Thứ sáu, 22/11/2024 05:21 (GMT+7)
Thứ năm, 28/09/2023 15:29 (GMT+7)

Báo chí tham gia bảo vệ động vật hoang dã

Theo dõi KTMT trên

Sáng 28/9, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam, WWF đã tổ chức Hội thảo tập huấn tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày  28 - 29/9, với sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công tác bảo tồn cùng các chuyên gia báo chí truyền thông điều tra và trên 30 nhà báo, phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo đài, Trung ương và địa phương.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức và thông tin về tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên thế giới và ở Việt Nam, cập nhật về khung pháp lý liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã và xử lý các vi phạm. Đồng thời, hỗ trợ các nhà báo, phóng viên tham gia lựa chọn được đề tài điều tra về chủ đề chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Báo chí tham gia bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 1
Đông đảo nhà báo, phóng viên tham gia tập huấn tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học thuộc top đầu thế giới. Trong những qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy sự đa dạng sinh học đặc hữu này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đã tham gia sâu rộng và đầy đủ vào hầu hết các công ước quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là các loài nguy cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp và kết quả tích cực trong hoạt động bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, Việt Nam cũng nổi lên là một trong những điểm nóng của thế giới về hành vi buôn bán, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã với rất nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng bắt giữ suốt nhiều năm qua.

Theo ông Đảm, đấu tranh triệt để với các hành vi buôn bán, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật đã đang và sẽ được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Trong đó, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết đều có những điều khoản, quy định rất chi tiết về công tác bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp và bảo tồn sự đa dạng sinh học.

“Trong chặng đường, quá trình đấu tranh với loại hình tội phạm động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay, vai trò của các nhà báo, phóng viên cực kỳ quan trọng”, Phó tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nói.

Còn theo ông Bùi Đăng Phong, PGĐ, VPDA Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, WWF, tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp khoảng 4.000 lần so với thời kỳ Đại tuyệt chủng của các loài khủng long.

Nếu không có các hành động khẩn cấp thì trong vòng khoảng ba thập kỷ tới, thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6. Đồng thời, nếu con người không hành động kịp thời và hiệu quả thì chính chúng ta sẽ là nạn nhân của cuộc đại tuyệt chủng nêu trên.

Hiện nay, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật ước tính trị giá xấp xỉ 20 tỉ USD. Trong đó, các đối tượng tội phạm khai tác toàn bộ chuỗi cung ứng, từ săn trộm tới vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã - liên quan đến tội phạm về rửa tiền, tham nhũng và giả mạo giấy tờ.

Ông Phong cũng cho biết, Việt Nam không chỉ là thị trường cung cấp, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật mà còn là điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã toàn cầu với các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đến từ Châu Phi, sau đó tiếp tục được bán sang Trung Quốc.

Để ngăn chặn tình trạng san bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã, đại diện WWF cho rằng: Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức hình thành ý thức và thay đổi hành vi, thói quan tiêu dùng; Đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền; Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm động vật hoang dã; truyền thông để người dân không sử dụng động vật hoang dã là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

H. An

Bạn đang đọc bài viết Báo chí tham gia bảo vệ động vật hoang dã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.