Thứ ba, 07/05/2024 14:12 (GMT+7)
Thứ hai, 04/03/2024 16:50 (GMT+7)

74 loài cá trên sông Mê Kông đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

Theo dõi KTMT trên

Trong báo cáo mới đây của WWF phối hợp cùng 25 nhóm bảo tồn thiên nhiên và thủy sinh toàn cầu cho biết, khoảng 19% trong số các loài cá ở sông Mê Kông đang có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, khai thác không bền vững. 

Báo cáo “Những loài cá bị lãng quên của sông Mê Kông” công bố ngày 4/3, nêu rõ các loài cá trên sông Mê Kông đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa, bao gồm mất môi trường sống, chuyển đổi vùng đất ngập nước sang nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, khai thác cát không bền vững, du nhập các loài xâm lấn, biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và các đập thủy điện chia cắt dòng chảy của sông và các nhánh sông. 

Nhà sinh vật học Zeb Hogan, người đứng đầu nhóm bảo tồn Wonders of the Mê Kông cho biết mối đe dọa lớn nhất hiện nay và vẫn đang có xu hướng gia tăng là phát triển thủy điện. Các con đập đã làm  thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông, thay đổi chất lượng nước và ngăn chặn sự di cư của cá.

Reuters đưa tin vào năm 2022, các đập thủy điện do một số quốc gia xây dựng ở thượng nguồn đã chặn phần lớn trầm tích cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho hàng chục nghìn trang trại ở Đồng bằng sông Cửu Long.  

Các nhà bảo tồn cho hay, khoảng 19% trong số 1.148 loài cá ở sông Mê Kông đang có nguy cơ tuyệt chủng. Không những thế con số này có thể cao hơn vì có quá ít thông tin về 38% số loài được biết đến. 

Đặc biệt trong số loài cá trên có tới 18 loài được Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đưa vào danh sách “cực kỳ nguy cấp,” gồm cá chép lớn nhất thế giới, 2 loài cá da trơn lớn nhất thế giới và cá đuối nước ngọt khổng lồ.

74 loài cá trên sông Mê Kông đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng - Ảnh 1
Khoảng 19% trong số các loài cá ở sông Mê Kông đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra sự suy giảm cá ở sông Mê Kông chiếm hơn 15% sản lượng đánh bắt nội địa của thế giới, tạo ra hơn 11 tỷ USD hàng năm - có thể gây tổn hại đến an ninh lương thực cho ít nhất 40 triệu người ở lưu vực hạ lưu sông Mê Kông vốn có sinh kế phụ thuộc vào dòng sông.

Việc một số loài cá biến mất còn làm trầm trọng thêm nạn phá rừng trong khu vực khi hàng triệu người trước đây từng sống dựa vào dòng sông giờ phải chuyển sang làm ruộng.

Báo cáo kêu gọi các quốc gia các quốc gia Mê Kông bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái của dòng sông, đồng thời cam kết thực hiện Thử thách Nước ngọt (Freshwater Challenge - FWC) - một sáng kiến nhằm hỗ trợ, tích hợp và đẩy nhanh việc khôi phục 300.000 km sông bị suy thoái và 350 triệu ha vùng đất ngập nước bị suy thoái vào năm 2030, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt nguyên vẹn. 

Đồng thời cải thiện chất lượng nước, tăng dòng chảy tự nhiên của sông, bảo vệ môi trường sống và các loài quan trọng. Đây cũng là một trong sáu trụ cột được khuyến nghị giúp bảo tồn sông Mê Kông.

Lan Mercado, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của WWF nhận định: “Sự suy giảm đáng báo động về quần thể cá ở sông Mê Kông là lời cảnh tỉnh khẩn cấp để hành động… Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để đảo ngược xu hướng nguy hại này vì cộng đồng và các quốc gia sông Mê Kông sẽ phải chịu tổn thất rất lớn”. 

Tại Việt Nam, theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là đối với vùng duyên hải. Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống, hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả.

Kim Ngân

Bạn đang đọc bài viết 74 loài cá trên sông Mê Kông đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới