Thứ hai, 09/09/2024 22:35 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 15:00 (GMT+7)

Bài toán khó trong xử lý chất thải điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Quá trình xây dựng và lựa chọn kịch bản điện là quá trình tương tác lồng ghép giữa Quy hoạch điện và mục tiêu bảo vệ môi trường. Do vậy, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm thu gom xử lý chất thải của điện mặt trời và điện gió.

Khoảng 2,8 triệu tấn chất thải điện mặt trời tới năm 2045

Theo các chuyên gia về năng lượng, việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) là rất cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng. Trong thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo hướng bền vững, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất điện hợp lý. 

Theo đó, kịch bản phát triển nguồn và lưới điện lựa chọn tại Quy hoạch điện VIII là kịch bản đáp ứng được các mục tiêu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đến mức cam kết của Việt Nam tại COP26 và có xét đến các yếu tố cực đoan của điều kiện thời tiết.

Quá trình xây dựng và lựa chọn kịch bản điện là quá trình tương tác lồng ghép giữa Quy hoạch điện và mục tiêu bảo vệ môi trường từ ĐMC và đã lựa chọn các mục tiêu quan điểm về bảo vệ môi trường trong chính sách pháp luật hiện hành để làm ràng buộc đầu vào của các kịch bản điện, đảm bảo các kịch bản điện đạt được các mục tiêu này: Huy động hợp lý nguồn điện từ năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí thải, chất thải rắn, nước thải, giảm phát thải CO2, giảm tiêu thụ nhiên liệu than và khí nhập khẩu.

Đề án cũng nêu rõ, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm thu gom xử lý chất thải của điện mặt trời và điện gió. Với chất thải điện mặt trời, hiện nay công nghệ có thể xử lý được nhưng chi phí lớn (khoảng 200-220 EUR/tấn), hiện đang được thực hiện ở châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện về công nghệ, năng lực và chế tài cho loại hình xử lý này.

Theo tính toán, tới năm 2045, khi hầu hết các tấm panel điện mặt trời lắp đặt thời gian hiện nay được tháo dỡ do hết tuổi thọ hoạt động, khối lượng loại chất thải này ước tính khoảng 2,8 triệu tấn đối với phương án phụ tải cao và 2,2 triệu tấn đối với phương án phụ tải cơ sở.

Bài toán khó trong xử lý chất thải điện mặt trời - Ảnh 1
Đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm thu gom xử lý chất thải của điện mặt trời và điện gió, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)

Với chất thải rắn từ điện gió, do các tuabin gió thải ra là loại chất thải khó quản lý và xử lý vì không thể tái chế được nên ở thời điểm hiện tại chúng được chứa ở các bãi thải. Kích thước lớn và mức độ bền vững cao của cánh quạt, cột, trụ của các tuabin gió đã, đang và sẽ là vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý khi giải quyết vấn đề bãi thải.

Với Việt Nam, hiện nay mới bắt đầu xâm nhập và phát triển điện gió thì vấn đề này chưa thực sự được quan tâm, nhưng đến năm 2045, rác thải của điện gió cũng sẽ là vấn đề môi trường cần được quan tâm.

Năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 3.100 tấn chất thải từ điện gió đối với phương án phát triển 2C phụ tải cơ sở và con số này là 4.500 tấn đối với phương án phụ tải cao. Đến năm 2045 dự kiến lượng chất thải rắn từ điện gió cho phương án 2C phụ tải cơ sở là 140.800 tấn và phụ tải cao là 251.200 tấn.

Cần cơ chế khuyến khích đầu tư tái chế, xử lý an toàn

Năng lượng mặt trời đang nổi lên như một sự lựa chọn bổ sung lý tưởng cho các nguồn năng lượng truyền thống khác. Với tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, điện mặt trời cũng được xác định là công nghệ điện năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ trở thành chất thải nguy hại cho môi trường và cần được xử lý. Do đó, thách thức đặt ra hiện nay là cần xây dựng các giải pháp đảm bảo xử lý nguồn rác thải, đồng thời, tận dụng cơ hội để chúng ta hình thành và phát triển thành một ngành công nghiệp trong tương lai. 

Trước đó, tại một phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV, trong phần chất vấn của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nữ ĐBQH đã có câu hỏi: "Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này, pin đó để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao? Bởi vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?".

Theo ông Trần Đình Sính, Cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), khối lượng chất thải tấm pin mặt trời tại Việt Nam khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, ước tính khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045, bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay, khoảng 17 triệu tấn. Cho đến nay, Việt Nam chưa có cơ chế chính sách về chất thải pin mặt trời. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có công nghệ xử lý hiệu quả các tấm pin năng lượng mặt trời, với phương thức tương tự như thiết bị điện, điện tử hiện nay.

Hiện nay, tấm pin mặt trời được sản xuất từ tinh thể silicon với khoảng 70% từ thủy tinh, 15% nhôm để làm khung, 10% nhựa và chỉ 3-5% silicon... Với công nghệ hiện tại, hiệu suất tái chế có thể lên đến hơn 90%, giúp tận thu hoàn toàn lại rác thải này.

Điện mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. Tất cả các tấm pin đều có thể tái chế, tận dụng gần như toàn bộ, từ silicon, pin, kính... Quan trọng là trách nhiệm, kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân, đầu tư điện mặt trời, khi ký cam kết với nhà cung cấp, bao giờ cũng có điều khoản buộc nhà cung cấp phải thu hồi các tấm quang điện sau khi dự án hết vòng đời, thông thường là sau khoảng 20 năm. Còn vấn đề tái chế tấm pin ra sao là trách nhiệm của họ với các quy định của nước sở tại. "Độc hại nhất là sử dụng ắc-quy để tích điện thì chúng ta đã không dùng rồi".

Giới chuyên gia lưu ý tình trạng thời gian khai thác tấm pin có thể ngắn hơn cam kết. Do đó, nhà nước cần giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đề ra quy định xử lý tấm pin trong tình huống này. Trong đó, nghiền, xử lý rồi đưa vào lại lòng đất hay thu hồi nguyên là điều cần được nghiên cứu kỹ. Ngoài ra, nên sớm có quy định cụ thể để ràng buộc nhà sản xuất, nhà phân phối có trách nhiệm thu hồi hoặc thuê đơn vị xử lý các tấm quang điện hết hạn, thay vì để các bên tự thỏa thuận. Cùng đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xử lý tái chế tấm quang điện an toàn.

Nhà sản xuất, nhập khẩu pin mặt trời bắt buộc phải thu hồi, tái chế

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, hoặc phát sinh khí thải độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi xảy ra cháy. Vì thế, nhà sản xuất, nhập khẩu bắt buộc phải thu hồi, tái chế pin mặt trời sau khi hết niên hạn sử dụng, thải bỏ theo quy định.

Ngoài ra, các chủ nguồn thải phải thực hiện phân định và phân loại tấm pin năng lượng mặt trời quy định tại Mục 3 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp như tái sử dụng, tái chế, xử lý hoặc chuyển giao cho các cơ sở có chức năng phù hợp để tái chế, xử lý theo quy định.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Trên cơ sở đó, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Bài toán khó trong xử lý chất thải điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.