhập mặn và nước biển dâng... và kêu gọi cần phải có các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Với khoảng 2 tỉ tấn rác thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù, sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực nhưng vấn nạn ô nhiễm nước vẫn gia tăng trên toàn cầu.
Trẻ em xếp hàng lấy nước sạch từ nguồn viện trợ tại thủ đô Sanaa, Yemen ngày 22/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Thiếu nước sạch đe doạ cuộc sống con người
Tình trạng nóng lên toàn cầu và việc sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước đã buộc hàng triệu người phải di cư, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và năng suất lao động, cũng như tạo ra hàng loạt nguy cơ bất ổn và xung đột khác.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong tương lai không xa, nước sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang hay giảm tăng trưởng kinh tế, nghèo đói, bệnh tật.
Hai phụ nữ đánh nhau để giành nước ở một bồn chứa nước công cộng tại khu vực ngoại ô Ahmedabad. (Ảnh: Reuters) |
Theo thống kê của các nhà khoa học, nhu cầu nước trên toàn thế giới sẽ tăng tới 45% trong khi nguồn nước đang cạn kiệt ở mức báo động và ngày càng hiếm dần. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hàng năm, 3,6 triệu người chết vì các căn bệnh do nước ô nhiễm gây ra.
Nguồn tài nguyên nước trên thế giới đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi trước sự gia tăng về dân số và phát triển kinh tế. Do đó, sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch cùng với sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.
Nguyễn Luận