Thứ bảy, 23/11/2024 09:27 (GMT+7)
    Thứ sáu, 22/07/2022 21:39 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/7

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Tài chính bãi bỏ 3 quy định về báo cáo định kỳ trong lĩnh vực thuế; Nhiều ngân hàng báo lãi vượt 10.000 tỷ đồng; Du lịch 7 tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL đạt 12.500 tỷ đồng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 22/7.

    Bộ Tài chính bãi bỏ 3 quy định về báo cáo định kỳ trong lĩnh vực thuế

    Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1421/QĐ-BTC về việc công bố danh mục báo cáo định kỳ trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

    Tại Quyết định số 1421/QĐ-BTC, Bộ Tài chính công bố 1 chế độ báo cáo mới ban hành, 4 chế độ báo cáo thay thế, bãi bỏ 3 chế độ báo cáo trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của mình, quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Quyết định số 1898/QĐ-BTC ngày 25/9/2021 của Bộ Tài chính về công bố danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

    Cụ thể, chế độ báo cáo mới ban hành là báo cáo tình hình sử dụng biên lai thu phí, lệ phí (đối với biên lai điện tử) được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/7 - Ảnh 1
    Bộ Tài chính bãi bỏ 3 quy định về báo cáo định kỳ trong lĩnh vực thuế.

    Đối với 4 chế độ báo cáo định kỳ thay thế bao gồm: Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn được thay thế bằng báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020 /NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020; báo cáo tình hình sử dụng biên lai thu phí, lệ phí thay thế bằng báo cáo tình hình sử dụng biên lai thu phí, lệ phí (đối với biên lai giấy), theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; báo cáo tình hình sử dụng tem rượu sản xuất trong nước được thay thế bằng bảng tổng hợp dữ liệu tem điện tử gửi cơ quan thuế, theo quy định tại Thông tư số 23/2021/TT-BTC ngày 30/3/2021 của Bộ Tài chính; báo cáo về việc truyền hóa đơn điện tử được thay thế bằng bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử gửi cơ quan thuế, theo quy định tại Nghi định số 123/2020/NĐ-CP.

    Theo đó, 3 chế độ báo cáo bãi bỏ trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, gồm: Báo cáo tình hình nhận in, cung cấp phần mềm tự in hóa đơn; báo cáo tình hình nhận in, cung cấp phần mềm tự in biên lai điện tử; bảng kê thanh toán biên lai (mẫu TCT 25/AC).

    Nhiều ngân hàng báo lãi vượt 10.000 tỷ đồng

    Ngày 22/7, thêm nhiều ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với những tín hiệu tích cực. Dù vậy, giới phân tích nhận định bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trong ngắn hạn khả quan nhưng trung, dài hạn còn nhiều thách thức.

    Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với mức lợi nhuận đạt hơn 15.300 tỉ đồng, vượt hơn 50% kế hoạch cả năm và là mức lãi cao nhất trong ngành ngân hàng theo công bố đến thời điểm này.

    Theo VPBank, hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa đầu năm ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngân hàng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31.600 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

    Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, với mức lợi nhuận vượt 10.000 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong 6 tháng đầu năm nay đạt 14.100 tỷ đồng tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ; tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 47,5%. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm tăng 16,6% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Những nguồn doanh thu cốt lõi của ngân hàng vẫn đạt kết quả tích cực, với nhu cầu tín dụng và biên lãi thuần đều ở mức cao.

    Một số ngân hàng thương mại có quy mô vừa cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) công bố đạt 1.632 tỉ đồng lợi nhuận sau 6 tháng, hoàn thành 53% kế hoạch cả năm.

    Đến nay, hàng loạt ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với tín hiệu tích cực như SHB, VIB, TPBank, SeABank…

    Năm 2025 sẽ có trên 20% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

    Phát triển và làm chủ một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm quy mô hàng hóa.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2022-2030, ngành sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.

    Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt trên 20%, đến năm 2030 đạt 30%. Qua đó, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7-8%/năm.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/7 - Ảnh 2
    Năm 2025 sẽ có trên 20% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    Ngành nông nghiệp sẽ phát triển và làm chủ được một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô hàng hóa.

    Đồng thời, tạo ra và đưa vào sản xuất được ít nhất từ 8-10 giống cây trồng vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu vượt trội; từ 8-10 quy trình công nghệ tiên tiến; từ 8-10 chế phẩm sinh học, vật tư, máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

    Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển là chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi chủ lực; chẩn đoán, giám định, dự tính dự báo, phòng trừ sinh vật hại cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

    Du lịch 7 tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL đạt 12.500 tỷ đồng

    Chiều 22/7, tại TP Cần Thơ, Cụm Hợp tác liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. Cụm Hợp tác liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL gồm 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang. Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết trong 6 tháng đầu năm, du lịch cụm phía Tây ĐBSCL đang trên đà phục hồi và phát triển. Cụm đã đón trên 16 triệu lượt khách (tăng 57,3% so với cùng kỳ), doanh thu đạt trên 12.500 tỷ đồng (tăng 54%).

    Theo ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Cụm phó Cụm Hợp tác liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL, trong 6 tháng cuối năm, cụm phía Tây tiếp tục tham gia chung các hoạt động, sự kiện như: Chương trình sự kiện Cà Mau - Điểm đến năm 2023; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM; lễ hội Ók Om Bók-Đua ghe ngo tại Sóc Trăng…

    Tuy nhiên theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, rất mong các địa phương sớm tìm ra cơ chế liên kết phù hợp, hiệu quả hơn trong tình hình mới. Ngoài ra, khi xây dựng chiến lược phát triển du lịch của từng địa phương cần chú trọng lợi thế đặc thù, chống trùng lặp.

    Vụ vải thiều năm 2022: Bắc Giang thu về hơn 6.780 tỷ đồng

    Mùa vải thiều tỉnh Bắc Giang năm nay đã kết thúc với tổng sản lượng vải, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đều cao hơn dự kiến.

    Năm 2022, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm 2022 đạt 28,3 nghìn ha. Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều đạt hơn 199,5 nghìn tấn, giảm hơn 16,2 nghìn tấn so với năm 2021 nhưng cao hơn dự kiến gần 20 nghìn tấn.

    Trong đó, vải sớm đạt hơn 61 nghìn tấn, tăng hơn 2,2 nghìn tấn so với năm 2021; vải chính vụ đạt hơn 138,5 nghìn tấn, giảm hơn 18,5 nghìn tấn. Sản lượng vải thiều xuất khẩu đạt khoảng 80 nghìn tấn (chiếm 38,07% tổng sản lượng).

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/7 - Ảnh 3
    Bắc Giang thu về hơn 6.780 tỷ đồng trong vụ vải thiều năm 2022.

    Giá vải thiều bình quân chung cả vụ đạt 22.100 đồng/kg. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt hơn 6,78 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2021. Trong đó, riêng doanh thu từ vải thiều đạt hơn 4,41 nghìn tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ dịch vụ phụ trợ.

    Kim ngạch xuất khẩu đạt 115,9 triệu USD, đạt 94,13% so năm 2021, trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ vải thiều đạt 75,4 triệu USD, còn lại là kim ngạch xuất khẩu từ dịch vụ phụ trợ.

    Vụ vải thiều năm nay mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng được đánh giá là được mùa, được giá, tiêu thụ thuận lợi.

    Sản xuất nhiều dầu nhất thế giới, Mỹ vẫn dựa vào Saudi Arabia để giảm giá dầu

    Giá dầu cao, nỗi lo về nguồn cung năng lượng toàn cầu và chi phí mua xăng đắt đỏ đang là nguyên nhân gây ra một những cú sốc kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

    Theo trang Moneywise ngày 22/7, đó chính là thực tế quen thuộc hiện nay tại Mỹ - quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng dầu nhưng lại thuộc số những nhà nhập khẩu dầu lớn nhất hành tinh. Giá xăng đã bắt đầu giảm, khiến người dân Mỹ giảm bớt nỗi lo trong mùa du lịch hè, nhưng giá xăng vẫn cao khi dao động ở 4,4 USD/gallon trên toàn quốc.

    Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể khiến Saudi Arabia gia tăng sản lượng dầu và sau khi Mỹ bán 5 triệu thùng dầu từ kho dự trữ sang châu Âu và châu Á, dư luận lại chú ý tới nghịch lý về tình trạng xuất nhập khẩu dầu của Mỹ.

    Khi phải bỏ ra tới 75 USD để đổ đầy bình xăng ô tô, người Mỹ có thể khó chịu khi nhìn thấy dầu trong nước rời Mỹ nhanh hơn dầu nước ngoài được nhập vào. Đó là một thách thức có từ hàng thập kỷ qua và chỉ có bản chất của cuộc khủng hoảng đã thay đổi.

    Mỹ là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới (gồm dầu thô, sản phẩm dạng lỏng của dầu và nhiên liệu sinh học) kể từ năm 2018.

    Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tính đến năm 2021, Mỹ sản xuất 18,88 triệu thùng mỗi ngày, nhiều hơn 10 triệu thùng/ngày so với Saudi Arabia (10,84 triệu thùng) và Nga (10,78 triệu thùng). Saudi Arabia và Nga đứng thứ hai và ba về sản xuất dầu.

    EIA cũng lưu ý rằng Mỹ là nước tiêu thụ dầu lớn nhất khi sử dụng 20,54 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 20% trữ lượng toàn cầu. Con số này vượt xa con số của Trung Quốc (14,01 triệu thùng). Theo báo cáo của EIA, Mỹ đã nhập khẩu 7,86 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm ngoái.

    Vì vậy, nếu Mỹ đang sản xuất lượng dầu tương đương với lượng dầu mà nước này nhập khẩu và quan tâm nhiều hơn đến năng lượng tái tạo, thì lẽ ra Mỹ phải không phụ thuộc nhiều vào dầu nước ngoài và lẽ ra không phải lo ngại về giá năng lượng vì dự trữ của Mỹ khá nhiều. Tuy nhiên, thực tế lại không như thế vì có mối liên hệ giữa dầu và chính trị. Các lý do khiến Mỹ có chênh lệch giữa nhập và xuất khẩu dầu thực sự khá đơn giản.

    Lan Anh

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 22/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới