Áp thấp nhiệt đới gần Philippines sẽ thành bão, liệu có hướng về Biển Đông?
Vùng áp thấp ở gần Philippines đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, dự báo sẽ thành bão. Theo dự báo rằng cơn bão này sẽ đi hướng về phía Biển Đông.
Trang Inquirer cho biết, vào sáng sớm nay, một vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và đi vào vùng trách nhiệm của Philippines (PAR). Ở Philippines, nó được đặt tên là Kristine, còn Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ ghi ký hiệu là 22W.
Theo Cơ quan khí tượng của Philippines (PAGASA), ATNĐ Kristine/ 22W sáng nay đang ở phía Đông của Philippines, sức gió tối đa là 55 km/h ở gần tâm ATNĐ, gió giật lên đến 70 km/h.
Dự báo ngay trong hôm nay Kristine/ 22W sẽ phát triển thành bão, rồi thành bão rất mạnh (typhoon) vào khoảng thứ Năm, 24/10, trước khi đổ bộ miền Bắc Philippines khoảng gần cuối tuần. Khi thành bão, nó có thể có tên quốc tế là Trami (đây là tên bão do nước ta đề xuất).
Hiện tại, các mô hình dự báo của JTWC, của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) và của châu Âu đều thống nhất rằng Kristine/ 22W sẽ thành bão mạnh và sẽ đi vào Biển Đông khoảng ngày 25 - 26/10. Trong trường hợp này, khả năng lớn nước ta sẽ gọi nó là cơn bão số 6.
Dù Kristine/ 22W có khả năng cao vào Biển Đông nhưng các mô hình dự báo cho rằng sau đó, cơn bão này sẽ đi chếch lên phía Tây Bắc, nếu vậy thì có thể nó sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Do bão/ ATNĐ liên tục thay đổi nên việc dự báo bão/ ATNĐ là rất khó, tuy nhiên việc phòng chống thiên tai thì luôn là cần thiết, chính vì thế trong tuần này, người dân lưu ý thường xuyên theo dõi thông báo của các cơ quan chức năng địa phương để có cách ứng phó phù hợp nếu có thời tiết cực đoan.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng từ ngày 23-25/10 trên khu vực Biển Đông có khả năng có hoạt động của áp thấp nhiệt đới/bão. Theo đó, khoảng ngày 21-22/10, hình thành một dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) trên khu vực giữa Biển Đông. Trên ITCZ này có thể hình thành các xoáy thuận nhiệt đới. Từ ngày 23-25/10 trên khu vực Biển Đông có khả năng có hoạt động của áp thấp nhiệt đới/bão.
Về diễn biến không khí lạnh, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm ngày 19/10 miền Bắc đón không khí lạnh lệch Đông nên nhiệt độ giảm nhưng không đáng kể, có thể chỉ gây mưa rào và dông ở vùng núi và một số nơi ở đồng bằng. Đợt thứ hai tăng cường từ ngày 22-23/10 sẽ mạnh hơn và gây mưa dông, nền nhiệt giảm hơn, trời chuyển lạnh về đêm và sáng.
Từ sau 23/10, không khí lạnh bắt đầu gây lạnh về đêm và sáng sớm. Dự báo không khí lạnh sẽ gia tăng cường độ và tần suất từ tháng 11 năm 2024. Khả năng đợt rét đậm rét hại đầu tiên của mùa Đông năm nay sẽ rơi vào nửa cuối tháng 12 năm 2024. Từ thời điểm này trở đi, không khí lạnh mạnh hoạt động dồn dập. Các đợt rét đậm rét hại sẽ tập trung từ nửa cuối tháng 12 đến tháng 2 năm 2025.
Theo chuyên gia, vào năm ngoái các đợt rét đậm rét hại xuất hiện muộn, được xem là năm có mùa đông ấm. Giai đoạn cuối tháng 11, thậm chí sang tháng 12/2023, miền Bắc vẫn nắng hanh với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 30 độ C.
Khả năng mùa đông năm nay sẽ rét hơn so với mùa đông năm ngoái và dự báo miền Bắc có nhiều ngày rét đậm rét hại hơn: Thời tiết mùa đông năm 2024 dự báo sẽ lạnh khô vào nửa đầu mùa và lạnh ẩm vào cuối mùa. Điều này cũng phù hợp với quy luật khí hậu.
Bích Ngọc