Thấy gì qua đánh giá của Ember về chính sách phát triển năng lượng sạch Việt Nam?
Năm 2021, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc về năng lượng mặt trời khi tăng sản lượng điện lên 337% (+17 TWh) trong một năm, để trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới.
Cuối tháng 3/2022, Ember - tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng (phi lợi nhuận và độc lập) của Anh đã phát hành báo cáo thường niên lần thứ ba, mang tên Global Electricity Review (Đánh giá điện năng toàn cầu - GER). Theo GER, Việt Nam là 1 trong 7 nước đã vượt mốc 10% về năng lượng gió và mặt trời.
Những điểm nhấn trong báo cáo của Ember:
Ember là tên giao dịch của Sandbag Climate Campaign CIC của Anh. Ember đã triển khai các nghiên cứu chuyên sâu và có tác động cao, đề xuất các chính sách chính trị khả thi nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu từ điện than sang năng lượng sạch. Đây là dữ liệu điện của năm 2021 ở trên 95 quốc gia đại diện cho 93% nhu cầu điện năng toàn cầu.
Báo cáo GER vừa công bố cung cấp tổng quan minh bạch và mới nhất về những thay đổi trong quá trình chuyển đổi điện toàn cầu vào năm 2021. Báo cáo tập hợp mọi dữ liệu có thể truy cập miễn phí để giúp dư luận phân tích, nhằm hỗ trợ nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng để hướng tới xu hướng điện sạch trong tương lai gần.
GER bao gồm dữ liệu nhập khẩu và phát điện hàng năm của 209 quốc gia trong giai đoạn 2000 đến 2020. Riêng năm 2021, GER đã bổ sung thêm dữ liệu của 75 quốc gia, chiếm tổng 93% nhu cầu điện toàn cầu. Báo cáo tóm tắt này và dữ liệu đi kèm là một tài nguyên mở đáng tin cậy, minh bạch của ngành điện để đảm bảo hành động hiệu quả vào thời điểm và quy mô cần thiết, nhằm giữ chân nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C.
Theo Dave Jones - nhà phân tích điện toàn cầu của Ember: Trong thập kỷ vừa qua, tổng sản lượng điện từ gió và mặt trời tăng trưởng trung bình 20%/năm, một kỷ lục khá ấn tượng. Theo GER, gió và mặt trời là những phân khúc phát triển nhanh nhất, đạt kỷ lục 10% tổng lượng điện toàn cầu vào năm 2021. Tất cả nguồn điện sạch hiện có thị phần là 38% nguồn cung cấp. Nhưng do nhu cầu tăng trở lại, dẫn đến lượng điện than và lượng khí thải vẫn tăng cao.
Theo Dave Jones, trong báo cáo GER năm nay có 4 điểm nhấn đáng lưu ý sau đây:
Thứ nhất: Năng lượng gió và mặt trời là những nguồn điện sạch phát triển nhanh nhất, đạt thị phần 1/10 lượng điện toàn cầu.
Cụ thể, lần đầu tiên vào năm 2021, năng lượng gió và mặt trời tạo ra hơn một phần mười (10,3%) điện năng toàn cầu, tăng từ 9,3% vào năm 2020 và gấp đôi so với năm 2015 khi Thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết (4,6%). Các nguồn điện sạch kết hợp đã tạo ra 38% điện năng trên thế giới vào năm 2021, nhiều hơn cả than (36%).
50 quốc gia hiện đã vượt qua mốc 10% gió và mặt trời, với 7 quốc gia mới vào năm 2021: Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Argentina, Hungary và El Salvador. Ba quốc gia Hà Lan, Úc và Việt Nam đã chuyển hơn 8% tổng nhu cầu điện từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời chỉ trong hai năm qua.
Thứ hai: Tăng trưởng nhu cầu điện “xô đổ” nguồn điện sạch:
Nhu cầu điện đã phục hồi, tăng cao nhất từ trước đến nay về mặt tuyệt đối: 1.414 TWh từ năm 2020 đến năm 2021, tương đương với việc thêm một nước Ấn Độ mới vào bản đồ tiêu thụ điện của nhân loại. Ở mức +5,4%, năm 2021 chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhanh nhất kể từ năm 2010. Nhiều nền kinh tế tiên tiến đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch sau khi giảm vào năm 2020. Nhưng tăng trưởng thực sự nhất phải kể đến châu Á, chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế; Trung Quốc chứng kiến mức tăng lớn nhất, với nhu cầu điện năm 2021 cao hơn tới 13% so với năm 2019.
Mặc dù sản lượng điện từ gió và năng lượng mặt trời tăng kỷ lục, nhưng chỉ đáp ứng được 29% nhu cầu điện trên toàn cầu năm 2021. Điện sạch khác không tăng trưởng, với mức hạt nhân và thủy điện không thay đổi trong hai năm. Do đó, sự gia tăng về cầu còn lại đã được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, trong đó 59% nhu cầu điện tăng năm 2021 được đáp ứng bằng điện than.
Thứ ba: Điện than tăng kỷ lục lên “tầm cao mới”:
Năm 2021, điện than tăng 9,0%, đạt 10.042 TWh, mức cao mới so với mọi thời đại và cao hơn tới 2% so với năm 1985. Đây là mức tăng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1985, đưa sản lượng điện than toàn cầu lên tới 36%.
Cụ thể, kỷ lục than mới đã được thiết lập trên toàn châu Á vào năm 2021 - nơi nhu cầu điện bùng nổ, bao gồm Trung Quốc (+9%), Ấn Độ (+11%), Kazakhstan (+6%), Mông Cổ (+13%), Pakistan (+8%) ), Philippines (+8%) và nhiều khả năng có thêm Indonesia (do chưa có dữ liệu). Năm 2021, điện than ở Mỹ, EU và Nhật Bản phục hồi mạnh so với năm 2020, nhưng vẫn ở dưới mức của năm 2019. Thị phần điện than toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 50% vào năm 2019 lên 54% vào năm 2021.
Mức tăng kỷ lục của than đá không sánh bằng sản lượng khí đốt toàn cầu, chỉ tăng 1% vào năm 2021. 62% điện năng trên thế giới đến từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2021 so với 61% của năm 2020, năm đầu tiên nhiên liệu hóa thạch tăng lên kể từ năm 2012.
Thứ tư: Phát thải ngành điện ở mức cao nhất mọi thời đại:
Lượng khí thải CO2 của ngành điện đã tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại, xô đổ kỷ lục trước đó, năm 2018 là 3%. Cụ thể, tăng 7% vào năm 2021 (778 triệu tấn) - mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ năm 2010 và mức tăng tuyệt đối lớn nhất từ trước đến nay. Mức tăng 7% sau khi giảm chỉ 3% vào năm 2020, khiến lượng khí thải tăng cao hơn so với trước khi đại dịch xảy ra.
Ngay cả khi lượng phát thải than và điện đạt mức cao nhất mọi thời đại, thì vẫn có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình chuyển đổi điện toàn cầu đang diễn ra tốt đẹp. Nhiều gió và năng lượng mặt trời đang được thêm vào lưới hơn bao giờ hết. Và không chỉ ở một vài quốc gia, mà trên toàn thế giới. Giúp thế giới nhận thấy vai trò của điện sạch là cần thiết để loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch, đồng thời giúp tăng cường an ninh năng lượng.
Nhưng với giá khí đốt cao liên tục trong bối cảnh xung đột giữa Nga với Ukraine, nên xuất hiện nguy cơ tái phát dùng than, đe dọa mục tiêu khí hậu giảm 1,5 độ toàn cầu. Điện sạch bây giờ cần phải được xây dựng ở quy mô hiện thực, khả thi và đã đến lúc thế giới cần cần nhanh chóng chuyển sang sử dụng điện sạch 100%.
Việt Nam đạt thành tựu mới trong lĩnh vực năng lượng sạch:
Theo báo cáo GER, 50 quốc gia hiện đã vượt qua mốc 10% năng lượng gió và mặt trời, với 7 quốc gia mới xuất hiện, trong đó có Việt Nam. Theo GER, Việt Nam đã chuyển hơn 8% tổng nhu cầu điện từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời chỉ trong 2 năm qua. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia lần đầu tiên đạt được cột mốc trên trong năm 2021.
Vào năm 2021, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc về năng lượng mặt trời khi tăng sản lượng điện lên 337% (+17 TWh) trong 1 năm, để trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới. Mức tăng trưởng năng lượng mặt trời này đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á đáp ứng và vượt quá mức tăng toàn bộ nhu cầu với gió mới và năng lượng mặt trời.
Sự gia tăng năng lượng mặt trời, ngay cả khi nhu cầu tăng, làm giảm thị phần nhiên liệu hóa thạch, với than giảm từ 55% xuống 52% và khí đốt từ 17% xuống 12% - làm giảm lượng khí thải đáng kể 6%. Công suất kết hợp giữa gió và năng lượng mặt trời của Việt Nam đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2019. Một mức tăng gấp 4 lần nữa lên 89 GW vào năm 2030 sẽ đủ để đáp ứng tất cả sự gia tăng nhu cầu của quốc gia ngay cả trong kịch bản tăng trưởng điện cao.
Theo GER: Khi năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh, phần còn lại của hệ thống điện cần phải thích ứng nhanh hơn nữa, và trong trường hợp của Việt Nam - quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ nhờ chính sách thông thoáng, linh hoạt, tuân thủ theo các thông lệ quốc tế được Chính phủ Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, GER cũng cập nhật cả những rào cản, cũng như bài học Việt Nam cần tránh và rút kinh nghiệm.
Theo GER: Biểu giá FIT là một chính sách kinh tế được Việt Nam áp dụng linh hoạt giúp thúc đẩy đầu tư tích cực vào các chương trình và sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng để có giá rẻ nhất, các nước, kể cả Việt Nam cần có chính sách năng lượng tái tạo dài hơi để tạo môi trường đầu tư ổn định, nên tránh chính sách ‘stop - start’ hay ‘dừng - khởi động’ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển.
Liên quan đến chủ đề trên, GER đã trích dẫn bài đăng trên trang tin Vir.com.vn cho rằng: “Sau thời kỳ bùng nổ phát triển năng lượng mặt trời nhờ các ưu đãi được đưa ra vào năm 2020, Việt Nam đã kìm hãm do lỗ hổng chính sách đã đẩy các nhà đầu tư vào tình thế khó xử trong năm nay. Ví dụ năm 2020, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xây dựng Tiến Thịnh đã triển khai hàng chục dự án năng lượng mặt trời tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, với tổng doanh thu toàn Công ty đạt khoảng 430.000 USD. Tuy nhiên, năm sau công ty chỉ triển khai một số dự án quy mô nhỏ với tổng doanh thu giảm xuống chỉ còn 1/10. Nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi chính sách giá năng lượng mặt trời mới”.
Theo Quyết định số: 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, giá của mỗi kilowatt giờ được tạo ra từ các sáng kiến năng lượng mặt trời gắn trên mặt đất, nổi và trên mái nhà là 7,09; 7,69, và 8,38 US cent tương ứng, nhưng chính sách này cũng đã hết hạn vào năm ngoái. Cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa có hướng dẫn thêm về thủ tục hợp đồng mua bán điện, cũng như thanh toán tiền điện mua từ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.
Lưới điện cũng gặp vấn đề khi tích hợp lượng lớn như vậy. Việc lập kế hoạch chi tiết hơn sẽ giúp tăng cường lưới điện và bổ sung đủ kết nối liên kết, cùng với nhu cầu linh hoạt và khả năng lưu trữ.
Về lưới điện GER trích dẫn số liệu trên trang tin Cvdvn.net cho hay: Việt Nam cần tiếp thu ý kiến giới chuyên gia, có cơ sở hạ tầng tốt hơn để hấp thụ sự gia tăng trong sản xuất năng lượng tái tạo. Theo giới chuyên gia, tích trữ năng lượng tái tạo trong pin và tích trữ nước để tạo ra điện, và nâng cao công suất truyền tải là những chìa khóa để Việt Nam thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Đổi lại, tại Việt Nam, do tỷ trọng của điện gió và điện mặt trời tăng, cho nên tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch đã giảm từ 73% xuống 63%. Nếu những xu hướng này có thể được nhân rộng trên toàn cầu và duy trì, ngành điện sẽ đi đúng hướng để đạt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5 độ C. Theo Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để đạt được mục tiêu này, điện gió và điện mặt trời cần đạt mốc 40% điện năng toàn cầu vào năm 2030, trong khi điện than cần giảm từ 36% xuống chỉ còn 8%.
Cũng theo GER, sự tăng trưởng nhanh chóng này đặt ra một số câu hỏi rất thú vị liên quan đến quy hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện mới. Việt Nam đã cam kết dừng xây dựng các nhà máy than mới, tuy nhiên vẫn còn các nhà máy than mới trong quy hoạch, và hàng chục gigawatt của các nhà máy điện khí đã được quy hoạch. Tốc độ và chi phí của sự bùng nổ năng lượng mặt trời, nếu được quản lý tốt, có thể làm giảm đáng kể trường hợp đầu tư vào điện dùng nhiên liệu hóa thạch.
Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin dẫn lời ông Dave Jones - lãnh đạo toàn cầu, kiêm tác giả chính GER của Ember: “Thời của điện gió và mặt trời đã đến. Quá trình định hình lại hệ thống năng lượng hiện tại đã bắt đầu. Thập kỷ này, chúng cần triển khai với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn để đảo ngược sự gia tăng khí thải toàn cầu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Phấn đấu sớm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Hội nghị Paris 2015 và COP26 đề ra”.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THEO: ECO - 3/2022)
Link tham khảo:
1/ https://ember-climate.org/insights/research/global-electricity-review-2022/
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam