Thứ bảy, 27/04/2024 18:37 (GMT+7)
Thứ hai, 22/01/2024 06:54 (GMT+7)

Sự tuyệt chủng là gì? Con người có phải là nguyên nhân tuyệt chung của các loài trên Trái đất?

Theo dõi KTMT trên

Mỗi loài động vật đều có vị trí và vai trò nhất định trong tự nhiên và một khi đã tuyệt chủng sẽ không thể “hồi sinh” được. Đó chính là lý do vì sao ta cần quan tâm đến các động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Sự tuyệt chủng là gì?

"Một loài bị coi là tuyệt chủng khi không còn một cá thể nào của loài đó còn sống sót tại bất kỳ nơi nào trên thế giới".

Nếu như một số cá thể của loài còn sót lại chỉ nhờ vào sự kiểm soát, chăm sóc, nuôi dưỡng của con người, thì loài này được gọi là đã bị tuyệt chủng trong thiên nhiên hoang dã. Nhiều loài đã bị tuyệt chủng trong thiên nhiên hoang dã nhưng vẫn sống bình thường trong điều kiện nuôi nhốt. Do đó hình thành hai khái niệm: Tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và tuyệt chủng cục bộ. Một số nhà sinh học sử dụng thuật ngữ loài bị tuyệt chủng về phương diện sinh thái học, điều đó có nghĩa là số lượng loài còn lại ít đến nỗi tác động của chúng không có chút ý nghĩa nào đối với các loài khác trong quần xã. Ví dụ, loài hổ hiện nay bị tuyệt chủng về phương diện sinh thái học, có nghĩa là số hổ hiện còn trong thiên nhiên rất ít, tác động của chúng đến quần thể động vật mồi là không đáng kể.

Khi quần thể của loài có số lượng cá thể dưới mức báo động, nhiều khả năng loài sẽ bị tuyệt chủng. Đối với một số quần thể trong tự nhiên, một vài cá thể vẫn còn có thể sống sót dai dẳng vài năm, vài chục năm, có thể vẫn sinh sản nhưng số phận cuối cùng vẫn là sự tuyệt chủng (nếu không có sự can thiệp của công nghệ sinh học). Để bảo tồn một loài nào đó trước hết phải tìm được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tuyệt chủng, phải xác định được con người đã làm gì ảnh hưởng đến sự ổn định quần thể của loài và làm cho loài bị tuyệt chủng.

Con người có gây ra sự tuyệt chủng của các loài trên Trái đất không?

Hoạt động đầu tiên của con người gây nên sự tuyệt chủng là việc tiêu diệt các loài thú lớn tại châu Úc, Bắc và Nam Mỹ cách đây hàng ngàn năm khi bắt đầu chế độ thực dân tại những châu lục này. Trong một thời gian rất ngắn, sau khi con người khai phá những vùng đất này đã có từ 74% đến 86% các loài động vật lớn (có trọng lượng cơ thể trên 44 kg) ở đây bị tuyệt chủng mà một trong những nguyên nhân trực tiếp là do việc săn bắt và gián tiếp do việc đốt, phá rừng.

Sự tuyệt chủng của các loài chim, thú được nghiên cứu nhiều và dễ nhận biết. 99% sự tuyệt chủng của các loài khác trên thế giới hiện nay chỉ là những dự báo sơ bộ. Mặc dù vậy ngay cả với các loài thú và chim, những số liệu về sự tuyệt chủng cũng không có những con số chính xác, một số loài đã được xem là tuyệt chủng vẫn được phát hiện lại, và một số loài tưởng như vẫn còn tồn tại thì rất có thể đã bị tuyệt chủng.

Sự tuyệt chủng là gì? Con người có phải là nguyên nhân tuyệt chung của các loài trên Trái đất? - Ảnh 1
Con người đã làm cho tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài. 

Theo thống kê khoảng 85 loài thú và 113 loài chim đã bị tuyệt chủng từ năm 1600, tương ứng 2,1% các loài thú và 1,3% các loài chim. Tốc độ tuyệt chủng đối với các loài thú và chim là khoảng 1 loài trong 10 năm tại thời điểm từ 1600-1700, nhưng tốc độ này tăng dần lên đến 1 loài/năm vào thời gian từ 1850-1950. Rất nhiều loài về nguyên tắc vẫn chưa bị tuyệt chủng nhưng đang tiếp tục là đối tượng săn bắt của con người và chỉ còn tồn tại với một số lượng rất ít như tê giác, hổ... ở Việt Nam. Những loài này có thể coi như đã bị tuyệt chủng về phương diện sinh thái học vì số lượng của chúng ít đến nỗi không đóng vai trò gì trong cơ cấu quần xã. Nguy cơ đối với các loài cá nước ngọt và động vật thân mềm cũng đáng lo ngại. Các loài thực vật cũng bị đe dọa, nhóm thực vật hạt trần và cọ là những nhóm đặc biệt dễ bị tuyệt chủng. Sự tuyệt chủng đáng ra chỉ là một quá trình tự nhiên, nhưng 99% số loài bị tuyệt chủng chủ yếu do con người gây ra.

Trong lịch sử các thời kỳ địa lý trước đây đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự tiến hóa hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy vậy, những hoạt động của con người đã làm cho tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài. Sự mất mát các loài xảy ra như trong thời gian hiện nay đã không theo bất kỳ một quy luật nào và hậu quả trong tương lai là khôn lường và không thể nào cứu vãn nổi.

Vì sao trong tự nhiên có nhiều loài sinh vật mà vẫn phải quan tâm đến các loài sắp bị tuyệt chủng?

Theo thống kê từ đầu thế kỷ XX, mỗi năm có một loài sinh vật bị tuyệt chủng. Trong những năm của thập kỷ 80, mỗi giờ có một loài sinh vật bị biến mất. Dự đoán trong thế kỷ tới, sẽ có khoảng 50 vạn đến một triệu loài sinh vật không còn có mặt trên Trái đất . Rõ ràng là sự tuyệt chủng của các loài sinh vật đang gia tăng. Trên thế giới, đã có những Công ước quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ. Ở Trung Quốc, cách đây không lâu có người đã từng bị lĩnh án tử hình chỉ vì giết gấu mèo.

Tại sao con người lại phải quan tâm nhiều đến các loài động thực vật sắp bị tuyệt chủng như vậy?

Mỗi loài động thực vật đều là sản phẩm của một quá trình tiến hoá rất lâu dài. Trong quá trình đó, mỗi loài đã tự tích luỹ cho riêng mình những gien chống chịu với bệnh tật, với sự thay đổi khí hậu và các điều kiện sống khác. Do đó các sinh vật hoang dại đều khoẻ mạnh, khó bị bệnh tật tiêu diệt và có khả năng thích nghi cao. Đó là những ngân hàng gien sống quý hiếm. Điều kiện sống thay đổi liên tục, nếu để mất đi bất cứ loài nào, thì thiên nhiên sẽ không bao giờ có thể tái tạo lại được kiểu gen riêng của loài đó.

Mỗi sinh vật có một vai trò nhất định trong hệ sinh thái, là một mắt xích khép kín chu trình tuần hoàn vật chất của hệ. Hệ càng có nhiều loài, càng đa dạng thì càng bền vững. Mất đi một loài là giảm tính đa dạng sinh học của cả hệ. Làm cho đời sau không còn được chiêm ngưỡng chúng sống động nữa. Mỗi sinh vật ẩn chứa trong mình rất nhiều bí ẩn mà đời nay chưa thể khám phá ra hết được. Làm mất đi một loài, là chúng ta làm cho đời sau mất đi một đối tượng để nghiên cứu, mất đi một hình mẫu lý tưởng để mô phỏng theo.

Tóm lại, mỗi loài đều có vị trí và vai trò nhất định trong tự nhiên mà loài khác không thể thay thế được. Chính vì thế mà con người cần đặc biệt quan tâm tới các loài sắp bị tuyệt chủng.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Sự tuyệt chủng là gì? Con người có phải là nguyên nhân tuyệt chung của các loài trên Trái đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới