Chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động
Theo Bộ NN&PTNT, chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai.
Chất lượng đất ở mức báo động
Theo Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa mới được Bộ NN&PTNT thông qua, chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai. Do đất nông nghiệp nước ta phân bố trên các vùng sinh thái với các dạng địa hình, cơ cấu cây trồng và chế độ canh tác khác nhau nên chất lượng đất cũng đã thay đổi theo nhiều hướng khác nhau.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp trên các vùng đồi núi, đất dốc thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các nghiên cứu cho thấy hàm lượng hữu cơ trong đất canh tác nhiều vùng đã giảm xuống dưới 1,0%, hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân dễ tiêu và kali dễ tiêu trong đất đều ở mức nghèo kiệt. Các nguyên tố trung lượng như canxi, magie đều suy giảm mạnh, dao động từ 1,0-1,2 cmol/kg đất. Thành phần cơ giới của lớp đất mặt cũng bị thay đổi, tỷ lệ sỏi sạn tăng cao do các hạt mịn đã bị rửa trôi trong mùa mưa, độ chua của đất tăng lên thể hiện qua giá trị pH đất chỉ dao động từ 4,2-5,0, thậm chí còn giảm thấp hơn xuống 3,8-4,0. Những thay đổi này đã diễn ra hàng thập kỷ, ảnh hưởng rất rõ đến năng suất cây trồng ở các địa phương song đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù cộng đồng khoa học đã có những cảnh báo về nguy cơ suy thoái đất và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trên đất dốc từ những năm 90s của thập kỷ trước.
Đối với đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng cũng có những thay đổi. Phù sa bồi đắp hàng năm không còn đối với vùng hạ du do các công trình thủy điện ở thượng nguồn, hệ số sử dụng đất tăng cao, thời gian đất nghỉ ngắn, phân hữu cơ sử dụng trong sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng, thay vào đó là các loại phân hóa học đã làm cho hàm lượng các-bon hữu cơ trong đất bị suy giảm đáng kể, tỷ lệ C/N trung bình chỉ dao động từ 8-10, đất bị chai cứng, mất kết cấu, dung tích hấp thu giảm. Bên cạnh đó chất lượng đất canh tác vùng ĐBSH còn bị ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm do tác động xả thải từ các làng nghề, khu công nghiệp...
Đối với đất vùng Tây Nguyên nơi trồng các loại cây công nghiệp có giá trị như cà phê và hồ tiêu, chất lượng đất cũng đã có những thay đổi theo chiều hướng bất lợi, hàm lượng các-bon hữu cơ trong đất trung bình từ 1,2-2,5% thấp hơn rất nhiều so với đất rừng tự nhiên 5,14%; pH đất trồng cà phê và hồ tiêu dao động từ 3,1-4,6 trong khi đó ở đất rừng tự nhiên là 5,6. Hàm lượng lân và kali dễ tiêu trong đất đỏ trồng cà phê và hồ tiêu đều tích lũy ở mức khá cao gấp 7-10 lần hàm lượng lưu huỳnh trong đất cũng tích lũy ở mức cao gấp nhiều lần so với đất rừng tự nhiên. Ngược lại dung tích hấp thu của đất trồng cà phê và hồ tiêu chỉ dao động từ 7-14 lđl/100 gam đất, trong khi đó ở đất rừng tự nhiên là 20 lđl/100 gam đất. Hàm lượng lân và kali trong đất tích lũy ở mức cao là do phân bón hóa học đã sử dụng ở mức cao và bón liên tục qua nhiều năm.
Đối với đất sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân làm giảm độ phì nhiêu là do canh tác độc canh 3 vụ lúa/năm nhiều năm liên tục. Cây lúa lấy từ đất hơn 14 nguyên tố dinh dưỡng theo sản phẩm thu hoạch, nhưng tập quán nông dân chỉ bón phân đa lượng NPK, dẫn đến đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung, vi lượng và chất hữu cơ. Biện pháp canh tác chưa phù hợp như làm đất bằng cách xới cạn, trục nhận (thay vì cày ải, cày vùi) dẫn đến tầng canh tác cạn, ruộng dễ bị ngộ độc hữu cơ. Ruộng thường xuyên bị ngập nước cùng với rơm rạ chưa xử lý được trục nhận vào đất khiến ngộ độc hữu cơ có thể xảy ra từ giai đoạn mạ, đẻ nhánh (do rơm rạ) đến làm đòng (do đất bị yếm khí). Ngoài ra việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã làm thay đổi đáng kể về tính chất vật lý đất, độ chặt tăng lên, độ xốp giảm, khả năng giữ nước của đất ngày một kém đi.
Nhìn chung, chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta có những thay đổi rất rõ, và theo các chiều hướng khác nhau, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên các vùng đất dốc được xem là có nguy cơ bị suy thoái nhanh song cho đến hiện nay chưa có chương trình, dự án nào về chất lượng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được tiến hành định kỳ một cách hệ thống ngoại trừ việc đánh giá đất ở một số tỉnh mang tính đơn lẻ, không liên tục. Đây là một trong những hạn chế trong quản lý chất lượng và sức khỏe đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sức khỏe của đất giúp chúng ta sống trên vùng đất đó an lành
Tại Hội nghị triển khai Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, bình quân diện tích đất đai trên đầu người thấp; cộng với tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc BVTV; Ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề; tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, phèn hóa... đã làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.
Thứ trưởng Hoàng Trung giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật phải đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào. Việc này cũng sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực.
Đối với Đề án về phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, đã thực hiện từ 2017 và có nhiều chuyển biến thực tế. Năm 2023, lượng phân bón hữu cơ đưa vào sử dụng là 3 triệu tấn, so với tổng số 7 triệu tấn phân hữu cơ và vô cơ. Con số này cho thấy phân hữu cơ đang được sử dụng nhiều lên.
Cũng tại Hội nghị trên, chuyên gia Phạm Quang Hà (phân tích, sâu xa của Đề án là sức khỏe đất. Ở các nước phát triển, đất rất tốt, các chỉ số chất lượng đất rất giàu. Tất cả các nước "đất giàu" đều ở bán cầu Bắc, một số quốc gia "đất nghèo" như Israel đã thực hiện cải tạo hoang mạc, bán hoang mạc để trở thành "đất giàu", đất tốt. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ làm tốt cho sức khỏe đất sẽ đóng góp cho lộ trình nước ta thoát khỏi quốc gia có thu nhập trung bình để tiến lên có thu nhập khá.
“Sức khỏe đất giúp chúng ta sống trên vùng đất đó an lành. Đất ấy sẽ duy trì được vòng tuần hoàn nước, đó là quản lý liên ngành, phục vụ chức năng làm sạch”, chuyên gia Phạm Quang Hà chia sẻ.
Tại Đề án, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đến năm 2050 phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.
Minh Thành