Thứ sáu, 22/11/2024 00:25 (GMT+7)
Thứ năm, 25/05/2023 11:50 (GMT+7)

Ban hành kế hoạch thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai thực hiện công tác thẩm định Quy hoạch; phân công trách nhiệm với các bộ, ngành và địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai thực hiện công tác thẩm định Quy hoạch; phân công trách nhiệm với các bộ, ngành và địa phương (thông qua thành viên hội đồng thẩm định) trong quá trình thẩm định quy hoạch.

Theo đó, các thành viên Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định; thẩm định các nội dung của quy hoạch theo quy định Điều 32 Luật Quy hoạch, trong đó nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các nội dung liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, đơn vị được cử đại diện và tham gia ý kiến đối với các vấn đề liên quan khác của quy hoạch nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của Quy hoạch.

Ban hành kế hoạch thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia - Ảnh 1
Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thẩm định và Thủ trưởng cơ quan về nội dung công việc được Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến tham gia đối với Quy hoạch; phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong hồ sơ, tài liệu quy hoạch trước khi hồ sơ, tài liệu quy hoạch được đóng dấu xác nhận.

Thành viên phản biện nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Hội đồng thẩm định toàn bộ nội dung quy hoạch; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.

Các thành viên Hội đồng tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng thẩm định khi được triệu tập; thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại mục 2 bản Kế hoạch này và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao.

Các thành viên Hội đồng có quyền yêu cầu cơ quan thường trực hội đồng cung cấp các hồ sơ, tài liệu quy hoạch; bảo lưu ý kiến của mình.

Theo Tổng cục Môi trường, dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tăng diện tích, chất lượng và các dịch vụ sinh thái của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã và nguồn gen, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; củng cố và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước quan trọng tại các vùng sinh thái trên phạm vi toàn quốc.

Tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo tồn và phát triển bền vững các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Từ đó nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn, phát triển hài hòa với môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới.

Tầm nhìn đến năm 2050, môi trường trên phạm vi cả nước có chất lượng tốt, trong lành và an toàn, các tác động xấu gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, các sự cố môi trường được chủ động phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả; các di sản thiên nhiên và cảnh quan thiên nhiên quan trọng, đa dạng sinh học được gìn giữ và bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Đây là quy hoạch môi trường mang tính tổng thể đầu tiên, được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý và xuất phát từ thực tiễn, thống nhất với các quy hoạch khác và định hướng phát triển của địa phương.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ban hành kế hoạch thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.