99% nhà máy điện than mới tại Việt Nam không có lợi nhuận (?)
“Diễn đàn của các nhà quản trị” có bài viết với tựa đề: “99% nhà máy điện than mới tại Việt Nam không có lợi nhuận”. Trước sự quan tâm của dư luận xã hội về nội dung bài báo nêu, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin trao đổi một số vấn đề sau.
Trước hết là về thông tin: “5 quốc gia châu Á với kế hoạch xây dựng 80% số nhà máy điện than mới trên thế giới đang đe dọa các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris dù nguồn năng lượng tái tạo ít tốn kém hơn vẫn luôn sẵn có, theo nhận định từ báo cáo mới nhất công bố bởi Carbon Tracker.
Theo đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch xây dựng hơn 600 nhà máy mới với tổng công suất hơn 300 GW”. (Hết trích dẫn)
“Thế giới đang từ bỏ than, trong đó có cả Trung Quốc” - Đây là là thông tin hoàn toàn không đúng sự thật. Thế giới nói chung và nhiều nước nói riêng, kể cả Nhật Bản (là quốc gia chủ yếu nhập khẩu than cho phát điện) vẫn đang phát triển nhiệt điện than.
Cụ thể là với số liệu về kế hoạch xây dựng mới nêu trên, chí ít 750 nhà máy nhiệt điện than mới với tổng công suất khoảng 375 GW (375.000 MW) sẽ được xây dựng trên toàn cầu. Riêng 5 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam hơn 600 nhà máy mới (chiếm 80%) với tổng công suất hơn 300 GW.
Mặc dù như bài báo nêu: “Ngoài các dự án điện than mới, năm quốc gia châu Á trên cũng vận hành gần 3/4 số nhà máy điện than toàn cầu hiện tại, với 55% ở Trung Quốc và 12% ở Ấn Độ” và “Kế hoạch này được phát triển giữa bối cảnh Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi huỷ bỏ các dự án mới, cho rằng việc loại bỏ dần than khỏi ngành điện lực là “bước đi quan trọng nhất” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Phải nói rằng, trên thế giới có nhiều nước rời bỏ than, nhưng ngược lại cũng có nhiều nước tiếp tục sử dụng và mở rộng/tăng cường sử dụng than. Việc rời bỏ than, hay tiếp tục sử dụng than tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm của mỗi nước, hay nhóm nước, song xu hướng tiếp tục vẫn lớn hơn nên nhu cầu than toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng như thể hiện qua chính thông tin nêu trên.
Tiếp theo về thông tin: “Việt Nam có gần 24 GW công suất điện than mới đang được xây dựng hoặc trong quy hoạch, trong đó 99% các dự án được Carbon Tracker đánh giá không khả thi trong điều kiện kinh doanh bình thường. Chúng tôi biết rằng các dự án điện than mới có thể được tiếp tục, ngay cả khi tính kinh tế không tăng lên vì các lý do phi tài chính - điều nằm ngoài phạm vi phân tích của chúng tôi”, báo cáo viết. Tổ chức tài chính này nhận định: “Năng lượng tái tạo mới sẽ cạnh tranh với các tổ máy điện than hiện có ở Việt Nam vào năm 2022” và nêu rằng: “Theo tính toán từ tổ chức tài chính Carbon Tracker, các nhà máy điện than mới đang trong kế hoạch xây dựng tại Việt Nam có thể gây lãng phí tới 25 tỉ USD”. (Hết trích dẫn).
Theo chúng tôi, ý kiến đánh giá nêu trên mang tính chủ quan của Carbon Tracker, vì tổ chức này không nêu rõ “điều kiện kinh doanh bình thường”, “phạm vi phân tích của chúng tôi”, “năng lượng tái tạo mới sẽ cạnh tranh với các tổ máy điện than hiện có ở Việt Nam vào năm 2022” là như thế nào?
Câu hỏi đặt ra là: Trong bối cảnh hệ thống điện của Việt Nam hiện nay và đến năm 2025, thậm chí đến 2030 liệu “gần 24 GW công suất điện than mới đang được xây dựng hoặc trong quy hoạch” có thể thay thế bằng năng lượng tái tạo không? Có thể tránh “gây lãng phí tới 25 tỉ USD” được không?
Vì rằng, bài báo chỉ đề cập đến điện than, năng lượng tái tạo rồi so sánh giữa chúng với nhau, và trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam năng lượng tái tạo đang nói đến chủ yếu ám chỉ điện gió, điện mặt trời.
Theo đó, để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi lần lượt làm rõ từng vấn đề như sau:
Thứ nhất: Để thay thế 24 GW công suất điện than, thiển nghĩ cần chí ít 60 GW công suất điện gió, điện mặt trời (giả định mỗi loại ½). Đó mới chỉ là về tổng sản lượng điện có thể phát ra chứ chưa xét đến sự ổn định, liên tục, an toàn trong việc cung cấp điện và sự an toàn, ổn định, tin cậy của hệ thống điện, cũng như chất lượng điện năng.
Chưa kể trong tình trạng hiện nay của hệ thống điện Việt Nam việc đưa thêm 60 GW công suất điện gió, điện mặt trời vào trước năm 2030 để thay cho 24 GW công suất điện than có thể nói là điều không tưởng về mặt kỹ thuật và hạ tầng điện.
Thứ hai: 24 GW công suất điện than có thể độc lập hoạt động đảm bảo cung cấp sản lượng điện ổn định, liên tục, an toàn, chất lượng, còn 60 GW công suất điện gió, điện mặt trời tự một mình không thể đảm bảo được điều đó, bởi có lúc tắt nắng, lặng gió và luôn biến động.
Như vậy, trong trường hợp điện gió, điện mặt trời phải có nguồn điện ổn định khác dự phòng kèm theo với tổng công suất ước tính sơ bộ chí ít là 12 GW và đó có thể chỉ là điện than, điện khí (tức là bằng ½ tổng công suất điện than mới cần xây dựng nêu trên), còn điện hạt nhân của chúng ta đã tạm dừng.
Ngoài ra, đối với điện năng lượng tái tạo còn phải giải quyết vấn đề nối lưới và vận hành lưới đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện, cũng như chất lượng điện năng.
Có thể nói, trong điều kiện hiện nay của hệ thống điện Việt Nam chỉ riêng về mặt kỹ thuật, việc thay thế 24 GW công suất điện than bằng điện gió, điện mặt trời đã là không khả thi, chưa kể về tính kinh tế như sẽ phân tích dưới đây.
Về thông tin: “Báo cáo cảnh báo rằng 92% các dự án này (tức số nhà máy điện than mới trên thế giới nêu trên) sẽ không mang lại lợi ích kinh tế (uneconomic), cho dù vẫn hoạt động bình thường, và có thể gây lãng phí tới 150 tỉ USD. Người tiêu dùng và người đóng thuế cuối cùng sẽ phải chi trả nhiều tiền bởi các nước này sẽ hỗ trợ điện than, hoặc tạo một thị trường, thỏa thuận mua bán điện thuận lợi cũng như các hình thức chính sách hỗ trợ khác”. “Trung Quốc là nước sản xuất điện than lớn nhất thế giới với công suất hoạt động là 1.100 GW và 187 GW đang được triển khai, trong đó 100% dự án mới được đánh giá không khả thi trên khía cạnh kinh tế”. “Báo cáo cảnh báo rằng khoảng 27% công suất điện than hiện tại đã không thể sinh lãi và 30% còn lại gần hòa vốn, với mức lợi nhuận trên danh nghĩa tạo ra không quá 5 USD/MWh. Nếu thế giới đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris, số tài sản mắc kẹt sinh ra từ chi phí vận hành các nhà máy điện than trên toàn thế giới sẽ là 220 tỉ USD”. “Đến năm 2024, năng lượng tái tạo sẽ ít tốn kém hơn điện than ở mọi khu vực lớn và đến năm 2026, gần như 100% các nhà máy điện than sẽ có chi phí vận hành đắt đỏ so với việc xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo mới”. (Hết trích dẫn).
Tóm lại, thông tin trên khẳng định rằng: Theo tính toán của tổ chức tài chính Carbon Tracker thì “điện năng lượng tái tạo rẻ hơn điện than”.
Về thông tin này, có thể nhận xét như sau:
(1) Không nêu rõ kết quả tính toán giá thành điện than và giá thành điện năng lượng tái tạo (cụ thể là điện gió, điện mặt trời) để so sánh chúng với nhau.
(2) Yếu tố duy nhất mà Carbon Tracker biện hộ cho điện năng lượng tái tạo rẻ hơn điện than là chi phí phát thải CO2 theo tính toán của họ với mục đích “dìm hàng” đã đặt ra trước.
(3) Đối với trường hợp điện gió, điện mặt trời: Có thể nói chi phí thực tế của chúng cao hơn nhiều so với chi phí công bố của các hãng, kể cả theo tính toán của Carbon Tracker, mặc dù không nêu ra cụ thể. Yêu cầu hợp lý về nguồn dự phòng cho tất cả các dạng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) không ổn định và các hệ quả đi kèm với nó cần được xem xét khi chi phí của chúng được so sánh với chi phí điện năng lượng hóa thạch, hoặc điện hạt nhân. Tuy nhiên, hầu như tất cả các so sánh chi phí được công bố đều sử dụng cái gọi là “thước đo chi phí điện quy dẫn” (LCOE), chỉ tính đến các chi phí đầu tư, vận hành và chi phí nhiên liệu.
Chi phí thực sự của điện mặt trời và điện gió phải bao gồm 2 nhóm: Nhóm chi phí trực tiếp để sản xuất ra điện và nhóm chi phí gián tiếp để khắc phục những nhược điểm của hai nguồn điện này nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định và chất lượng. Bao gồm các chi phí sau:
Thứ nhất: Chi phí dự phòng (chi phí sổ sách): Chi phí này liên quan đến độ lệch “thời gian” giữa sản xuất điện và tiêu dùng điện (bao gồm chi phí của pin, tổn thất trong việc sử dụng điện năng thông thường, v.v...).
Thứ hai: Chi phí kết nối: Chi phí bắt nguồn từ độ lệch “không gian” giữa việc tạo ra điện năng lượng tái tạo biến đổi (không ổn định) và nhu cầu điện năng, bao gồm chi phí quản lý lưới điện/kết nối lưới và chi phí cân bằng phụ tải.
Thứ ba: Chi phí vật liệu và năng lượng: Chi phí năng lượng và vật liệu để xây dựng công suất điện mặt trời, điện gió.
Thứ tư: Tổn thất công suất hiệu dụng: Chi phí liên quan đến tổn thất do sử dụng không hết nguồn điện dự phòng thông thường.
Thứ năm: Chi phí không gian: Chi phí liên quan đến không gian cần thiết cho điện gió, điện mặt trời (có mật độ năng lượng quá thấp), đất trồng trọt, rừng, đời sống của chim và động vật, thay đổi gió, khí hậu địa phương và ô nhiễm tiếng ồn, v.v...
Khi tính đủ các chi phí nêu trên thì giá thành điện mặt trời, điện gió chắc chắn cao hơn nhiều so với chi phí điện quy dẫn (LCOE) của chúng, chỉ tính đến các chi phí đầu tư, vận hành và chi phí nhiên liệu.
Thiết nghĩ rằng, trên thế giới này không thể có một nước nào ngây thơ đến mức bỏ điện năng lượng tái tạo (giá rẻ) để chọn điện than (giá đắt hơn), theo đó bắt nền kinh tế và dân phải trả giá điện cao thay vì lẽ ra có giá điện thấp hơn, điều đó vừa ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vừa làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Như chúng ta đều biết, Việt Nam cũng đang đặt ra các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo rất “tham vọng” và đưa các ràng buộc kỹ thuật - môi trường cao đối với nhiệt điện than đã được cam kết của Chính phủ cho phép xây dựng từ Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Nhưng hơn ai hết, mỗi quốc gia tự biết rõ “túi tiền” của mình và “chi tiêu” tài nguyên của mình ra sao cho ích nước, lợi dân... chứ không cần các trích dẫn “mơ hồ” theo kiểu “phong trào”.
PGS.TS NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM