Bài 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khơi nguồn nền báo chí cách mạng Việt Nam
Từ khi tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta ra đời đến nay, báo chí nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc toàn diện trên các mặt. Trong điều kiện lịch sử mới, những tinh thần, tư tưởng báo chí cách mạng của Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị.
Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy vĩ đại, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, mà còn là cây bút xuất sắc, một tấm gương mẫu mực và phong cách sáng ngời của nhà báo cách mạng.
Gần 60 năm, Hồ Chí Minh làm báo là để làm cách mạng, với 169 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau, được thể hiện bằng nhiều thứ tiếng tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc đăng trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước. Từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18/6/1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân dân ngày 25/8/1969, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký.
Người đã sáng lập ra hàng chục tờ báo và đã chỉ thị thành lập các cơ quan truyền thông cơ bản nhất ở Việt Nam. Báo Thanh Niên - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, do Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp phụ trách; ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925 và đây cũng là ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp báo chí và cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh đã để lại cho báo chí cách mạng Việt Nam hệ thống các quan điểm, tư tưởng đặc sắc không những có giá trị lý luận cơ bản, mà còn đáp ứng những đòi hỏi yêu cầu thực tiễn cấp thiết.
Trước lúc đi xa, những lời tâm huyết trong bài báo cuối cùng Bác Hồ viết dành cho thiếu niên, nhi đồng, để khẳng định chắc chắn rằng, bồi dưỡng tư tưởng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. (Ảnh tư liệu) |
Tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc
Theo Hồ Chí Minh, tôn chỉ, mục tiêu của báo chí cách mạng là “đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc” cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, “phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”. Hồ Chí Minh yêu cầu, làm báo là để thức tỉnh các tầng lớp nhân dân, nhất là đông đảo quần chúng lao động, do đó, báo chí nói chung và các nhà báo cách mạng phải giúp người đọc nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực.
Hồ Chí Minh đã để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam tinh thần, tư tưởng sâu sắc về tính Đảng, tính nhân dân, tính khoa học và tinh thần phê phán. Người khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch, về việc “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân.
Vì vậy, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Trên tinh thần này, Luật Báo chí đã quy định, “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.
Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước |
Tính khách quan, chính xác, khoa học, kịp thời
Ngay từ năm 1946, Bác đã căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”. Người lưu ý trước tiên cho người cầm bút là “những điều mắt thấy, tai nghe”, với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc; sự thực vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng.
Người nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết”. Vấn đề này, nhà báo Ellen Goodman, nữ nhà báo, nhà bình luận và diễn giả nổi tiếng người Mỹ cũng có câu nói nổi tiếng: Trong báo chí luôn có sự giằng co giữa đưa tin nhanh nhất và đưa ra sự thật.
Tinh thần đấu tranh không khoan nhượng
Phát huy truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường – Cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tiếp tục truyền tải thông điệp, bám sát tôn chỉ mục đích, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh tế - môi trường. |
Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù dân tộc. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động, để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu.
Để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, báo chí không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể; mà còn là vũ khí sắc bén chống lại mọi biểu hiện phản động, tiêu cực đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, của đất nước. Với cán bộ báo chí, người viết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, ngòi bút cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.
Báo chí là diễn đàn của nhân dân, bám sát thực tiễn
Báo chí là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng và luôn bám sát thực tiễn. Mọi nhiệm vụ cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, đặc biệt là tinh thần phục vụ nhân dân, Người viết, “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung...
Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”; Người yêu cầu: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
(Còn nữa)
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng