Tháng 3 sẽ là cao điểm xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào 3 tháng đầu năm 2024. Hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%.
Nguy cơ xâm nhập mặn từ tháng 1
Theo Cục Thủy lợi, tháng 3 sẽ là cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 1/2024, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-55km, so với năm 2023 cao hơn từ 5-8 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 6-13km; so với năm 2016 thấp hơn từ 1-3km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-50km trong các kỳ triều cường. Từ giữa tháng 1/2024, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 50km trở xuống.
Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu, Cục Thủy lợi, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Chính vì thế, các địa phương trong khu vực đã gieo cấy sớm cần tăng cường trữ nước phân tán, khả năng thiệt hại sẽ không có nếu không xảy ra bất thường.
Đáng chú ý các vùng có nguy cơ thiệt hại đã được gieo cấy lúa từ tháng 10, 11/2023 nên đến tháng 3/2024 (cao điểm xâm nhập mặn) cơ bản đã được thu hoạch xong. Ngoài ra người dân cũng xây dựng các ao, hồ theo quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để chủ động nước cho cây ăn trái.
Thời gian tới, Cục Thủy lợi sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn việc trữ nước cho cây ăn trái, để đảm bảo làm sao lượng nước tích trữ đảm bảo tối thiểu cho cây trồng.
Còn ở khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại, khu vực đang trong giai đoạn đầu mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 1 đạt khoảng 80% dung tích thiết kế. Nguồn nước tại các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong thời gian tới cơ bản sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024. Tuy nhiên người dân nên sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo cung cấp cho vụ Hè Thu 2024. Đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.
Chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn
Trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra ngày một phức tạp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 397/CĐ-TTg về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ban hành văn bản số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Thành lập đoàn công tác liên ngành với các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long về cơ cấu thời vụ, diện tích canh tác, giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đồng thời chủ động xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2023-2024 từ tháng 10/2023 tại các vùng ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn cao như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu,... Ngoài ra sử dụng các giống lúa ngắn ngày cho các vùng ảnh hưởng hạn, mặn.
Ban hành tài liệu hướng dẫn, đào thêm ao, hồ tán trữ nước để cưới cho các vườn cây trái. Rà soát có kế hoạch chuyển đổi nuôi trồng thủy sản tại những vùng nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Đẩy nhanh các dự cáp cấp nước sạch nông thôn, tăng khả năng chống chịu, hỗ trợ cấp nước giữa các công trình. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu, thuộc Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu phân tích, trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho biết, nước biển dâng cũng như việc sử dụng nước thượng nguồn sẽ khiến hệ sinh thái mặn lợ ngày càng tăng, còn hệ sinh thái nước ngọt từ phía tây xuống ngày càng giảm. Đó là quy luật mà xưa nay chúng ta chưa tính đến đầy đủ để thiết kế, xây dựng chủ trương, chính sách, quy hoạch cho phù hợp.
Đó cũng là quy luật mà chúng ta có thể nhìn thấy trước, bởi biến đổi khí hậu chưa dừng lại được vì cho đến khi giảm phát thải xuống bằng 0 thì đến năm 2050, biến đổi khí hậu mới bắt đầu mới giảm tác động. Vì vậy, chúng ta cần chủ động thích ứng, ứng phó mới đạt hiệu quả, góp phần làm giảm tổn thất, chi phí.
Nhật Hạ