Thứ sáu, 17/01/2025 22:43 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/12/2024 06:45 (GMT+7)

Xuất khẩu rau, quả đạt 6,66 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay

Theo dõi KTMT trên

Xuất khẩu rau, quả đã đạt 6,66 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023. Dự báo cả năm nay lĩnh vực này sẽ mang về 7,2 tỷ USD.

Sầu riêng tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của nhóm hàng rau quả. Cập nhật hết tháng 10/2024, xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) đạt 2,85 tỷ USD, tăng tới 46%, tương ứng tăng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước trong cùng thời điểm.

Xuất khẩu rau, quả đạt 6,66 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 1
Sầu riêng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.

“Tin vui cho những người sản xuất, dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để sang Hàn Quốc”, ông Trần Văn Chiến Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin.

Hiện, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia.

Hiện nay, những thách thức đối với xuất khẩu rau, quả của Việt Nam gồm: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, khó khăn áp dụng công nghệ, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, hệ thống bảo quản đạt chuẩn còn yếu… Các nước nhập khẩu rau, quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, HACCP-SGS…

Với thị trường Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, đây đã và đang là thị trường xuất khẩu số một của cây ăn quả Việt Nam. Vấn đề lớn nhất trong xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc, là hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký Nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao.

Khi xuất khẩu rau quả tươi sang châu Âu, doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm; tuân thủ xã hội, môi trường và kinh doanh. Doanh nghiệp có thể cập nhật danh sách đầy đủ các yêu cầu pháp lý tại cổng thông tin trợ giúp thương mại của EU (EU Trade Helpdesk).

Bên cạnh đó, để tránh rủi ro về sức khỏe và môi trường, Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập mức dư lượng tối đa (MRLs) cho thuốc trừ sâu trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Các sản phẩm chứa nhiều thuốc trừ sâu hơn mức cho phép sẽ bị rút khỏi thị trường châu Âu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn xuất khẩu đi các thị trường lớn, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường. Do đó, nông sản Việt ngoài bảo đảm chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa. Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu rau, quả đạt 6,66 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thu hút vốn cho quá trình chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh phát triển bền vững và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc huy động vốn đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh và số hóa đang trở thành ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tin mới

Thu hút vốn cho quá trình chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh phát triển bền vững và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc huy động vốn đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh và số hóa đang trở thành ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.