ASEAN thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa
Việc loại bỏ rác thải nhựa cần phải thay đổi, bằng cách chuyển đổi hình thức sử dụng và xử lý. Ngoài ra, các quốc gia cũng cần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tìm cách thiết kế những sản phẩm không tạo ra chất thải hoặc có thể được tái sử dụng.
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Trong đó, khu vực Đông Nam Á đã nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm nhựa do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. Đây là tầng lớp tiêu dùng có tốc độ sử dụng các sản phẩm nhựa và bao bì ngày càng tăng do tính tiện lợi và linh hoạt.
Tuy nhiên, do nền tảng hạ tầng quản lý chất thải ở địa phương vẫn chưa theo kịp nên đã dẫn đến tình trạng một lượng lớn chất thải đang được xử lý không đúng cách. Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các quốc gia Đông Nam Á hàng năm thiệt hại khoảng 6 tỉ USD từ số rác thải nhựa bị ném bỏ, thay vì được thu gom và tái chế.
Theo báo cáo, có khoảng 75% rác thải nhựa có thể tái chế được ở Malaysia, Thái Lan và Philippines đều bị vứt đi, rất lãng phí và đây thực sự là “cơ hội kinh doanh lớn” chưa được khai phá trong nền kinh tế tuần hoàn. Ở những quốc gia này, tỉ lệ nhựa có thể tái chế được thu hồi và tái chế lại chỉ chiếm khoảng 18-28%, gây ra tình trạng rác thải bao bì nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bãi biển và ven đường, mà giá trị đối với các nền kinh tế cũng bị mất đi.
Tại Thái Lan, nơi có ngành công nghiệp hóa dầu lớn nhất khu vực, tỉ lệ tái chế rác thải nhựa đứng ở mức thấp nhất, chưa đến 18%. Chính phủ nước này gần đây quan tâm, đầu tư nhiều hơn vào các cơ sở tái chế, nhưng rất ít trong số này có kết nối với các doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa, sản phẩm nhựa.
Còn tại Malaysia và Philippines, các thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm, đồ uống đóng gói, đóng chai, đồ ăn nhanh đang có xu hướng lựa chọn tăng hàm lượng tái chế trong các sản phẩm chuyển tới tay khách hàng. Tuy nhiên, những nhà cung ứng sản phẩm có khả năng tái sử dụng mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có quy mô sản xuất, hệ thống quản lý, công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu.
Theo các chuyên gia của WB, đây thực sự là một cơ hội tiềm năng giúp thu được cả lợi ích môi trường lẫn kinh tế, với sự vào cuộc, bổ sung lẫn nhau giữa khu vực công và khu vực tư.
Ước tính, mỗi năm có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa chảy vào các đại dương trên thế giới, trong đó châu Á là khu vực chiếm 80% số lượng. Philippines, Thái Lan là hai nước lần lượt đứng thứ ba và thứ sáu thế giới về gây ô nhiễm rác thải nhựa.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm tình hình trầm trọng hơn do xu hướng tiêu thụ khẩu trang, chai dung dịch vệ sinh và bao bì giao hàng trực tuyến ngày càng tăng. Bên cạnh đó, đại dịch cũng đang làm trì hoãn lệnh cấm sử dụng đồ nhựa tại nhiều quốc gia. Ở Philippines, rác thải từ các dịch vụ cung cấp thực phẩm và hoạt động thương mại điện tử đang dần trở thành mối quan ngại đối các nhà bảo vệ môi trường. Họ lo ngại người tiêu dùng sẽ phải lại dựa vào các dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm sau khi chính phủ Philippines tái áp đặt các biện pháp phong tỏa vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận từ ngày 4/8/2020 do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại.
Nhiều sáng tạo chống ô nhiễm rác thải nhựa
Theo các chuyên gia, việc loại bỏ rác thải nhựa cần phải thay đổi, bằng cách chuyển đổi hình thức sử dụng và xử lý nhựa. Ngoài ra, các quốc gia cũng cần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tìm cách thiết kế những sản phẩm không tạo ra chất thải hoặc có thể được tái sử dụng và tái chế.
Đặc biệt, các nước Đông Nam Á cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế tại địa phương để chuyển chất thải nhựa ra khỏi bãi chôn lấp, đốt lộ thiên và môi trường biển. Thông thường, các nước nhập khẩu phế liệu nhựa vì chất lượng tốt hơn, trong khi xuất khẩu nhựa tái chế để đáp ứng nhu cầu ở nước ngoài.
Tại Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tập trung ngăn ngừa và quản lý chất thải. Trong đó ở Việt Nam, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” hợp tác với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ GTVT, cũng như chính quyền địa phương. Dự án thực hiện 4 hoạt động thí điểm tại Việt Nam: Xây dựng Liên minh các nhà bán lẻ; Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa; Quản lý chất thải từ tàu cá tại các cảng biển Việt Nam và Thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân.
Mới đây, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố cuộc thi Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) lần thứ hai, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad). Theo đó, cuộc thi EPPIC được phát động nhằm tìm kiếm các sáng kiến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, những sáng kiến mà hiện đang trong quá trình hoàn thiện nhưng thiếu sự hỗ trợ hay các nguồn lực để phát triển.
Tính đến nay, đã có hơn 140 đội đã tham gia thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong số các đội dự thi từ 7 quốc gia Indonesia, Philippines, Singapore, Campuchia, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, có 18 sáng kiến xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng chung kết.
Các giải pháp dự thi thử thách lần này được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề ở hai địa phương có lượng rác thải nhựa lớn, là Mandalika, đảo Lombok (Indonesia) và đảo Samal (Philippines). Mục tiêu cuối cùng là nhân rộng các giải pháp được chọn ở hai địa phương này.
Ở Philippines, mỗi năm có gần 60 tỉ túi nylon nhỏ được sử dụng, và đảo Samal thải ra gần 15.000 tấn rác hàng năm. Ở Indonesia, lượng rác phát thải hàng năm ước tính vào khoảng gần 6,8 triệu tấn, trong đó Mandalika, đảo Lombok phát sinh gần 215,7 tấn rác thải sinh hoạt (trong thời kỳ dịch Covid-19). Trước dịch, tính riêng ngành du lịch ở khu vực này đã có tới 13.731 tấn rác mỗi năm. Được biết, hai trong số các loại rác phổ biến nhất ở hai hòn đảo này là chai nhựa PET và bao bì thực phẩm từ nhựa.
Ông Enrico Gaveglia, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Philippines cho biết: “Philippines hiện ngày càng có nhiều các sáng kiến có thể giúp giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa về lâu dài. Tuy nhiên, những ý tưởng này không tự nhiên mà có sau một đêm. Chúng đều xuất phát từ những trải nghiệm đau lòng và phản ứng chung của người dân khi nhìn thấy rác nhựa bị vứt bỏ không đúng chỗ. Do đó, chúng ta cần có một nơi thích hợp và hỗ trợ mạnh mẽ để thiết kế, nuôi dưỡng và phát triển các mô hình giúp giải quyết những ‘bức xúc’ này, để ứng phó với ô nhiễm nhựa một cách có hệ thống, hướng tới phát triển và biến kinh tế tuần hoàn trở thành một lối sống.”
“Thông qua cuộc thi, chúng tôi đã lập được danh sách các giải pháp, và đây có thể trở thành tài liệu tham khảo và động lực cho những "nhà cải tiến" ở Indonesia, vì sau khi thấy được những gì đã và đang được làm ở các quốc gia ASEAN khác, sẽ quay về và áp dụng những giải pháp phù hợp ở nước mình, và ngược lại. Indonesia cũng có các sáng kiến có thể áp dụng ở các quốc gia láng giềng, do chúng ta hiện tại đang cùng phải đối mặt với một vấn đề ô nhiễm nhựa”, bà Nani Hendiarti, phụ trách mảng Môi trường và Rừng thuộc Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho hay.
Lan Anh