Biến đổi khí hậu khiến nhiều loài sinh vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường (chủ yếu do các hoạt động của con người gây ra) đang tàn phá môi sinh của các loài sinh vật biển, khiến gần 10% trong số này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong báo cáo Sách Đỏ về các loài động thực vật đang bị đe dọa công bố cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường (chủ yếu do các hoạt động của con người gây ra) đang tàn phá môi sinh của các loài sinh vật biển, khiến gần 10% trong số này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, khoảng 50% nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào tự nhiên, song các nhà khoa học cảnh báo rằng con người cần khẩn trương xem xét lại mối quan hệ với thế giới tự nhiên khi mối lo ngại về kỷ nguyên đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang lớn dần.
Đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) đang diễn ra ở thành phố Montreal (Canada), trong đó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc các bên chấm dứt "sự hủy diệt" và thông qua một thỏa thuận nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất môi trường sống của các loài sinh vật.
Sau khi Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập không đạt được đột phá nào trong việc giảm quy mô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải khiến toàn cầu ấm lên, các nhà quan sát hy vọng rằng COP15 tại Montreal sẽ đem lại một thỏa thuận lịch sử để bảo vệ tự nhiên và đảo ngược những tổn hại mà con người gây ra cho các khu rừng, đầm lầy, sông nước, hàng triệu sinh vật đang sống tại những khu vực này.
Theo báo cáo trên, hơn 1.550 trong số 17.903 loài thực vật và động vật biển đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo ông Craig Hilton-Taylor - tác giả chính của báo cáo, số lượng các loài có nguy cơ tuyệt chủng nhiều khả năng còn cao hơn nhiều so với dữ liệu báo cáo hiện tại, bởi những phân tích hiện nay được thực hiện trên diện rộng, trong đó bao gồm cả những loài chưa bị đe dọa tới mạng sống. Cụ thể, số lượng bò biển đã giảm xuống dưới mức 250 con trưởng thành ở Đông Phi và chưa tới 900 con tại New Caledonia - vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Mối đe dọa mà loài động vật này phải đối mặt là mất nguồn thức ăn chính - nguồn cỏ biển - do hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Mozambique và ô nhiễm do khai thác niken ở Thái Bình Dương.
Báo cáo năm nay cũng lần đầu tiên đưa ra đánh giá đối với loài bào ngư và nhận thấy rằng khoảng 44% loài này đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng. Sóng nhiệt trên biển xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn đã khiến loài vật này chết hàng loạt do mắc bệnh và cạn kiệt nguồn thức ăn.
Ngoài ra, báo cáo năm nay cũng đưa loài san hô cứng ở Caribe vào danh sách "nguy cấp nghiêm trọng", so với mức độ đánh giá "dễ bị tổn thương" hồi năm ngoái. Hiện số lượng san hô cứng đã giảm hơn 80% so với năm 1990 do hiện tượng tẩy trắng.
Bà Amanda Vincent - Chủ tịch Ủy ban Bảo tồn biển thuộc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - cho biết: "Tình trạng nguy cấp của những loài sinh vật này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và theo đó yêu cầu chúng ta phải mau chóng đưa ra những giải pháp và hành động để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của chúng".
Theo báo cáo của Liên hợp quốc về tác động của biến đổi khí hậu trong năm nay, mục tiêu mới phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của cư dân bản địa, những người trực tiếp quản lý các vùng đất hiện đang là nơi sinh sống của 80% sinh vật còn lại trên Trái Đất.
Một số mục tiêu khác trong thỏa thuận bao gồm việc loại bỏ hoặc chuyển hướng sử dụng hàng trăm triệu USD trong các khoản trợ cấp của chính phủ, thúc đẩy trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giải quyết vấn đề các loài xâm lấn và tái trồng rừng.
Tháng 2 vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo mang tính bước ngoặt, nêu chi tiết tác động đang gia tăng của tình trạng Trái Đất nóng lên. Kể từ đó, hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan cho thấy những nguy cơ ngày càng hiện hữu do biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trung bình toàn cầu mới chỉ tăng thêm 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Hội nghị COP15 vòng 2 về đa dạng sinh học dự kiến quy tụ đại diện của hàng chục quốc gia trên thế giới, được kỳ vọng sẽ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 nhằm bảo vệ bảo vệ các loài động, thực vật trước nguy cơ bị tuyệt chủng hàng loạt.
Trước đó, COP15 vòng 1 được tổ chức vào năm ngoái tại Côn Minh, Trung Quốc. Theo giới phân tích, các bên tham gia COP15 đến nay mới chỉ nhất trí được về 2 trong số 22 mục tiêu trong khuôn khổ đa dạng sinh học này.
Lan Anh