Bình Thuận: Phát triển nguồn nhân lực để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với mục tiêu đến năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu này.
Nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng
Để đạt được đến năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận xác định con người là một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm du lịch. Do đó, tình Bình Thuận đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tạo môi trường làm việc, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn từ 2015-2020, đơn vị đã tổ chức 42 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch với số lượng 3.200 học viên bao gồm các lớp kiến thức du lịch cộng đồng; bồi dưỡng kỹ năng quản lý du lịch, quản lý khách sạn, nhà nghỉ, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn; tập huấn thực hiện các quy định về kinh doanh văn hóa, thể thao, du lịch, cứu hộ, cứu nạn…
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với các đơn vị tổ chức 58 lớp bồi dưỡng với 2.600 học viên gồm các lớp: Pha chế thức uống, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, tiếng Anh chuyên ngành lễ tân…
Đến nay, tổng số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm gần 70% tổng số lao động ngành du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến sự phát triển và ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của lao động trong ngành du lịch. Đồng thời, công tác phối hợp đào tạo giữa các doanh nghiệp du lịch và cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn một số hạn chế, chưa thật sự gắn kết với nhu cầu của một số doanh nghiệp từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực.
Theo thống kê từ 75 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện có hơn 60% cơ sở lưu trú thiếu hụt nhân lực lao động trầm trọng, nhân sự đa số rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra “lỗ hổng lớn trong ngành du lịch, nhất là khi các hoạt động du lịch đang trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Chia sẻ với báo chí, chị Phan Thị Phong, điều hành tour Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông Bình Thuận cho biết, nguồn nhân lực du lịch thời điểm này đang là vấn đề nan giải, khi mà số lượng và chất lượng chưa đủ để phục vụ lượng khách hàng.
“Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid -19, nguồn nhân lực bị phân tán rất nhiều. Khi các hoạt động du lịch được mở cửa lại hoàn toàn, có những lao động tự nguyện quay lại, có lao động ổn định công việc mới với nguồn thu nhập cao hơn nên họ không quay lại. Chẳng hạn như tại công ty của tôi, trước đây có khoảng 60 lao động, thế nhưng thời điểm này chúng tôi mới tuyển lại được 20 nhân viên. Hiện tại, chúng tôi cũng đang có những chính sách riêng, chương trình riêng để đào tào bồi dưỡng người lao động”, chị Phong trăn trở.
Cán bộ công chức ngành du lịch phải có chuyên môn
Với mục tiêu đến năm 2025, xây dựng được đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, tỉnh Bình Thuận đã ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, đối với cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, 100% công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch được bồi dưỡng chuyên môn về du lịch; trong đó 10% công chức lãnh đạo cấp tỉnh được bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch, 40% cán bộ công chức có thể sử dụng một ngoại ngữ đủ để giao tiếp cơ bản với du khách quốc tế. Phấn đấu đến đến năm 2030, 50% cán bộ công chức có thể sử dụng một ngoại ngữ đủ để giao tiếp cơ bản với du khách quốc tế, trong đó 10% có khả năng giao tiếp thông thạo.
Tỉnh Bình Thuận phấn đấu có khoảng 75% lao động trực tiếp trong ngành Du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; 50% sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2025 và 85% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; 80% sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát, điều tra nắm tình hình, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, từ đó có kế hoạch định hướng đào tạo đúng, đào tạo đủ số lượng cần thiết cho ngành du lịch, hạn chế tình trạng nguồn nhân lực được đào tạo mà không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng ngành nghề được đào tạo.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động đào tạo, đào tạo lại tại chỗ cho đội ngũ nhân sự theo bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) hoặc mời các chuyên gia về tập huấn trực tiếp nội bộ để bổ sung kiến thức thực hành ngay tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước để tham gia trong việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo cho nguồn nhân lực du lịch theo đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030”; đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận” và “Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ”.
“Chúng tôi sẽ đào tạo tập trung về công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động du lịch để thích ứng với hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, tìm kiếm, hợp tác các Dự án liên kết đào tạo quốc tế (PUM, VSEP...) hoặc thông qua các hiệp hội ngành nghề để mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn, tạo ra đội ngũ nhân sự đạt chuẩn quốc tế. Đây là hoạt động quan trọng, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch”, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận thông tin.
Thanh Tùng