Thứ tư, 08/05/2024 21:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/10/2020 09:44 (GMT+7)

Xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề: Vì sao chưa hiệu quả?

Theo dõi KTMT trên

Việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề mặc dù đã được Chính phủ quan tâm, thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn chưa được kiểm soát và xử lý thực sự hiệu quả.

Mới chỉ có 5,2% nước thải làng nghề được thu gom xử lý

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.

Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020 cho thấy có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), có 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỉ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

"Nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào" – thống kê của Sở TN-MT chỉ rõ.

Xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề: Vì sao chưa hiệu quả? - Ảnh 1
Ô nhiễm nước thải do hoạt động làng nghề dệt nhuộm. (Ảnh minh họa)

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội khẳng định: Các cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các làng nghề đã thu hút các lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương. Tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỉ đồng.

Song, mặt trái của phát triển kinh tế trong thời gian qua là vấn đề ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi, chất thải rắn, nước thải đối với làng nghề, cụm công nghiệp; ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, mùi hôi thối trong sản xuất chăn nuôi; ô nhiễm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước, đất, tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, tàn dư nông sản trong sản xuất trồng trọt; ô nhiễm nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt hàng ngày của khu vực nông thôn thải ra,… kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Thành phố hiện có có 6 trạm/nhà máy xử lý nước thải (trong đó: 5 trạm/nhà máy xử lý nước thải nằm trong khu vực nội đô: Kim Liên, Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, Yên Sở, Hồ Tây; 1 nhà máy xử lý nước thải nằm ở khu vực ngoại thành: Bắc Thăng Long - Vân Trì. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải của Thành phố đạt 276.300 m3/ngày đêm).

Có 2 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung là Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt từ địa bàn quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải mới xử lý được khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, ở các làng nghề chỉ chiếm khoảng 5,2%, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường.

Cần phải có cơ chếxử lý 

Trao đổi về vấn đề này với Báo TN-MT, ông Mai Trọng Thái - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TN-MT TP.Hà Nội) cho biết, thực tế hiện nay, đa số các làng nghề với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp. Mặt bằng sản xuất hạn chế, chủ cơ sở sản xuất rất ít quan tâm đầu tư xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải (lỏng, rắn và khí). Một vấn đề nữa là ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình và cộng đồng của người lao động còn rất hạn chế.

Ngoài ra, do khó khăn về tài chính, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Do đó, khó khăn trong việc phân loại chất thải sản xuất và rác thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp lẫn nước thải sinh hoạt. Rất ít làng nghề dẫn được nước thải đến CCN làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, phần lớn là thải trực tiếp ra môi trường với mức độ ô nhiễm cao.

Nguyên nhân chủ quan là do cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu, chưa hấp dẫn đầu tư nhất là trong lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải hay sản xuất sạch ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Theo ông Thái, cần thiết phải xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân trong việc thu gom và xử lý nước thải làng nghề. Việc thu gom nước thải về xử lý tập trung rất tốn kém, trong khi người dân chưa có tiền lệ trả tiền cho dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách cụ để đối tượng người dân làng nghề phải trả tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các Nhà đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề; hoặc Thành phố hỗ trợ ngân sách đầu tư hệ thống xử lý nước, thu phí xử lý nước thải của người dân sản xuất tại làng nghề để duy trì vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, chưa phù hợp với loại hình làng nghề, chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia các dự án xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội.

Tại các khu, cụm điểm công nghiệp, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường trong còn chậm. Chưa có chính sách hỗ, khuyến khích di dời các cơ sở đến nơi sản xuất tập trung, gây khó khăn trong xử lý đồng bộ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề…

Loại bỏ làng nghề truyền thống trá hình

“Theo văn bản từ Vụ Quản lý chất lượng Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), để có những giải pháp quyết liệt, dài hạn hơn, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý làng nghề, góp phần thay đổi quan niệm quản lý về làng nghề (thực tế cho thấy, Bộ NN-PTNT – Bộ chủ quản về quản lý làng nghề và ngành nghề nông thôn, đã có những thay đổi thực sự mang tính cách mạng đối với công tác quản lý làng nghề, luôn song hành cùng Bộ TN-MT để loại bỏ những nhóm ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc…) ra khỏi nhóm những ngành nghề được xem xét, công nhận và tạo điều kiện phát triển.

Hiện nay, có những làng nghề thực sự là làng nghề thủ công, truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tuy nhiên, cũng có nhiều làng nghề trước đây là thủ công truyền thống, nhưng nay đã được công nghiệp hóa với những thiết bị, máy móc công suất lớn, đặc biệt là những làng nghề tái chết kim loại, giấy, nhựa…

Đây thực chất là các cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành trong khi dân cư (“làng”), là một loại “làng nghề” trá hình, lấy danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ đối với xã hội, các loại phí thuế, lệ phí nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng, trốn tránh các chế tài về bảo về môi trường. Đã đến lúc, phải kiên quyết loại bỏ các loại hình sản xuất này khỏi danh mục làng nghề, để đưa các hoạt động làng nghề vào đúng vị trí truyền thống của nó”.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề: Vì sao chưa hiệu quả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon
Ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.