Thứ bảy, 27/04/2024 01:21 (GMT+7)
Thứ tư, 23/09/2020 11:41 (GMT+7)

Bao giờ làng nghề Hà Nội hết ô nhiễm?

Theo dõi KTMT trên

Làng nghề giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

99 làng nghề Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thời gian qua, các làng nghề đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, thu hút lao động, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nhất là các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, dệt may..

Làng nghề điêu khắc, mỹ nghệ xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) là một ví dụ. Vốn đã nổi tiếng trong và ngoài nước, với những sản phẩm điêu khắc hoành phi, câu đối, tạc tượng từ gỗ, đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc... song, đa phần hộ sản xuất ở đây có quy mô nhỏ lẻ, phân tán khắp làng, đã tạo ra các nguồn thải khó tập trung và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.

Còn tại xã Vân Từ (Phú Xuyên) một trong những "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường làng nghề có tới gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp.

Bao giờ làng nghề Hà Nội hết ô nhiễm? - Ảnh 1
Cống rãnh đoạn đi qua Cầu Dầm, Dương Liễu (Hoài Đức) không có nắp đậy bốc mùi hôi thối. (Ảnh: ANTĐ)

Hay như tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế (Hoài Đức) mỗi ngày sản xuất 80 - 100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50-70 tấn bã thải và hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.

Trong số hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề ở Thủ đô hầu hết đều phát sinh nước thải, tiếng ồn, khói bụi tác động xấu đến môi trường. Theo kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) Mai Trọng Thái nhìn nhận, nguyên nhân chính của tình trạng kể trên là do các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không có hệ thống thu gom xử lý chất thải. Ngoài ra, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế...

Giải pháp nào cho làng nghề ô nhiễm?

Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí trị giá 1.350 tỉ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Cụ thể, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Giai đoạn 2020 - 2030, dành 600 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả dù có đầu tư lớn. Cụ thể, như huyện Hoài Đức, Hà Nội, năm 2002, xã Minh Khai đã đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải, công suất 120 m3/ngày, đêm nhưng lại đặt sai vị trí nên đành phải “đắp chiếu” ngay sau đó; Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng có tổng mức đầu tư 231,5 tỉ đồng, thực hiện đầu tư trong thời gian 2014 - 2016, song đến nay vẫn ở giai đoạn thi công; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, công suất thiết kế 20.000 m3/ngày, đêm được đưa vào vận hành vào tháng 10/2016 để xử lý nước thải làng nghề của các xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế.

Kể từ khi nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) đi vào hoạt động, nước thải của 10 thôn với hơn 2.500 hộ dân ở Miền Làng (là khu vực trong đê sông Đáy) đã được thu gom, xử lý.

Bao giờ làng nghề Hà Nội hết ô nhiễm? - Ảnh 2
Rác thải được đổ rồi đốt trong cánh đồng làng Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Theo PGS TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng cần phải coi nước xả thải tại các làng nghề như nước thải công nghiệp và sử dụng những công nghệ cao để xử lý nước thải theo tiêu chuẩn của nước thải công nghiệp. Theo ông Tiến, tính chất nước thải của mỗi làng nghề khác nhau nên phải lựa chọn công nghệ xử lý nước thải tiên tiến cho phù hợp với từng làng nghề, không thể dùng chung một công nghệ.

“Tuy nhiên, điều quan trọng phải xây dựng được mạng lưới thu gom từ các cơ sở sản xuất về nơi xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp nằm xa khu dân cư, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đầy đủ là một trong những giải pháp có thể kiểm soát được nước thải của các cơ sở sản xuất làng nghề”, ông Tiến lưu ý

Một số ý kiến cho rằng, hoạt động của các làng nghề giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên cũng cần đặc biệt quan tâm là không đánh đổi môi trường để lấy tăng trường kinh tế, như chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà cần tìm những giải pháp phù hợp để các làng nghề phát triển theo hướng bền vững.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ làng nghề Hà Nội hết ô nhiễm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới