Chủ nhật, 28/04/2024 22:21 (GMT+7)
Thứ tư, 03/06/2020 06:45 (GMT+7)

Bắc Cực bốc cháy: Thảm họa do biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Theo tổ chức giám sát khí quyển của Liên minh Châu Âu, các đám cháy tại Bắc Cực đang quay trở lại khi khí hậu trở nên khô và ấm bất thường.

Mark Parrington, nhà khoa học và là chuyên gia về cháy rừng của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, hình ảnh từ vệ tinh quan sát Bắc Cực cho thấy các đám cháy rừng đang hoạt động trở lại, còn nhiều đám cháy ngầm có thể bùng lên.

Các đám cháy ngầm tập trung tại Siberia và Alaska, khu vực đã hứng chịu cháy rừng lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ trong năm 2019.

Trong tháng 6/2019, hơn 100 vụ cháy dữ dội trên những cánh rừng Taiga bốc lên, các nhà khí hậu học và Tổ chức Khí tượng Thế giới xác nhận đây là vụ hỏa hoạn “chưa từng có” trong lịch sử. Nhiệt độ vùng Siberia cao hơn đến 10 độ C so với mức trung bình trong gần 30 năm qua (từ 1981-2010).

Bắc Cực bốc cháy: Thảm họa do biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Theo Tổ chức giám sát khí quyển của Liên minh Châu Âu, các đám cháy tại Bắc Cực đang quay trở lại khi khí hậu trở nên khô và ấm bất thường. (Ảnh: Getty Images)

Ở Alaska, 400 vụ cháy rừng đã bùng phát chỉ trong tháng 7/2019. Đặc biệt, ngày 6/7/2019, nhiệt độ ở vùng đất cận cực này lên đến 32,2 độ C - kỷ lục nóng nhất trong 150 năm tại đây.

Những vụ cháy được ước tính đã thải ra 50 triệu tấn CO2 vào khí quyển, tương đương với lượng khí thải hàng năm của Thụy Điển.

"Ảnh hưởng từ các trận cháy rừng năm ngoái sẽ tác động đến tình hình năm nay, dẫn đến các vụ cháy rừng trên diện rộng và kéo dài trên khắp khu vực một lần nữa", ông Parrington nói.

Cháy rừng là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Bắc Cực vào khoảng tháng 7 và tháng 8 hằng năm, nguyên nhân chủ yếu do sét đánh bắt lửa. Trên thực tế, việc Bắc Cực có cháy cũng không đến mức quá hiếm, vì nơi đây có hệ thống cây bụi khá phong phú. Ngoài ra, có rất nhiều vực nước đóng băng tại đây giam khí methane bên trong, nên nếu khéo xử lý có thể tạo ra băng đá biết bốc lửa.

Tuy nhiên những năm gần đây, mọi chuyện đang dần tệ hại hơn do hệ quả từ biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nguy cơ cháy rừng sẽ gia tăng trong điều kiện thời tiết nóng, độ ẩm thấp, đặc biệt khi châu Âu vừa mới ghi nhận các mức nhiệt kỷ lục trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua.

Mike Waddington, một chuyên gia về hệ sinh thái đầu nguồn tại Đại học McMaster ở Canada, nói: "Nhiệt độ cao ở Bắc Cực làm cho than bùn trong đất ở các khu vực đầm lầy lâu bị khô và dễ dàng bắt lửa. Các đám cháy sẽ bắt đầu từ trong lòng đất và sau đó sẽ lan lên bề mặt sau một thời gian".

Hiệp hội Khoa học Hỏa hoạn Alaska, gồm 4 trường đại học và các viện nghiên cứu, cho hay ngày càng có nhiều đám cháy âm ỉ trong suốt mùa Đông lạnh giá và ẩm ướt của phương Bắc, trước khi bùng lên trở lại vào mùa Xuân.

Kể từ năm 2005, các nhà khoa học tại Alaska đã xác định được 39 đám cháy như vậy. Kết hợp với các dữ liệu từ vệ tinh, họ phát hiện ra rằng đa số các đám cháy đều rất nhỏ, chưa đầy 11 hecta.

Bắc Cực bốc cháy: Thảm họa do biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Cháy trên những cánh rừng Taiga.

Thảm họa toàn cầu

Hỏa hoạn ở Bắc Cực sẽ gây hậu quả rất lớn đối với khí hậu toàn cầu bởi ngoài việc góp phần làm tăng nhiệt độ, nước biển dâng do băng tan, các vụ cháy ở Bắc Cực còn "xả" vào môi trường lượng CO2 cực lớn.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/6 đến 21/7/2019, các vụ cháy ở vành đai Bắc Cực đã thải ra tổng cộng 100 tỷ tấn CO2 vào khí quyển, gần bằng với lượng carbon dioxide thải ra của Bỉ trong cả năm 2017 .

Hiện cực bắc và lãnh nguyên Bắc Cực bao phủ 33% diện tích đất bề mặt toàn cầu và lưu trữ khoảng 50% lượng carbon trong lòng đất. Lượng carbon này nhiều hơn lượng carbon nằm trong trong tất cả thực vật trên thế giới và tương đương với lượng carbon trong khí quyển.

Khí hậu lạnh tại Bắc Cực khiến cho sự phát triển và phân hủy của vi sinh vật chậm hơn nhiều so với ở vùng nhiệt đới, do đó carbon được lưu trữ trong các lớp băng vĩnh cửu thay vì tuần hoàn trở lại chu kỳ dinh dưỡng thông qua sự phát triển của thực vật. Tuy nhiên, nếu rừng bị cháy và lãnh nguyên tan chảy, lượng carbon trong khí quyển sẽ tăng đột biến. Điều này có thể khiến những nỗ lực toàn cầu để cắt giảm khí thải trở nên vô dụng.

Bắc Cực bốc cháy: Thảm họa do biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Một vụ cháy rừng được quan sát ở Greenland năm 2017. (Ảnh: NASA)

Trong tương lai, hiện tượng cháy rừng vào mùa hè ở vùng Bắc Cực dự kiến phức tạp hơn khi Trái đất vẫn đang ấm lên.

Do mùa hè nóng, mùa đông ấm dần, các nhà sinh vật học cho biết thực vật sẽ mất dần khả năng chịu lạnh của chúng. Số cây cối chết khô cũng đã tăng dần đều, ngày càng nhiều khu vực ở Bắc Cực đất đai đã chuyển sang màu xám. Và thực tế này sẽ tạo điều kiện cho các đám cháy với cường độ cực đoan bùng phát.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Bắc Cực bốc cháy: Thảm họa do biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới