'Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương'
Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia, ủng hộ hợp tác quốc tế trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Việt Nam trong top 5 quốc gia xả rác ra biển
Theo Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, với lượng rác thải nhựa 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm.
Cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra. Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa là hơn 2.500 tấn/ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, con số này lên tới 80 tấn/ngày.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát thải lượng rác thải khổng lồ vào các vùng biển ở Việt Nam là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa còn hạn chế, cùng với đó là ý thức của người dân cũng như các doanh nghiệp. Trong những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trong nước và ngoài nước. Vì vậy khối lượng chất thải nhựa đổ ra các vùng biển của Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Nhựa chiếm đến 64% tỉ lệ vật liệu dùng trong ngành bao bì của Việt Nam và dự kiến con số này sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, ngành tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam vẫn chưa được phát triển và công nghệ tái chế tại các thành phố lớn còn lạc hậu, hiệu quả thấp và chi phí cao. Ước tính, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ.
Xây dựng thỏa thuận toàn cầu ngăn chặn ô nhiễm
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và hướng đến Thập kỷ của Liên hợp quốc về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030.
Trên cơ sở nội dung và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 14/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Bộ TN&MT đã triển khai Đề án "Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương" với quan điểm xuyên suốt là thỏa thuận, hợp tác quốc tế về rác thải nhựa đại dương phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Việt Nam tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan đến giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa đại dương đã cam kết trong các khuôn khổ quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt những sáng kiến của Việt Nam về rác thải nhựa đại dương; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương gắn với thúc đẩy sự hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới; thực hiện hiệu quả chiến lược quản lý chuỗi giá trị nhựa; tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; thực hiện hiệu quả và thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Đề án đặt ra mục tiêu là Việt Nam tiên phong trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Nhựa sẽ thay cá phủ kín đại dương vào năm 2050
Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ đã có báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng). Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy.
Dự báo đến năm 2050, số lượng nhựa được sản xuất trên toàn cầu sẽ tăng gấp ba, lên tới 1.124 triệu tấn. Kèm theo đó, nền kinh tế "nhựa" sẽ đẩy "Ngân sách carbon" toàn cầu lên 15%, so với con số 1% hiện nay.
"Ngân sách carbon" là ngưỡng thải carbon dioxide (CO2) ra bầu khí quyển để giữ nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức chấp nhận được, không quá 2 độ C.
Minh Phương