Thứ năm, 25/04/2024 14:36 (GMT+7)
Thứ tư, 27/10/2021 07:30 (GMT+7)

Khủng hoảng năng lượng châu Á thêm 'nóng' vì hiện tượng La Nina

Theo dõi KTMT trên

Trái ngược với El Nino khi khiến thời tiết nóng lên, La Nina lại khiến châu Á lạnh hơn trong mùa đông này, qua đó khiến cuộc khủng hoảng thiếu điện trở nên trầm trọng hơn do các hộ gia đình thiếu năng lượng sưởi ấm.

La Nina - hình thành khi gió mậu dịch quanh xích đạo mạnh lên đưa nước lạnh từ đáy biển trồi lên - đã xuất hiện ở Thái Bình Dương, làm nhiệt độ tại Bắc bán cầu thấp hơn bình thường và buộc cơ quan thời tiết của một số quốc gia trong khu vực phải lên tiếng cảnh báo về một mùa đông lạnh giá sắp tới.

Không ít quốc gia đang gặp cảnh giá nhiên liệu tăng cao, thiếu điện cung cấp cho hoạt động công nghiệp. Nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông khắc nghiệt có thể đẩy giá than và khí đốt lên hơn nữa.

Khủng hoảng năng lượng châu Á thêm 'nóng' vì hiện tượng La Nina - Ảnh 1
Các nước châu Á dự báo sẽ có một mùa đông với nền nhiệt lạnh hơn bình thường. (Ảnh minh họa)

Theo hãng tin Bloomberg, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Á sẽ trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông này mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, cụ thể là "La Nina". Trái ngược với El Nino khi khiến thời tiết nóng lên, La Nina lại khiến châu Á trở nên rét lạnh hơn trong mùa đông này, qua đó khiến cuộc khủng hoảng thiếu điện trở nên trầm trọng hơn do các hộ gia đình thiếu năng lượng sưởi ấm.

Một số quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc – nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đang chật vật ứng phó với sự leo thang chóng mặt của giá nhiên liệu, tình trạng thiếu điện liên miên và những đợt cắt điện luân phiên đối với hoạt động sản xuất công nghiệp. Giá than và khí đốt tự nhiên đã lập những kỉ lục mới trong thời gian gần đây, và cuộc khủng hoảng năng lượng này chỉ có trở nên nghiêm trọng hơn nếu nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường trong mùa đông năm nay.

Khủng hoảng năng lượng châu Á thêm 'nóng' vì hiện tượng La Nina - Ảnh 2
Châu Á đối mặt với khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn trong mùa đông năm nay. (Ảnh minh họa)

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản khuyến cáo tháng tới sẽ lạnh hơn, trước đó họ nhận định tỉ lệ La Nina xuất hiện trong giai đoạn thu đông lên đến 60%. Nước này hiện không bị khủng hoảng năng lượng nhưng vẫn rất cảnh giác vì năm ngoái từng có đợt lạnh sâu khiến giá điện tăng đột biến, nhiều doanh nghiệp không đủ nhiên liệu nên đành chấp nhận mua khí đốt hóa lỏng (LNG) giao ngay giá đắt.

Theo các nhà máy điện tại Nhật, họ đã từng không đủ nguyên liệu để chạy máy dù nhu cầu gia tăng và buộc phải mua khí ga hóa lỏng từ nước ngoài với giá đắt đỏ hơn để có thể hoạt động trong năm 2020. 

Tình hình nghiêm trọng đến mức Bộ Thương mại Nhật Bản đã phải họp nhóm với các nhà cung ứng điện năng, khí ga và dầu mỏ lớn nhất nước để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra vào mùa đông này.

Nhận thức được tình hình, các nhà máy điện chủ chốt tại Nhật Bản đã dự trữ nhiều khí ga hóa lỏng cao hơn 24% so với mức bình quân trong 5 năm qua nhằm chống khủng hoảng.

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc thì cảnh báo thời tiết nửa đầu mùa đông sẽ lạnh hơn và nước này cũng có khả năng bị La Nina ảnh hưởng. Trận tuyết đầu mùa đến sớm hơn 15 ngày so với năm ngoái, tháng 10 lạnh bất thường.

Để tăng cung cấp nhiên liệu và giảm thiểu tác động từ giá tăng cao, giới chức Hàn Quốc tạm thời giảm thuế nhiên liệu lẫn thuế nhập khẩu LNG.

Trong khi đó, nhiệt độ  tại nhiều vùng ở Ấn Độ được dự báo sẽ xuống thấp, ở ngưỡng 3 độ C, trong tháng 1 và tháng 2 tới trước khi tăng trở lại. Khác với nhiều nước, thời tiết lạnh giá ở Ấn Độ lại thường đi kèm với tiêu thụ năng lượng giảm, do nhu cầu điện cho điều hòa nhiệt độ giảm.

Đáng quan ngại hơn chính là việc Ấn Độ nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với giai đoạn khô hanh hơn sau giai đoạn cuối của kỳ gió mùa. Những khu vực khai mỏ chủ chốt trong vài tháng qua bị tác động mạnh bởi lũ lụt, làm bóp chẹt nguồn cung than đá vốn là nguồn nhiên liệu tạo ra 70% sản lượng điện năng tại Trung Quốc.

Vài tháng gần đây, một số vùng khai thác than trọng điểm của Ấn Độ phải hứng chịu lũ lụt nên nguồn than cung cấp cho hoạt động sản xuất điện bị thắt chặt.

Linh Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng năng lượng châu Á thêm 'nóng' vì hiện tượng La Nina. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.