Chung tay đẩy lùi rác thải nhựa - Vì một đại dương ‘xanh’
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, bởi những ảnh hưởng tiêu cực và tiềm ẩn nhiều nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Thói quen sử dụng túi nylon, đồ dùng nhựa cùng với những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa tạo ra “gánh nặng” ngày càng lớn đến kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe của con người. Về mặt kinh tế, chỉ riêng rác thải nhựa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gây thiệt hại cho ngành du lịch, đánh bắt thủy sản và vận chuyển 1,3 tỉ USD mỗi năm. Tổng thiệt hại kinh tế đối với hệ sinh thái biển toàn cầu do rác thải nhựa gây ra ít nhất là 13 tỉ USD mỗi năm (UNEP 2018).
Về môi trường và sức khỏe con người, để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi nylon cần thời gian hàng trăm năm, đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương có thể kéo dài hơn. Ước tính khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua mỗi phút, khoảng 5 nghìn tỉ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới.
Do thời gian phân hủy quá chậm, trong khi đó thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa gây ra tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và đại dương. Nhựa trong môi trường đặt ra mối nguy hiểm lớn cho động vật hoang dã cả trên đất liền và đại dương. Do các dòng hải lưu, các hạt nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành thức ăn cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển.
Một nghiên cứu mới được công bố tháng 7/2020 cho biết, nếu các công ty và Chính phủ không giảm mạnh sản xuất nhựa, lượng rác thải nhựa chảy vào đại dương và giết chết sinh vật biển có thể tăng gấp 3 trong 20 năm tới.
Khi các động vật nuốt phải, các hạt nhựa vụn bị mắc trong khí quản gây ngạt thở hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong. Rác thải nhựa đã gây hại cho ít nhất 267 loài động vật khác nhau, gây ra cái chết cho khoảng 1 triệu loài chim biển, 100.000 loài động vật biển có vú và các loại cá khác với số lượng không thể đo đếm được. Những hại nhựa siêu vi (rất nhỏ) do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể các loài sinh vật biển, và từ đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn cho con người, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng
Theo Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, với lượng rác thải nhựa 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm.
Mặc dù vậy, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển và đới bờ cũng như giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương cùng với nỗ lực tăng cường phát triển kinh tế - xã hội.
TS Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Có thể kể đến như: Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Mới đây nhất, trên cơ sở nội dung và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 14/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Bộ TN&MT đã triển khai Đề án "Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương".
Đề án đặt ra mục tiêu là Việt Nam tiên phong trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng. "Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực".
Do đó, để giảm thiểu nạn “ô nhiễm trắng” trên các vùng biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương và thu gom 100% dụng cụ đánh bắt bị thất lạc hoặc thải bỏ và xóa bỏ tình trạng xả thải trực tiếp các dụng cụ đánh bắt ra biển. Đây cũng là cam kết của Việt Nam để duy trì sự bền vững, đồng thời phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam coi rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung ưu tiên triển khai và nêu cao trách nhiệm phối hợp với Chính phủ các nước ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Băng Cốc trong giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực ASEAN.
Lan Anh