Thứ ba, 30/04/2024 16:51 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/11/2023 09:10 (GMT+7)

Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh

Theo dõi KTMT trên

Nhiều xe đất từ mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh đổ đất vào dự án Cụm công nghiệp JUTECH (đang trong quá trình san lấp mặt bằng) gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Theo các nghiên cứu khoa học, tài nguyên khoáng sản là tích tụ vật chất dưới dạng hợp chất hoặc đơn chất trong vỏ Trái đất. Song hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đã gây ra các vấn đề tác động tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Bằng các lập luận của các nhà khoa học dưới góc độ kinh tế môi trường, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đi vào thực tế từ một sự việc đang diễn ra tại địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Từ thực tiễn quản lý chặt về tài nguyên khoáng sản tại địa phương

Được biết, ngày 2/11/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký ban hành Công văn số 6332/UBND-KTN về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.

Đồng thời, quán triệt, tập trung triển khai các công việc liên quan đến ngành, địa phương theo yêu cầu tại mục 1, 2 Công văn số 8797/BTNMT-KSVN ngày 16/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản sau khi được cấp phép.

Chú trọng công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; việc thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động cấp phép, quản lý sau khi cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của UBND cấp huyện theo văn bản được UBND tỉnh ủy quyền.

Kịp thời báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương (cấp huyện, xã) để hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, sai phép trên địa bàn diễn ra phức tạp.

Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh - Ảnh 1
Khai thác đất tại mỏ đất núi Kẻ, núi Nội Ninh (Việt Yên, Bắc Giang).

Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, đề xuất xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che cho các hoạt động quy hoạch, cấp phép, quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định pháp luật.

UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; làm tốt công tác quản lý hoạt động cấp phép, sau cấp phép khai thác khoáng sản của UBND cấp huyện theo văn bản được UBND tỉnh ủy quyền.

Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, sai phép tại địa phương (nhất là các khu vực san gạt, hạ thấp độ cao, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường); các hoạt động sử dụng khoáng sản (đất, đá, cát, …) làm nguyên vật liệu sản xuất mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép, sai phép diễn ra phức tạp.

Tới hiện trạng đang xảy ra trái với thực tế !?

Trên thực tế khi UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu rõ ràng là vậy, nhưng thời gian gần đây, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường liên tục nhận được thông tin từ người dân phản ánh về việc xe chở đất từ mỏ đất tại núi Kẻ (xã Quảng Minh, huyệt Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), núi Nội Ninh (xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) gây bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhóm phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã tới mỏ đất núi Kẻ, núi Nội Ninh vào các ngày 11, 15/11 để thu thập thông tin nhằm mục đích tuyên truyền làm đúng các quy định pháp luật trong việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh - Ảnh 2
Xe đầu kéo, xe ben ra vào tấp nập mỏ đất núi Kẻ, núi Nội Ninh (Việt Yên, Bắc Giang).

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên tại núi Kẻ, Nội Ninh vào trưa ngày 11/11, mỏ đất này có hơn 50 xe ben, đầu kéo đang tập kết trong khuôn viên mỏ chờ lấy đất. Sau khi được máy xúc chất đầy đất đá vào thùng, tài xế điều khiển xe ben, đầu kéo chở đất di chuyển thẳng ra trực đường vành đai 4 mà không qua trạm cân theo quy định.

Toàn bộ số xe ben, xe đầu kéo chở đất từ mỏ núi Nội Ninh ra đường vành đai 4 được vệ sinh qua loa, di chuyển qua một thùng nước được thiết kế cố định. Do xe chở đất không được vệ sinh sạch sẽ khiến đất đá vương vãi trên đường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người đi đường và người dân sinh sống hai bên đường.

Quan sát trực tiếp tại hiện trường chúng tôi có thể nhận thấy, nhiều xe tải chở đất từ mỏ đất núi Kẻ, núi Nội Ninh có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải. Tại lối ra vào của mỏ đất núi Nội Ninh, công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc chưa lắp đặt trạm cân, camera quan sát theo quy định.

Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh - Ảnh 3
Xe chở đất từ mỏ núi Kẻ, núi Nội Ninh có dấu hiệu chở quá tải, vệ sinh không sạch sẽ khi lưu thông trên tuyến đường vành đai 4.

Đáng chú ý, trong quá trình ghi nhận, nhóm phóng viên phát hiện nhiều xe đất từ mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh đổ đất vào dự án Cụm công nghiệp JUTECH (đang trong quá trình san lấp mặt bằng-PV).

Dự án Cụm công nghiệp JUTECH có quy mô 75ha thuộc xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa. CCN có ranh giới phía Bắc giáp đường Vành đai 4 Hà Nội; phía Nam giáp đồng canh tác thôn Hạc Lâm (xã Hương Lâm); phía Đông giáp khu dân cư hiện trạng thôn Hạc Lâm (xã Hương Lâm); phía Tây giáp Kênh tưới 1D và cánh đồng canh tác thôn Nội Hương, thôn Đồng Công (xã Hương Lâm). Dự án do Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ JUTECH làm chủ đầu tư.

Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh - Ảnh 4
Xe chở đất từ mỏ đất núi Kẻ, núi Nội Ninh đổ vào dự án Cụm công nghiệp JUTECH.

Trong khi đó, Công TNHH Khoáng sản Trung Bắc được UBND tỉnh Bắc Giang cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 986 tại núi Kẻ (xã Quảng Minh) và núi Nội Ninh (xã Ninh Sơn) huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vào ngày 8/9/2023.

Theo nội dung Giấy phép số 986, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ cho phép Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc sử dụng đất khai thác tại mỏ đất nói trên phục vụ cho tuyến đường nối quốc lộ 37 và các công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình phúc lợi thuộc chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Tiếng nói của...“Người trong cuộc”- Ai mới là người thông tin chính xác về thực trang đang diễn ra?

Tiếp xúc với phóng viên, một người đàn ông tên S. tự nhận là quản lý của công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc tại mỏ Nội Ninh cho biết: “Bọn anh mới khai thác ở mỏ này được hơn một tháng. Theo giấy phép bọn anh được phép làm 05 máy, nhưng do máy hỏng, chưa đưa về đủ nên giờ chỉ có 03 máy xúc đang làm trên mỏ thôi…Nhà anh có hơn 100 đầu xe, do bây giờ phải chia xe cho các mỏ khác nên mới có hơn 30 xe đang chạy ở đây”.

Theo ông S. thì đáng lẽ hôm nay (15/11-PV) lắp trạm cân nhưng do đơn vị cung cấp báo trễ nên hẹn mai đến lắp. Khi được hỏi về hồ sơ cấp phép khai thác, phương án khai thác, danh sách phương tiện được phép hoạt động tại mỏ ông S. thông tin, toàn bộ giấy tờ liên quan đến hoạt động của mỏ ông S. không giữ, đang để tại công ty.

Phóng viên muốn tiếp cận hồ sơ khai thác của công ty thì cần liên hệ với chị Thêm (bà Vũ Thị Thêm – Giám đốc công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc). 

Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh - Ảnh 5
Lối ra vào của mỏ đất núi Kẻ, núi Nội Ninh nhìn từ trên cao.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên bà Vũ Thị Thêm – Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc quả quyết: “Nhà chị đã lắp camera quan sát tại mỏ. Còn theo quy định, trong thời hạn 90 ngày nhà chị lắp đặt trạm cân, chị chưa đủ 90 ngày chị mới được hai tháng. Trạm cân ngày mai chị lắp trạm cân, còn camera quan sát các em bảo không có thì các em hơi sai lầm, chả đâu không có camera quan sát.

Công ty TNHH Trung Bắc được đổ đất vào toàn bộ các công trình phúc lợi và công trình ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, chứ không phải chỉ riêng đường 37 và đường nông thôn mới”.

Thế nhưng, trên thực tế, trong quá trình ghi nhận, nhóm phóng viên phát hiện, ngoài việc đổ đất san lấp vào các dự án công, nhiều xe chở đất từ mỏ núi Kẻ, núi Nội Ninh còn đổ đất vào dự án Cụm công nghiệp JUTECH - đang trong quá trình san gạt mặt bằng.

Trên thực tế thì đây là dự án của tư nhân do Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ JUTECH làm chủ đầu tư.

Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh - Ảnh 6
Dự án Cụm công nghiệp JUTECH nhìn từ trên cao.

Để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc chấp hành các quy định trong khai thác khoáng sản tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh của Công ty TNHH Khoáng sản Trung Bắc, nhóm phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Việt Yên.

Sau khi tiếp nhận nội dung làm việc, bà Nguyễn Thị Thắm – Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, đã gửi thông tin báo chí muốn tìm hiểu đến lãnh đạo Sở. Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã giao cho ông Ngô Trí Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản của Sở trả lời.

Vấn đề cần bàn dưới góc nhìn của khoa học kinh tế môi trường

Tài nguyên khoáng sản thường tập trung trong một khu vực gọi là mỏ khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của con người và khai thác sử dụng khoáng sản có tác động mạnh mẽ đến môi trường sống. 

Theo đó, ở điều kiện hiện tại, con người có đủ khả năng khai thác các nguyên tố có ích hoặc sử dụng trực tiếp chúng trong đời sống hàng ngày.

Một mặt, khoáng sản là nguồn vật chất tạo nên các dạng vật chất có ích và của cải cho con người. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên khoáng sản cũng thường tạo ra các loại chất ô nhiễm như bụi, kim loại nặng, các hóa chất độc và hơi khí độc (SO2, CO, CH4...).

Căn cứ theo dạng tồn tại, tài nguyên khoáng sản bao gồm: Rắn, khí (khí đốt, Argon, He), lỏng (Hg, dầu, nước khoáng). Theo nguồn gốc, khoáng sản được chia thành 2 loại: Khoáng sản nội sinh (sinh ra trong lòng Trái Đất) và ngoại sinh (sinh ra trên bề mặt Trái Đất).

Theo thành phần hóa học, khoáng sản bao gồm khoáng sản kim loại (kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý hiếm), khoáng sản phi kim (vật liệu khoáng, đá quý, vật liệu xây dựng), khoáng sản cháy (than, dầu, khí đốt, đá cháy).

Tuy nhiên, do hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đã gây ra các vấn đề tác động tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. 

Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là làm mất đất, mất rừng, ô nhiễm nước, ô nhiễm bụi, khí độc, lãng phí tài nguyên. Quá trình vận chuyển, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm bụi, khí, nước và chất thải rắn. Đồng thời, sử dụng khoáng sản sẽ gây ra ô nhiễm không khí (SO2, bụi, khí độc...) và ô nhiễm nguồn nước.

Do đó, hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường trong khai thác và sử dụng khoáng sản Việt Nam đòi hỏi phải quan tâm đến các khía cạnh sau:

Thứ nhất, phải hạn chế tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến.

Thứ hai, điều tra chi tiết, quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản, không xuất thô các loại nguyên liệu khoáng, tăng cường tinh chế và tuyển luyện khoáng sản.

Thứ ba, cần đầu tư kinh phí xử lý chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng khoáng sản như xử lý chống bụi, chống độc, xử lý nước thải, quy hoạch xây dựng các bãi thải.

Để "đất tặc" không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, Đảng viên.

Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các
đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Từ thực trạng vận chuyển, tiêu thụ đất gây ô nhiễm môi trường tại mỏ đất núi Kẻ và núi Nội Ninh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).