Thứ năm, 28/11/2024 06:46 (GMT+7)
Thứ ba, 03/08/2021 07:04 (GMT+7)

Báo động: Gần 1.400 ha rừng bị thiệt hại

Theo dõi KTMT trên

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 1.398,3 ha rừng bị thiệt hại, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước.

Biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, nắng nóng và cháy rừng xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, sự tàn phá của con người khiến diện tích rừng trên cả nước bị mất đi ngày càng tăng cao. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7/2021 ước tính đạt 13,1 nghìn ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 123,6 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,9 triệu cây, tăng 1,9%.

Báo động: Gần 1.400 ha rừng bị thiệt hại - Ảnh 1
Diện tích rừng bị phá hủy ngày càng tăng cao. (Ảnh: VOV)

Có thể thấy, diện tích rừng trồng mới chỉ tăng rất ít, trong khi rừng thiệt hại ngày càng nhiều nên không thể bù đắp được. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính từ ngày 16/6/2021 đến 15/7/2021, cả nước có 418,5 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy là 330,6 ha, tăng 97,3% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị chặt, phá là 87,9 ha, giảm 5,8%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 1.398,3 ha rừng bị thiệt hại, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 629,3 ha, tăng 40,5%; diện tích rừng bị chặt, phá là 769 ha, tăng 43,8%.

Báo động: Gần 1.400 ha rừng bị thiệt hại - Ảnh 2
Nhiều cây rừng bị đốn hạ và đốt dọn tại nhiều diện tích rừng thuộc quản lý của các công ty lâm nghiệp. (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 523QĐ/TTg phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. 

Theo đó, mục tiêu là tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức từ 42% đến 43%, đóng góp hiệu quả vào việc cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định, xây dựng một Việt Nam xanh. Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững. Giai đoạn 2021-2025 có 10% và giai đoạn 2026-2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường.

Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng và có khả năng tái tạo. Rừng là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Thế nhưng, những cánh rừng trên cả nước đang từng ngày, từng giờ "rỉ máu" do sự tác động của con người.

Mưa bão, lũ quét, sạt lở liên tiếp xảy ra trong thời gian qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với những con số thiệt hại khiến ai cũng phải giật mình. Đó chính là hậu quả nhãn tiền mà chính con người phải gánh chịu khi những cánh rừng bị hủy hoại nghiêm trọng.

Theo Quyết định số 1558/QĐ-BNN-TCLN của Bộ NN&PTNT về việc Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020: 

- Diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.677.215 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10.279.185 ha và rừng trồng là 4.398.030 ha.

- Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là 13.919.557 ha, tỉ lệ che phủ là 42,01%.

Nguyễn Luận (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Báo động: Gần 1.400 ha rừng bị thiệt hại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới

Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh
Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm: "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" với sự tham gia của đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, công ty tài chính.