5 tháng lợi nhuận VPbank đạt 5.100 tỉ đồng, không chia cổ tức năm nay
Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ngày 29/5 đã thông qua kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025.
Lãnh đạo VPBank cho biết nếu tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh thì lợi nhuận dự kiến sẽ cao hơn 10-12% kế hoạch. |
Lợi nhuận 6 tháng có thể vượt 6.000 tỉ đồng
Báo cáo với cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, năm 2019 là lần đầu tiên VPBank vượt mốc lợi nhuận 10.000 tỉ đồng.
Đầu năm nay, ngân hàng đặt kế hoạch tham vọng với lợi nhuận trước thuế là 13.500-14.000 tỉ đồng, tăng 29% so với năm trước nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phải điều chỉnh kế hoạch. Cụ thể: chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỉ đồng, giảm 1,1%. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ dự kiến tăng trưởng 15%, riêng lợi nhuận của FE Credit sẽ điều chỉnh giảm nhẹ.
Về tổng tài sản hợp nhất, VPbank vẫn giữ mức tăng trưởng 12,7% lên mức dự kiến 425.132 tỉ đồng; tăng trưởng tín dụng đạt 12,3%; huy động vốn tăng 10,4%...
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, lợi nhuận năm nay dự kiến giảm 1,1% so với năm ngoái có thể sẽ khiến cổ đông buồn nhưng điều quan trọng nhất lúc nay là đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn. Nếu tình hình diễn biến tích cực hơn, ban lãnh đạo sẽ quyết tâm đạt được kết quả cao hơn, nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh thì lợi nhuận dự kiến sẽ cao hơn 10-12% so với mục tiêu lợi nhuận trình ĐHCĐ. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để mang lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông”, ông Vinh nói.
Cập nhật kết quả kinh doanh, lợi nhuận quý 1 đã đạt hơn 2.900 tỉ đồng, và đến cuối tháng 4/2020 đã đạt xấp xỉ 4.000 tỉ đồng. Tại thời điểm ĐHCĐ, lợi nhuận ngân hàng đã vượt 5.100 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch cả năm. Lãnh đạo VPbank dự kiến lợi nhuận sẽ đạt 6.000 tỉ đồng vào cuối tháng 6/2020.
Năm 2019 vừa qua, không chỉ lợi nhuận tăng trưởng cao mà hoạt động tái cấu trúc VPbank cũng đạt nhiều thành công như: tỉ lệ chi phí hoạt động trên tổng doanh thu chỉ còn 33,9%, giải quyết dứt điểm nợ xấu tại VAMC; là một trong 4 ngân hàng đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột Basel II…
Không chia cổ tức, tạm gác thoái vốn FE Credit
Trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng tới kinh doanh, HĐQT VPbank đã trình lên ĐHCĐ giữ lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối hơn 7.000 tỉ đồng để tăng vốn chủ sở hữu. Đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu đã vượt 42.000 tỉ đồng, trong khoảng Top 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường.
VPbank giữ lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối hơn 7.000 tỉ đồng để tăng vốn chủ sở hữu. |
Lãnh đạo VPbank giải thích, việc giữ lại lợi nhuận để phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, bởi tăng quy mô và duy trì tăng trưởng là rất quan trọng. Ngân hàng cũng phải đảm bảo các chỉ số an toàn. Trong nhiều năm qua, ngân hàng đã chia cổ tức, thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ lớn.
Tại đại hội, HĐQT VPBank cũng trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) năm 2020 với khối lượng 17 triệu cổ phiếu, giá bán dự kiến là 10.000 đồng/CP. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng với mức giải tỏa tối đa là 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm.
Ngoài ra, HĐQT VPBank cũng kiến nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT linh hoạt mua lại cổ phiếu quỹ tùy theo diễn biến thị trường.
Về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hiện trên 20%), HĐQT đề xuất, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bán bớt cổ phiếu đến đâu, ngân hàng sẽ giảm “room” đến đó, dự kiến giảm xuống 15% để giành cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài khác.
Theo lãnh đạo ngân hàng, do dịch Covid-19 vừa qua, có đối tác ngoại đã bán cổ phiếu trên sàn nên HĐQT nhận thấy đây là cơ hội để tạo dư địa sở hữu cho các nhà đầu tư ngoại khác.
Chia sẻ về kế hoạch thoái vốn tại Công ty tài chính FE Credit, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPbank cho biết: “trong năm qua ngân hàng cũng đã làm việc với một vài đối tác để chuyển nhượng bớt cổ phần của FE Credit. Tuy nhiên, do một vài yếu tố trong đó có dịch bệnh Covid-19 nên việc đàm phán đang tạm dừng, dù cũng đã có những tín hiệu tích cực”. Dù vậy, ông Dũng nhấn mạnh “FE Credit hiện là ứng viên rất hấp dẫn trong ngành tín dụng tiêu dùng”.
ĐHCĐ năm 2020 đã bầu các thành viên HĐQT gồm: ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch), ông Bùi Hải Quân (Phó chủ tịch), ông Lô Bằng Giang (Phó chủ tịch), ông Nguyễn Đức Vinh (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) và một thành viên HĐQT độc lập là ông Nguyễn Văn Phúc.
Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2020 – 2025 của ngân hàng gồm: bà Nguyễn Thị Mai Trinh, Trịnh Thị Thanh Hằng, Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao.
Hải Hà