Thứ năm, 28/03/2024 18:37 (GMT+7)
Thứ tư, 13/04/2022 08:25 (GMT+7)

Năng lượng mặt trời vẫn duy trì vị thế giữa khủng hoảng toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Những “người chơi” trong ngành năng lượng Mặt Trời đang đặt cược vào sự tăng trưởng của lĩnh vực này, sau khi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu polysilicon khiến giá tăng vào năm ngoái.

Năng lượng mặt trời vẫn duy trì vị thế giữa khủng hoảng toàn cầu - Ảnh 1
Tấm năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện ở Mojave, California, Mỹ, ngày 18/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo những gì mà truyền thông đại chúng đang đưa tin, nhiều có thể nghĩ rằng năng lượng tái tạo đang bị ‘thất thế” trên thị trường năng lượng toàn cầu, do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng gây chấn động thế giới kể từ cuối năm ngoái. Song thực tế dường như đang chứng minh điều ngược lại.

Thuế nhiên liệu vận tải đã được cắt giảm để giảm bớt gánh nặng của giá dầu thô cao ở Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Vương quốc Anh, Mỹ, cùng các quốc gia khác.

Vào đầu tháng Ba, các nhà máy điện của châu Âu đã đốt nhiều than đá hơn 51% so với một năm trước đó.

Việc Trung Quốc sử dụng nhiều than đá hơn sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng điện năng vào năm ngoái thậm chí còn đáng quan ngại hơn.

Nước này đã khai thác 687 triệu tấn than đá trong tháng Một và tháng Hai năm nay, tương đương với gần hai năm tiêu thụ than đá của cả châu Âu và nhiều hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này thực sự là mối đe dọa lớn, khi xem xét cảnh báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vào tuần trước rằng ô nhiễm khí thải carbon phải đạt mức “đỉnh” vào năm 2025 nếu thế giới muốn tránh hiện tượng Trái Đất ấm lên nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bức tranh thực sự khá trái ngược. Quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo có nhiều dấu hiệu đang tăng tốc.

Vào tháng trước, BloombergNEF ước tính thế giới sẽ xây dựng khoảng 245 GW công suất điện từ năng lượng Mặt Trời, nhiều hơn 30% so với công suất điện Mặt Trời được lắp đặt vào năm 2021 và tăng 7,5% so với ước tính trước đó, khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu diễn ra vào mùa Thu năm ngoái.

Các con số trên là khá đáng kinh ngạc, bởi 245GW tương đương với khoảng 2/3 tổng công suất điện hạt nhân được lắp đặt của thế giới.

Vào đầu năm 2020, thế giới đã lắp đặt các tấm pin Mặt Trời với tổng công suất điện lên tới 651GW. Tới giữa năm 2023, thế giới có khả năng tăng gấp đôi con số đó.

Ngày 31/3 vừa qua, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, bà Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ làm “mọi điều cần thiết” để xây dựng lại ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng Mặt Trời của châu Âu. Đây là một phần trong kế hoạch của EU nhằm nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Phát biểu tại Hội nghị Năng lượng Mặt Trời tại Brussels (Bỉ), bà Simson nhấn mạnh: “Chúng ta cần đưa hoạt động sản xuất trở lại châu Âu và EC sẵn sàng làm bất cứ việc gì cần thiết để thực hiện điều này, bao gồm cả hỗ trợ tài chính cho các dự án.”

Năng lượng mặt trời vẫn duy trì vị thế giữa khủng hoảng toàn cầu - Ảnh 2
Nhà máy điện Mặt Trời nổi tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bà cũng nói rằng chiến lược cụ thể về sản xuất năng lượng Mặt Trời sẽ được đề ra nhằm đẩy nhanh việc lắp đặt các hệ thống, hỗ trợ thêm nhiều thỏa thuận mua điện Mặt Trời và xây dựng năng lực sản xuất điện Mặt Trời của khu vực.

Hiện Nga - nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu - đang đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực.

Do chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine, EU đang hướng đến mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ nước này vào năm 2027.

EC đang soạn thảo kế hoạch chi tiết để 27 nước thành viên EU có thể thực hiện mục tiêu, trong đó có biện pháp đẩy nhanh quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Mới đây, EC cho biết 480GW điện gió và 420GW điện Mặt Trời có thể thay thế cho 170 tỷ m3 khí đốt của Nga vào năm 2030.

Theo Hiệp hội SolarPower Europe, với chính sách hỗ trợ đúng đắn, EU có thể đạt sản lượng 1.000GW năng lượng tái tạo vào năm 2030, so với mức 165GW hiện nay, nhưng trước hết phải vượt qua những rào cản ngắn hạn.

Chủ tịch hiệp hội trên, ông Aristotelis Chantavas nêu một số rào cản như tình trạng thiếu nhân công lắp đặt, vấn đề cấp phép, thiết bị...

Ông hối thúc EU cam kết sản xuất 45% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng so với mục tiêu 40% mà các nhà hoạch định chính sách của EU đang đề xuất trong các cuộc đàm phán.

Trước đó, Hiệp hội Năng lượng Mặt Trời Brazil (Absolar) cho biết tổng công suất lắp đặt để sản xuất quang điện của quốc gia Nam Mỹ này trong tháng Hai đã vượt mức 14 GW, công suất của nhà máy thủy điện Itaipu- đập thủy điện lớn thứ hai thế giới sau đập Tam Hiệp của Trung Quốc.

Mức công suất quang điện nói trên bao gồm công suất thiết kế của cả các nhà máy năng lượng Mặt Trời lớn và hệ thống phát quang điện tư nhân được lắp đặt trong các khu dân cư, khu công nghiệp và cơ sở thương mại.

Theo tính toán của Absolar, các nhà máy sản xuất năng lượng Mặt Trời lớn của Brazil có tổng công suất lắp đặt là 4,7GW, trong khi các hệ thống phát điện tư nhân với các tấm pin Mặt Trời có tổng công suất là 9,3 GW.

Như vậy, năng lượng Mặt Trời đã trở thành là nguồn cung lớn thứ sáu trong hệ thống năng lượng của Brazil, vượt qua nhiệt điện dầu khí và các nhiên liệu hóa thạch khác.

Công suất 4,7GW của các nhà máy năng lượng Mặt Trời lớn tương đương 2,4% tổng công suất của Brazil (196GW), chủ yếu từ các nguồn thủy điện (65%), nhiệt điện (21% bao gồm các nhà máy khí đốt tự nhiên) và phong điện (10%).

Dự kiến tỷ lệ quang điện trong lưới điện quốc gia Brazil sẽ tăng vọt trong những năm tới, trong bối cảnh cơ quan quản lý đã cấp giấy phép cho nhiều dự án với tổng công suất thiết kế 31,6GW.

Theo Absolar, sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các nhà máy năng lượng Mặt Trời đi vào hoạt động trong những năm tới sẽ giúp Brazil dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng khi mực nước tại các đập thủy điện của quốc gia Nam Mỹ này giảm xuống mức tối thiểu vào năm ngoái.

Ngoài việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lưới điện quốc gia, năng lượng Mặt Trời cũng giúp ngăn chặn việc phát thải 18 triệu tấn carbon dioxide (CO2) trong mười năm qua ở Brazil và góp phần giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu.

Những “người chơi” trong ngành năng lượng Mặt Trời đang đặt cược vào sự tăng trưởng của lĩnh vực này, sau khi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu polysilicon khiến giá tăng vào năm ngoái.

Sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đang gây khó cho việc mua các tấm silicon, nhưng ngay cả điều đó cũng đủ để tạo ra khoảng 431GW điện Mặt Trời mỗi năm.

Chuỗi cung ứng năng lượng Mặt Trời trên thế giới hiện đủ lớn để kết nối khoảng 5.300GW tấm pin vào năm 2030, giúp thế giới đi đúng hướng để tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nếu tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng Mặt Trời giảm khoảng 10 điểm phần trăm so với mức trung bình 25% trong 5 năm qua, thế giới vẫn đạt được mục tiêu đó.

Tất cả điều đó nghe có vẻ khá lạc quan. Tuy vậy, trái ngược với sự bùng nổ không ngừng của năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió như đang chững lại. Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu cho biết, công suất các tuốcbin gió được lắp đặt thực tế đã giảm nhẹ vào năm ngoái, từ mức kỷ lục của năm 2020, xuống 94GW.

Theo giới chuyên gia, công suất năng lượng gió toàn cầu sẽ trì trệ ở mức không cao hơn nhiều so với mức hiện tại cho đến giữa thập kỷ tới, khiến thế giới chỉ có khoảng 64% công suất năng lượng gió cần thiết vào năm 2030.

Điều này không phải do bất kỳ lỗi nào về công nghệ. Thay vào đó, đó là kết quả của những thách thức trong quy định cần thiết để thiết lập và vận hành trang trại điện gió, đặc biệt là trên đất liền.

Ở Italy, trung bình phải mất 5 năm để có được các giấy phép cần thiết cho một trang trại điện gió mới. EU sẽ công bố kế hoạch vào tháng tới nhằm xóa bỏ những rào cản này, nhưng phần lớn các quy định liên quan đều được đưa ra ở cấp quốc gia và cấp thành phố, do đó sẽ khó có thể bị loại bỏ.

Một trong những khía cạnh đáng mừng về cách điện gió và điện Mặt Trời phát triển song song trong thập kỷ qua là chúng bổ sung tốt cho nhau. Năng lượng Mặt Trời có xu hướng yếu hơn vào mùa Đông và không tồn tại vào ban đêm.

Mặt khác, điện gió phát huy tốt hơn vào những thời điểm đó. Việc đẩy lượng phát thải trên lưới điện của thế giới về 0 sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ phụ thuộc vào hai công nghệ này, với năng lượng thủy điện, hạt nhân, địa nhiệt, sinh khối và thậm chí là năng lượng hóa thạch đã được đi qua các chu trình nhằm giảm phát thải cũng có thể đóng một vai trò nào đó.

Tuy nhiên, kỳ vọng rằng tất cả các mục tiêu đều được hoàn thành cùng một lúc có vẻ hơi “ngoài tầm với”./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng mặt trời vẫn duy trì vị thế giữa khủng hoảng toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.