ADB tài trợ 116 triệu USD phát triển dự án điện gió ở Việt Nam
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD để phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam. Dự án sẽ làm tăng công suất điện gió của Việt Nam thêm 30%, giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang gia tăng nhanh chóng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký kết một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD với Công ty Cổ phần Điện gió Liên Lập (Liên Lập), Công ty Cổ phần Điện gió Phong Huy (Phong Huy) và Công ty Cổ phần Điện gió Phong Nguyên (Phong Nguyên) để xây dựng và vận hành ba trang trại điện gió công suất 48MW, tổng công suất 144MW, tại tỉnh Quảng Trị.
Dự án này sẽ làm tăng công suất điện gió của Việt Nam thêm 30%, giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang gia tăng nhanh chóng.
Được biết, Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần xây lắp điện 1 (PCC1) và Công ty Phát triển kinh doanh toàn cầu RENOVA.
Khoản vay này là một phần của gói tài trợ khoản vay xanh cho dự án trị giá 173 triệu USD mà ADB thu xếp và hợp vốn với vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính. Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam, được chứng nhận bởi Sáng kiến trái phiếu khí hậu, đơn vị quản lý Chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận trái phiếu khí hậu quốc tế. Gói tài trợ gồm 35 triệu USD do ADB cấp vốn trực tiếp và 81 triệu USD khoản vay hợp vốn loại B.
ADB đã huy động được nguồn tài trợ dài hạn từ các ngân hàng thương mại và các thể chế tài trợ phát triển khác, vốn không có sẵn ở trong nước. Điều này được thực hiện thông qua sự kết hợp các khoản vay loại B và khoản vay song song. Các bên cho vay song song gồm Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Cơ quan Tài trợ xuất khẩu Australia. Các bên tham gia khoản vay B bao gồm Ngân hàng Trung Quốc (Hong Kong) hữu hạn; Ngân hàng Trung Quốc hữu hạn chi nhánh Ma Cao; Société Générale, chi nhánh Singapore và Triodos Groenfonds N.V.
Dự án sẽ tạo ra điện năng trung bình 422 GWh và tránh phát thải trung bình 162.430 tấn khí CO2 mỗi năm. Mặt khác, một kế hoạch hành động giới trong khuôn khổ dự án sẽ giúp phụ nữ ở cộng đồng địa phương được tiếp cận hoạt động tập huấn về vận hành và quản lý điện gió.
Trước đó, IFC, thành viên của nhóm ngân hàng thế giới, cũng đã công bố sẽ tài trợ 2 dự án điện gió tại miền Trung Việt Nam với gói tài trợ trị giá 57 triệu USD cho Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW), công ty con của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE).
Gói tài trợ này dành cho việc xây dựng hai nhà máy điện gió trên bờ - Phú Lạc 2 ở tỉnh Bình Thuận và Lợi Hải 2 ở tỉnh Ninh Thuận - với tổng công suất 54,2 megawatt. Khi bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021, 2 nhà máy sẽ sản xuất khoảng 170 triệu kWh năng lượng sạch mỗi năm.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ cần tăng gấp đôi công suất lắp đặt vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng. Công suất năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời mái nhà, dự kiến tăng khoảng 19GW lên trên 36GW trong thập kỷ tới, với chi phí ước tính khoảng 20 tỉ USD, phần lớn sẽ do khu vực tư nhân tài trợ.
ADB sẽ dừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện
ADB thường cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở các quốc gia nghèo nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong văn kiện vừa công bố, ADB cho biết chính sách này của ngân hàng "không còn phù hợp" với quan điểm chung của toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngân hàng có trụ sở ở Manila (Philippines) nêu rõ than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận năng lượng phục vụ phát triển kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng chưa giải quyết được thách thức về tiếp cận năng lượng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch còn gây hại cho môi trường và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.
Do đó, ADB cho biết sẽ dừng tài trợ cho tất cả các hoạt động thăm dò, khai thác than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Minh Phương