Thứ sáu, 22/11/2024 04:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 06:45 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phạt doanh nghiệp xả thải ra suối Giao Kèo

Theo dõi KTMT trên

Dù từng bị xử phạt và yêu cầu ngưng hoạt động nhưng 1 cơ sở sản xuất hạt nhựa tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ vẫn ngang nhiên hoạt động và xả thải ra suối Giao Kèo.

Sự việc phát sinh trong ngày?

Tổ công tác UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt quả tang xưởng sản xuất hạt nhựa được xây dựng trên khu đất của ông Nguyễn Minh Thịnh có các đường ống chôn dưới lòng đất đang xả nước thải ra khu vực suối Giao Kèo, nước đọng lại thành vũng lớn rộng hàng trăm m2, có màu nâu, mùi hôi nồng nặc.

Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong cơ sở có khoảng 5 tấn nguyên liệu bao bì, 1 tấn thành phẩm các loại hạt nhựa. Phía sau cơ sở có 3 đường ống dẫn nước thải từ trong xưởng ra môi trường, trong đó 1 đường ống đang chảy nước màu trắng đục, có mùi hôi.

Được biết, cơ sở sản xuất hạt nhựa này do người tên V.X.K. làm chủ, giao quyền quản lý cho ông Nguyễn Minh Trí từ tháng 2/2022 đến nay. Giải thích với cơ quan chức năng về việc đường ống nước đang xả thải trực tiếp ra môi trường, ông Trí cho biết do ống nước bị bể nên chất thải chảy ra ngoài và sự việc mới phát sinh trong ngày.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phạt doanh nghiệp xả thải ra suối Giao Kèo - Ảnh 1
Hiện trường xả thải ra môi trường của xưởng hạt nhựa (Ảnh: Dân  Việt). 

Ngày 11/5, UBND thị xã Phú Mỹ giao lực lượng công an phối hợp UBND xã Tóc Tiên tiếp tục điều tra xác minh, kiểm tra mẫu nước thải của cơ sở sản xuất hạt nhựa lén lút xả thải trái phép ra môi trường đồng thời mời chủ đất nơi có cơ sở sản xuất hạt nhựa lên làm việc để yêu cầu tự tháo dỡ xưởng theo quy định.

Trước đó vào giữa năm 2020, ông Trí đã bị UBND xã Tóc tiên xử phạt về hành vi sử dụng đất sai mục đích và bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập biên bản xử phạt hành vi xả thải ra môi trường và không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Cơ sở đã bị yêu cầu ngưng hoạt động, buộc tháo dỡ trước ngày 20/4. Tuy nhiên, đến nay cơ sở này vẫn lén lút hoạt động.

Thời gian gần đây nước suối Giao Kèo thường xuyên đổi màu đen, có mùi hôi. Tình trạng này càng nặng hơn khi trời mưa hoặc ban đêm. Nhiều hộ dân khi dẫn nước suối Giao Kèo vào ao thì chỉ ít thời gian sau cá chết "ngửa bụng".

Về nguyên nhân gây ô nhiễm suối Giao Kèo, người dân nơi đây cho rằng, suối gần khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, đặc biệt tại điểm đầu con suối có một số cống nối với các nhà máy trong khu xử lý này, do đó rất có thể một số doanh nghiệp lén lút xả thải, khiến nước suối chuyển màu, bốc mùi hôi. Trong khi đó, khu vực đầu nguổn không có người dân ở, đến khi nước chảy đến đoạn có người dân sinh sống (cách khoảng 5km) nên việc bắt quả tang gặp nhiều khó khăn.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phạt doanh nghiệp xả thải ra suối Giao Kèo - Ảnh 2
Cá trong ao nhà ông Hoàng chết sau ít giờ tiếp xúc với nước suối Giao Kèo (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

Có thể bị xử lý hình sự

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, luật sư Phan Văn Tú (Văn phòng Luật sư Nhật Bình – Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định 55/2021/NĐ-CP nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý như sau:

Hình thức xử phạt chính: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỉ đồng đối với tổ chức.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho - khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan - quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định;…

Đặc biệt, luật sư Tú nhấn mạnh: “Nếu chủ hộ kinh doanh, chủ nguồn thải cố tình vi phạm quy định của pháp luật mặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi xả chất thải ra môi trường mà vẫn tiếp tục vi phạm, ngang nhiên thách thức tính nghiêm minh của pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiêm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội gây ô nhiễm môi trường thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà sẽ có những chế tài phù hợp”.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa - Vũng Tàu: Phạt doanh nghiệp xả thải ra suối Giao Kèo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.