Thứ năm, 25/04/2024 02:43 (GMT+7)
Thứ năm, 09/12/2021 19:00 (GMT+7)

100 thành phố Ấn Độ sẽ được Liên Hợp Quốc xử lý rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Ở nhiều thị trấn và thành phố của Ấn Độ, bị xếp vào hàng ô nhiễm nhất thế giới. Nguồn cơn của vấn đề ô nhiễm là do không có sự quản lý đối với chất thải nhựa. Liên Hợp Quốc sẽ cùng quốc gia này xử lý những núi rác thải nhựa.

Ấn Độ đau đầu vì núi rác thải nhựa

Cục Kiểm soát ô nhiễm trung ương ước tính mỗi ngày có khoảng 26.000 tấn rác thải nhựa ở Ấn Độ, khiến các bãi rác ngày càng quá tải. Đáng chú ý là phân nửa số này bị đốt, không được phân loại hoặc đổ thẳng ra môi trường tự nhiên bao gồm biển và sông ngòi. Hồi tháng 6.2018, Thủ tướng Narendra Modi từng cam kết sẽ loại trừ sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2022, theo tờ The Economic Times.

Đến nay, các chuyên gia đánh giá chính phủ khó có thể đạt được mục tiêu trên giữa lúc những núi rác trộn lẫn rác thải nhựa cùng những thứ khó phân hủy khác vẫn “sừng sững” ở nhiều nơi. Chẳng hạn, giới hữu trách cảnh báo chỉ vài tháng nữa bãi rác Ghazipur ở phía đông thủ đô New Delhi sẽ cao hơn ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal với chiều cao 73 m, theo AFP. Dù vậy, hàng trăm xe rác vẫn ra vào địa điểm này mỗi ngày do không thể tìm được giải pháp thay thế.

100 thành phố Ấn Độ sẽ được Liên Hợp Quốc xử lý rác thải nhựa - Ảnh 1
Ấn Độ đau đầu vì rác thải nhựa. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, luôn có đông đảo người lao động nghèo bất chấp nguy hiểm lùng sục các bãi rác để tìm những thứ có thể bán cho xưởng tái chế nhựa. “Sự hiện diện của họ là vừa cứu tinh vừa là thách thức. Họ phần nào giúp lấy nhựa khỏi bãi rác. Tuy nhiên, chính phủ chưa quản lý nghiêm ngặt nên nhiều cơ sở tái chế nhỏ lẻ mọc lên, sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn lại gây ô nhiễm không khí và sản phẩm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng”, AFP dẫn lời chuyên gia Priti Mahesh tại New Delhi nói.

Hiện các tổ chức môi trường liên tục kêu gọi chính phủ ban hành chính sách buộc doanh nghiệp cắt giảm sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, đề xuất này khó thực hiện vì ngành công nghiệp đóng gói Ấn Độ có doanh thu 32 tỉ USD/năm và sử dụng hơn 1 triệu lao động. Chuyên gia Swati Singh Sambyal thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học và môi trường cho rằng cấm đoán, hạn chế sản xuất ảnh hưởng đến sinh kế nhiều người, thay vào đó chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang mặt hàng thay thế, tăng cường quản lý, xây dựng hệ thống nhà máy phân loại, xử lý và tái chế rác thải nhựa.

Liên Hợp Quốc xử lý rác thải nhựa ở Ấn Độ

Chương trình UNDP, bắt đầu vào năm 2018, cho đến nay đã thu gom được 83.000 tấn rác thải nhựa. Theo ước tính chính thức, Ấn Độ tạo ra khoảng 3,4 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm.

Nadia Rasheed, Phó đại diện thường trú, UNDP Ấn Độ, cho biết "Ở Ấn Độ, mặc dù khoảng 60% nhựa được tái chế, chúng tôi vẫn đang thấy những thiệt hại mà ô nhiễm nhựa đang gây ra". 

UNDP đang làm việc với tổ chức tư vấn liên bang, NITI Aayog và đã cùng phát triển một mô hình 'sổ tay' cho các thành phố tự trị địa phương cũng như khu vực tư nhân.

100 thành phố Ấn Độ sẽ được Liên Hợp Quốc xử lý rác thải nhựa - Ảnh 2
Vấn đề xử lý rác thải ở Ấn Độ còn nan giải. (Ảnh minh họa)

Rasheed cho biết, chính phủ cần thực thi chặt chẽ hơn các biện pháp kiểm soát xung quanh việc đổ rác thải nhựa và còn một "chặng đường dài phía trước" để nâng cao nhận thức của các hộ gia đình, đồng thời cho biết thêm rằng cần phải đầu tư vào nghiên cứu các giải pháp thay thế.

Chương trình đã phải chịu một thất bại sau đại dịch COVID-19 dẫn đến sự gia tăng phổ biến chất thải, bao gồm cả chất thải nhựa y tế, và ảnh hưởng đến sinh kế của những người thu gom, những người thường làm việc trong điều kiện độc hại.

Nadia Rasheed, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Ấn Độ cho biết, UNDP đặt mục tiêu tăng gần gấp 3 lần việc quản lý rác thải nhựa đối với 100 thành phố ở Ấn Độ vào năm 2024 để ngăn chặn ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa.

Ấn Độ cũng là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, đã đặt mục tiêu đến năm 2070 là đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0, muộn hơn nhiều so với các quốc gia khác và hai mươi năm sau khuyến nghị toàn cầu của Liên Hợp Quốc.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 100 thành phố Ấn Độ sẽ được Liên Hợp Quốc xử lý rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới