Ý Yên - Nam Định: Vì sao dự án đường giao thông nông thôn không có rãnh thoát nước?
Dự án đường giao thông nông thôn qua khu dân cư thôn Ngô Xá 1, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không có rãnh thoát nước, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo thông tin phản ánh của người dân địa phương Dự án hoàn trả tuyến đường từ trường THCS xã Yên Bằng đến đường gom cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, phục vụ công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN Yên Bằng, huyện Ý Yên được triển khai từ cuối năm 2023, hiện tại đang triển khai đoạn qua khu dân cư.
Tuy nhiên, khi đi qua khu dân cư không có rãnh thoát nước. Mặc dù thôn Ngô Xá 1 là khu dân cư có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm qua. Vấn đề này người dân địa phương đã nhiều lần có ý kiến với nhà thầu thi công nhưng nhà thầu cho rằng rãnh thoát nước không có trong hồ sơ thiết kế.
Ông Nguyễn Văn Chí, người dân trong thôn cho biết: Ở 2 đầu đường thì dự án làm 2 cái rãnh sâu thoát nước, còn giữa làng này có từ hàng trăm năm nay thì dự án lại không làm rãnh thoát nước. Vậy sau nước từ trong làng sẽ chảy đi đâu, chảy vào khu dân cư gây úng ngập, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Qua tìm hiểu được biết theo quyết định số 1088/QĐ-UBND của UBND huyện Ý Yên ngày 28/12/2022 do Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Bình Định ký về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đơn vị trúng thầu là Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần xây dựng Đình Văn và Công ty TNHH Hoa Việt, giá trị gói thầu là 11.179.997.548 đồng. Thời gian gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng. Giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ý Yên tổ chức ký kết hợp đồng với đơn vi được chỉ định tại điều 1 và chỉ đạo thực hiện gói thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước.
Trong phần yêu cầu kỹ thuật của dự án cũng nêu rõ dự án có tổng chiều dài 1,227km. Thiết kế tuyến theo quy mô đường cấp V đồng bằng có Bmặt = 5,5m; Bnền =7,5m; hệ thống thoát nước: đoạn qua trường học, qua khu dân cư thiết kế thoát nước dọc bằng hệ thống cống dọc B400; Giải phóng mặt bằng: Đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định…
Mong muốn chính đáng của người dân
Trước việc thi công dự án không có rãnh thoát nước người dân địa phương đã đề nghị nhà thầu dừng công trình và gửi đơn lên UBND xã nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. "Chúng tôi yêu cầu làm rõ phương án thiết kế, thi công dự án và công khai thông tin về dự án nhưng yêu cầu này đã không được đáp ứng, một người dân địa phương cho biết. Ngoài ra, khi thi công chủ đầu tư, đơn vị thi công đã không công khai thông tin về dự án theo quy định pháp luật", một người dân ý kiến.
Ông Nguyễn Bá Phương, Trưởng thôn Ngô Xá 1 cho biết: Việc triển khai dự án cũng là để phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Người dân chính là người được thụ hưởng lợi ích từ dự án này. Vì vậy việc đề nghị các cơ quan chức năng bổ sung thêm rãnh thoát nước giống như 2 đầu đường là yêu cầu chính đáng, cần được giải quyết.
Bên cạnh đó, theo người dân địa phương cũng cần làm rõ việc dự án này là dự án được bố trí kinh phí hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng vậy phương án này được triển khai như thế nào, cần công khai danh sách mức các hộ được bồi thường, hỗ trợ… cũng như các vấn đề môi trường, an toàn và chất lượng công trình cũng cần được làm rõ.
Trao đổi với ông Trịnh Duy Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ý Yên cho biết: Theo bản vẽ thiết kế thì đoạn qua khu dân cư này không có mương thoát nước vì có các ao, không ai thiết kế rãnh thoát nước bên cạnh ao. Còn việc người dân có ý kiến chúng tôi cũng không thay đổi được vì đây là dự án do UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Quy định tại điểm g khoản 1 Điều 17 Luật tiếp cận thông tin 2016 thông tin về dự án đầu tư công là một trong những thông tin phải được công khai rộng rãi. Điều này có nghĩa là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm công bố thông tin liên quan đến dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật.
Thông tin cần được công khai bao gồm các mục sau đây: danh mục dự án, chương trình đầu tư công; mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; thông tin về đấu thầu; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất.
Thông qua việc công khai thông tin, người dân có quyền được tiếp cận, theo dõi và kiểm tra việc triển khai dự án đầu tư công. Điều này tạo điều kiện cho sự tham gia của công dân trong quá trình quyết định và giám sát các hoạt động liên quan đến dự án, từ đó đảm bảo tính công bằng và xã hội hóa trong việc sử dụng nguồn lực công.
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Doãn Kiên