Yên Bái triển khai hiệu quả công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao
Với mục tiêu đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc, thời gian qua, tỉnh đã thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững.
Với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp khoảng 523.000 ha, trong đó rừng tự nhiên 213.000 ha, rừng trồng trên 219.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%. Yên Bái là địa phương có sản lượng gỗ lớn trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Diện tích rừng sản xuất tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển vốn rừng. Mỗi năm toàn tỉnh trồng bình quân trên 15.000 ha rừng các loại, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm gần 700.000 m3 các loại như: keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa và khoảng 604.000 tấn củi. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm và viên nén.
Với lợi thế tiềm năng về đất đai, rừng, nguồn nhân lực, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Diện tích rừng sản xuất tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển vốn rừng. Mỗi năm toàn tỉnh trồng bình quân trên 15.000 ha rừng các loại, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm gần 700.000 m3 các loại như: keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa và khoảng 604.000 tấn củi. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm và viên nén.
Để nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp, thông qua chính sách thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp chế biến đi vào sản xuất nâng cao giá trị gỗ rừng trồng và khép kín chu trình tạo lập sự gắn kết trong sản xuất giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 520 cơ sở chế biến gỗ; trong đó, có 44 doanh nghiệp, công ty và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án sản xuất gỗ quy mô và chất lượng cao như Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh; Công ty cổ phần Junma Yên Bái; Công ty TNHH 1 thành viên An Việt Phát; Công ty TNHH YiFan Hồng Kông.
Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Tính riêng năm 2021, sản lượng ván ghép thanh đạt 5.000 m3, ván ép 140.000 m3, đũa gỗ xuất khẩu đạt 700 triệu đôi, viên nén nhiêu liệu 40.000 tấn, ván bóc đạt 500.000 m3, ván xẻ thanh đạt 90.000 m3. Các sản phẩm ván ép, ván ghép thanh, đũa gỗ, viên nén đã được xuất khẩu đến các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến gỗ còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đa số các cơ sở chế biến gỗ là các cơ sở nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản phẩm sản xuất ra là gỗ xẻ quy cách thô, giá trị thấp. Nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đơn vị thu mua nguyên liệu chế biến, đặc biệt là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất: gỗ ván bóc, ván ghép thanh.
Nguồn lao động tham gia sản xuất còn thiếu, thuê mướn theo mùa vụ, không ổn định và chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm. Thị trường tiêu thụ không ổn định, thiếu bền vững, giá cả bấp bênh như sản phẩm gỗ rừng trồng, giấy đế, giấy vàng mã.
Một số doanh nghiệp sản xuất gỗ rừng trồng xuất qua đơn vị trung gian để xuất sang thị trường Hoa Kỳ, bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước những hạn chế trên, để công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển, thời gian tới, Yên Bái làm tốt công tác quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; thực hiện chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến phù hợp, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại như ván sợi MDF, ván ghép thanh, ván dán.
Trong 9 tháng của năm 2022, tỉnh đã thu hút được 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký là 346,9 tỷ đồng như: dự án đầu tư nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu công suất 168.000 tấn sản phẩm/năm, ván ghép thanh 28.000 m3/năm của Công ty TNHH đầu tư Lâm nghiệp Hòa Phát; dự án đầu tư nhà máy sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm của Công ty TNHH sản xuất Mộc Viên; dự án đầu tư nhà máy sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm, viên nén nhiên liệu 18.000 tấn/năm của Công ty TNHH Công nghiệp chế biến gỗ Hà Yên; dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván ghép thanh công suất tương đương với 36.000 m3/năm; sản xuất viên nén gỗ công suất 60.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát; dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất 5.000 tấn/năm; sản phẩm viên nén nhiên liệu 100.000 tấn/năm của Công ty TNHH Chế biến gỗ Mai Lâm Yên Bái.
Hải Anh