Australia đón nhận La Nina năm thứ 2 lợi hay hại?
Ngày 23/11, cơ quan thời tiết của Australia cho biết hiện tượng La Nina đã hình thành trên Thái Bình Dương năm thứ 2 liên tiếp. 'Xứ sở chuột túi' liệu có thuận lợi hơn để phát triển.
La Nina giúp tăng sản lượng lúa mì của Australia
Cũng là một thuật ngữ tiếng Tây Ban Nha (nghĩa là "Bé gái"), La Nina là hiện tượng đối ngược hoàn toàn với hiện tượng El Nino, chỉ hiện tượng bề mặt nước biển ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường.
La Nina thường kèm theo lượng mưa lớn hơn, nhiều lốc xoáy nhiệt đới hơn và nhiệt độ lạnh hơn mức trung bình ở khu vực xích đạo trên Thái Bình Dương.
La Nina xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm/lần, thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. La Nina gây ra các tác động trên diện rộng lên khí hậu Trái Đất, ngược lại với các tác động của chu kỳ nóng lên El Nino.
Hiện tượng thời tiết này có thể giúp tăng sản lượng lúa mì của Australia. Tháng 9 vừa qua, “xứ sở Chuột túi” đã nâng dự báo sản lượng lúa mì cho mùa vụ này tăng 17% lên gần mức kỉ lục với lý do thời tiết thuận lợi.
Thời tiết ẩm ướt hơn bình thường vào cuối năm cũng có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng.
Ông Andrew Watkins, Giám đốc Dịch vụ Khí hậu Hoạt động của Cục Khí tượng Australia, cho biết: “Hiện tượng La Nina xảy ra liên tiếp không phải là bất thường, khi mà khoảng một nửa số sự kiện trong quá khứ lặp lại vào năm tiếp theo”.
Ông cũng cho hay, các sự kiện La Nina thường kéo dài khoảng một năm nhưng các mô hình khí hậu cho thấy hiện tượng năm nay sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài đến cuối mùa hè ở Nam bán cầu hoặc đầu mùa thu năm 2022.
“Mỗi một hiện tượng La Nina đều có những tác động khác nhau, vì nó không phải là tác nhân khí hậu duy nhất ảnh hưởng đến Australia”, ông Watkins nói.
Tháng trước, cơ quan dự báo thời tiết Mỹ cho biết các điều kiện của La Nina đã hình thành và có 87% khả năng hình thái thời tiết này sẽ tiếp tục diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022.
Tại Australia, một hệ thống áp thấp vào đầu tháng 11 đã gây ra lượng mưa từ 50 đến 150 mm ở một số khu vực phía Đông Nam, mức cao nhất ghi nhận trong nhiều năm qua, gây ra tình trạng lũ lụt trên khắp các khu vực của bang Queensland và New South Wales.
Theo Giáo sự Matthew England thuộc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học New South Wales), hiện tượng La Nina có thể giúp làm giảm nguy cơ cháy rừng và các đợt nắng nóng khắc nghiệt ở các bang miền Đông nước này vào mùa hè tới, tuy nhiên lại tăng khả năng xảy ra các đợt mưa lớn, lũ lụt cũng như lốc xoáy nhiệt đới.
Hiện tượng La Nina đang trở lại châu Á sau một thập kỷ vắng bóng
Đông Nam Á, một số đảo ở Thái Bình Dương và khu vực phía Bắc của Nam Mỹ dự kiến sẽ nhận được lượng mưa trên mức trung bình. Ở Ấn Độ, La Nina có nghĩa là nước này sẽ nhận được lượng mưa nhiều hơn bình thường, dẫn đến lũ lụt.
“El Nino và La Nina là những động lực chính, xuất hiện tự nhiên của hệ thống khí hậu Trái Đất. Nhưng tất cả các hiện tượng khí hậu xảy ra tự nhiên đều diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm thời tiết khắc nghiệt và ảnh hưởng đến chu trình nước.
Hiện tượng La Nina phát triển khi gió mạnh thổi vùng nước ấm trên bề mặt Thái Bình Dương ra khỏi Nam Mỹ và về phía Indonesia. Thông thường La Nina có nghĩa là các quốc gia như Indonesia và Australia có thể nhận được nhiều mưa hơn bình thường và gió mùa hoạt động mạnh hơn xảy ra ở Đông Nam Á.
WMO công bố hiện tượng La Nina ngay bây giờ để các Chính phủ có cơ hội huy động quy hoạch trong các lĩnh vực quan trọng như quản lý thiên tai và nông nghiệp. Một khía cạnh quan trọng của La Nina là ảnh hưởng của nó đối với phần còn lại của mùa bão Đại Tây Dương. Sự kiện La Nina làm giảm lực cắt gió, tức là sự thay đổi gió giữa bề mặt và các tầng trên của khí quyển.
Điều này cho phép các cơn bão phát triển. Mùa bão thường kết thúc vào ngày 30/11 và cho đến nay đã có 27 cơn bão được đặt tên. Con số này cao hơn 25 cơn bão theo dự đoán của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) vào đầu năm nay.
Nguyễn Linh (T/h)