Anh hùng Lao động Thái Hương “hiến kế” phát triển rừng bền vững
“Rừng Việt Nam đã cạn kiệt đi nhiều, nguy cơ mất rừng rất cao, do đó việc cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng trồng rừng - điều này cũng góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế”-Anh hùng Lao động Thái Hương.
Tham gia hiến kế tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày 21/9, nhà sáng lập Tập đoàn TH, Anh hùng Lao động Thái Hương, đã bày tỏ những trăn trở sâu sắc về hiện trạng rừng tại Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế rừng bền vững. Tại đây bà cũng đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ và phục hồi tài nguyên rừng, đồng thời hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 – cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu.
Theo bà Thái Hương, từ xa xưa, Việt Nam vốn nổi tiếng là đất nước có "rừng vàng, biển bạc". Tuy nhiên, hiện nay, rừng Việt Nam đã dần cạn kiệt do ảnh hưởng của thiên tai, nạn phá rừng và khai thác kém hiệu quả. Các loại rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm thiên tai như bão lũ, hạn hán, lâm tặc, và đặc biệt là việc quản lý chưa hiệu quả các diện tích rừng sản xuất. Những diện tích rừng thuộc các công ty lâm nghiệp nhà nước hay cổ phần hóa đã không được khai thác bền vững. Ví dụ chủ yếu trồng cây keo với chu kỳ ngắn, thu nhập từ các loại cây này chỉ đạt mức thấp, không tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
Hơn nữa, nhiều diện tích rừng đã bị xâm chiếm, nhưng không được sử dụng đúng cách để tái tạo rừng, dẫn đến tình trạng đất trống ngày càng gia tăng.
Thực tế cho thấy việc mất rừng đem lại rất nhiều hệ lụy, bằng chứng là những năm gần đây thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nơi hạn hán, lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng…
Bởi vậy, bà Thái Hương cho rằng việc cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng trồng rừng và “điều này cũng góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà chúng ta cam kết với quốc tế.”
Để phát triển bền vững rừng Việt Nam, theo bà Thái Hương, việc đầu tiên là nhà nước cần cấp nguồn kinh phí đủ để đánh giá lại thực trạng rừng. Điều này bao gồm việc đánh giá diện tích rừng đã bị thiên tai hủy hoại, diện tích đất trống chưa được trồng lại, cũng như những khu vực rừng bị xâm chiếm nhưng chưa phát triển được thành rừng.
“Chỉ khi có con số chính xác về hiện trạng, Chính phủ mới có thể đưa ra những chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển rừng một cách bền vững” - Bà Thái Hương nhận định
Một trong những điểm nổi bật trong đề nghị của bà Thái Hương là vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế rừng. Bà cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta thường nghĩ đến nông dân khi nói về nông lâm nghiệp, nhưng chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của các doanh nghiệp lớn.
Theo bà, Chính phủ cần có chính sách để các doanh nghiệp đủ Tâm – Trí – Lực tham gia vào lĩnh vực này. Doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa khoa học công nghệ và phương pháp quản trị hiện đại vào khai thác, bảo tồn rừng, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng.
Để thu hút các doanh nghiệp này, Chính phủ cần có các chính sách phù hợp với từng dự án, từng thời kỳ, giúp kinh tế rừng phát triển bền vững. Cụ thể, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế đất cho những doanh nghiệp có thành quả trong việc trồng và phát triển rừng.
“Tất cả các doanh nghiệp sử dụng rừng sản xuất cần phải trả thuế đất, nhưng có thể xem xét việc miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp có kết quả tốt trong việc tái tạo và bảo vệ rừng” - Bà Thái Hương nhấn mạnh.
Cùng với việc đề xuất về cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia, bà Thái Hương đưa ra đề xuất về mô hình trồng cây đa tầng.
Mô hình này bao gồm việc trồng các loại cây lâu năm như cây dược liệu, cây lấy tinh dầu, cây ăn quả và cây lấy gỗ. Những cây này không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn giúp bảo vệ môi trường, cải thiện hệ sinh thái rừng. Ví dụ, các loại cây như đàn hương, gù hương, sầu riêng, macca... vừa có thể cung cấp gỗ, tinh dầu, vừa có khả năng tồn tại lâu dài, giúp duy trì và phát triển diện tích rừng.
Việc trồng cây phải được quy hoạch rõ ràng ngay từ đầu, trồng theo phương pháp khoa học, phân kỳ, để có hàng có lối, hàng cách hàng, cây cách cây bao nhiêu mét, hàng này cây trồng 3-4 năm có độ phủ xanh thì hàng kia mới được thu hoạch… Đề án trồng cây cần kết hợp với chế biến sâu và xây dựng thương hiệu đặc trưng của vùng miền.
Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh, để tối ưu hóa giá trị kinh tế của rừng, việc chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ rừng là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo ra việc làm cho người dân địa phương, từ đó phát triển kinh tế vùng miền một cách bền vững.
Bà Thái Hương cũng đề xuất thí điểm một dự án phát triển kinh tế rừng tại một số địa phương, trong đó có vùng Tây Nguyên - vùng đất có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế rừng, không chỉ về diện tích rừng mà còn về văn hóa và du lịch sinh thái. Mô hình thí điểm này sẽ bao gồm việc trồng cây đa tầng, kết hợp với chế biến sâu và phát triển thương hiệu đặc trưng cho vùng miền, tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Cũng theo Anh hùng Lao động Thái Hương, chúng ta phải ưu tiên các doanh nghiệp “biết lôi kéo” người nông dân cùng đi trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp sẽ đưa khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người nông dân trồng, sau đó thu mua bao tiêu sản phẩm, kết hợp chế biến sâu và phát triển thương hiệu, để tạo ra lực lượng hàng hoá và thương hiệu cho vùng miền đó.
Như vậy, đề xuất người nông dân và doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ phân bón và giống cho lần đầu trồng, doanh nghiệp cần được cho vay lãi suất ưu đãi của Ngân sách nhà nước, cũng như có gói hỗ trợ để đào tạo nguồn nhân lực…
Thực tế trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân trồng và phát triển rừng, nhờ đó, nhiều vạt đồi trọc, khu đất trống đã được phủ xanh.
Nội dung:Hà Lan
Đồ họa: Hải An