Ấn tượng ruộng bậc thang Mù Căng Chải vừa đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt
Kiệt tác Mù Cang Chải đón nhận thành tích lớn trong không khí chào đón năm mới 2022. UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải tuyệt đẹp chính là kiệt tác kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo, là kết quả của sự chinh phục và hòa đồng với thiên nhiên.
Ngày 31/12, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với công ty Mỹ Thanh tổ chức "Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải" và chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể "Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Nhắc đến Mù Cang Chải là nhắc đến một vùng đất giàu truyền thống lịch sử; với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hữu tình; đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc; người dân thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo. Nhắc đến Mù Cang Chải là nhắc đến những triền ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp, trải rộng, trải dài khắp các quả đồi tạo nên hình ảnh thật ngoạn mục mà nên thơ.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với đời sống, tập tục của người Mông. Do thiếu những mảnh ruộng bằng phẳng để canh tác, đồng bào Mông đã tận dụng từng mảnh ruộng nhỏ được vỡ ra ở từng ngọn núi có độ cao từ 800-1.700 mét, cùng với việc thu phục thiên nhiên để sinh tồn nhưng vô tình đồng bào ở đây lại trở thành những “người nghệ sĩ” tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn.
Với địa hình đồi núi cao và đặc thù của khí hậu nên một năm đồng bào Mông ở Mù Cang Chải chỉ gieo trồng một vụ lúa duy nhất, tháng 5- 6 là thời gian đắp đập be bờ, lấy nước vào ruộng từ những cơn mưa đầu mùa hạ hoặc những con suối đầu nguồn để phục vụ cho việc cày ải, gieo mạ, cấy lúa (mùa nước đổ), tháng 9-10 là vào vụ thu hoạch (mùa lúa chín). Chính vì thế, mùa nước đổ và mùa lúa chín là thời gian đẹp nhất ở đây.
Mù Cang Chải vào mùa nước đổ (tháng 5 - 6) có một vẻ đẹp thuần chất mà quyến rũ không kém mùa thu sang. Mùa nước đổ, ruộng bậc thang mang vẻ đẹp hoang sơ, bình dị với gam màu trầm chủ đạo, đúng chất của miền sơn cước vùng Tây Bắc.
Mù Cang Chải lúc này được pha trộn bởi màu nâu của đất hòa quyện cùng mây trắng, trời xanh và mặt nước lấp lánh, phán chiếu lên nhiều cung bậc của ánh sáng.
Vào mùa thu (tháng 9, tháng 10) hằng năm, đến hẹn lại lên hàng đoàn du khách lại rủ nhau về đây để chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang như những “nấc thang vàng” lấp lánh. Đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng đang vào mùa lúa chín được xếp thành từng tầng, từng lớp trải rộng khắp các quả đồi, lớp nọ lại nối với lớp kia như đang vươn cao lên trời.
Mỗi thửa ruộng được gieo cấy vào một thời điểm khác nhau lại tạo nên một mầu sắc khác nhau, có nơi sóng sánh ánh vàng, có nơi thửa xanh thửa vàng.
Cứ thế, những cánh đồng đầy sắc mầu ở Mù Cang Chải trải dài trên những triền núi hùng vĩ, khoảnh khắc ấy đẹp như bức tranh mùa thu khổng lồ, chiếm trọn trái tim của những du khách may mắn được một lần chiêm ngưỡng.
Nếu ban ngày, những thửa ruộng bậc thang lung linh như dát vàng dưới ánh mặt trời thì về đêm lại huyền bí dưới mầu bạc của ánh trăng, phủ trên từng lớp nước tạo thành những mảng sáng tối kỳ ảo, làm cho những thửa ruộng nơi đây trở thành bức tranh thủy mặc khổng lồ khó có nơi nào sánh được.
Văn hoá canh tác ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình đã biến tên Mù Cang Chải (nghĩa là làng cây khô) thành đồi ruộng tươi xanh đầy sức sống. Những thửa ruộng bậc thang lớp nọ gối lớp kia vươn cao lên trời.
Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung không chỉ là một vựa lúa, một một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn trở thành một bản anh hùng ca về sức mạnh đoàn kết, là tinh thần dân tộc và sự sáng tạo độc đáo của những người con vùng cao trong quá trình cải tạo thiên nhiên, phục vụ cuộc sống từ bao đời nay.
Nguyễn Linh (T/h)