Xuất khẩu Việt Nam đã có bước thay đổi "ngoạn mục" trong 10 năm qua
Trong giai đoạn 2010-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19,5% so với năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu gấp 4,7 lần
Theo Tổng cục Thống kê, Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 72,24 tỷ USD năm 2010 lên 336,31 tỷ USD trong năm 2021. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gấp 4,7 lần sau 11 năm. Trung bình trong cả giai đoạn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 187,14 tỷ USD/năm.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu top đầu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm tới 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng vượt bậc điển hình như sắt thép các loại tăng 124,3%; xơ, sợi dệt các loại tăng 50,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 41%,…
Xét về tốc độ tăng trưởng, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2010-2021 đạt trung bình 16,2%/năm.
Giai đoạn 2012-2015, tăng tưởng xuất khẩu giảm hơn so với giai đoạn trước. Theo Tổng cục thống kê, tăng tưởng xuất khẩu trong giai đoạn giảm này vì sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công ở Châu Âu. Lúc này, nền kinh tế thế giới chưa được hồi phục hoàn toàn. Theo đó, nhu cầu xuất khẩu giảm nên mức tăng thấp so với những năm trước đó.
Đến giai đoạn 2016-2017, tăng trưởng xuất khẩu tăng trở lại nhờ sự nỗ lực trong việc mở cửa thị trường, sự cải tiến trong công tác xúc tiến tiêu thụ hàng hóa và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2019 và 2021, do chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm so với các năm trước. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 và 2020 đạt lần lượt là 8,58% và 6,36%. Tuy nhiên, đến năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu hồi phục, đạt 19,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 có dấu hiệu phục hồi trở lại nhờ vào việc các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu vừa chống dịch, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại ở cả thị trường xuất khẩu, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam so với năm trước đó.
Các năm gần đầy, xuất khẩu hàng hóa có sự chuyển biến rõ rệt về mặt chất, thể hiện qua sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, cơ cấu hàng hóa có sự dịch chuyển tích cực giữa các nhóm hàng và hướng vào lõi công nghiệp hóa
Cụ thể, hiện nay, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 80%; tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm trên 10% và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (tăng 24,9% so với năm trước). Hơn nữa, Mỹ cũng là thị trường mà Việt Nam xuất siêu lớn nhất với thặng dư thương mại đạt 81 tỷ USD.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Thu 29,17 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại, linh kiện trong 6 tháng đầu năm 2022
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện thoại và linh kiện đạt trị giá 4,39 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước.
Nửa năm đầu 2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 29,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu (EU) và Hàn Quốc.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Hoa Kỳ đạt 6,61 tỷ USD, tăng 53,7%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 6,45 tỷ USD, tăng 16,6% và xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 29,8%... so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU sụt giảm 7,7% khi chỉ đạt 3,2 tỷ USD.
Đối với nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 6 đạt trị giá 5,17 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 quý/2022 đạt 27,68 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 7,32 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 5,89 tỷ USD, tăng 12,1%; sang thị trường EU(27) đạt 3,73 tỷ USD, tăng 18,5%; sang thị trường Hồng Kông đạt 2,88 tỷ USD, tăng 1,3%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,79 tỷ USD, giảm 5,1%...
Hà Lan