Thứ sáu, 22/11/2024 22:44 (GMT+7)
Thứ năm, 07/05/2020 09:17 (GMT+7)

Khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề

Theo dõi KTMT trên

TP.Hà Nội đang bước vào giai đoạn mới của quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu trong quá trình cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khá nan giải cần có cách thức xử lý căn cơ.

Khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề - Ảnh 1
Sản xuất giày tại làng nghề giày da Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Dũng

Ô nhiễm nghiêm trọng do đốt rác thải

Xã Phú Yên được biết đến là làng nghề da giày truyền thống của huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Xã hiện có hơn 500 hộ, tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày dép da, thu hút hơn 1.300 lao động trong và ngoài xã. Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường trung bình 10 triệu đôi giày dép, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nỗi lo về ô nhiễm môi trường làng nghề đang đè nặng lên vai chính quyền và người dân địa phương. Theo ghi nhận của chúng tôi, việc xử lý vải, da vụn... sau quá trình sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài những cơ sở sản xuất chủ động thu gom rác thải sau quá trình sản xuất thì tình trạng đổ trộm rác thải ra đường làng, ngõ xóm thậm chí là các bờ mương dẫn ra đồng ruộng vẫn thường xuyên xảy ra. Cực chẳng đã, nhiều người dân đã phải thu gom rác thải chất thành đống và đốt, khiến lượng khói bụi luôn dày đặc.

Cũng tại huyện Phú Xuyên, xã Sơn Hà có nghề tết võng dù, gia công đồ thủ công mỹ nghệ như túi xách, ba-lô và ví da..., lượng rác thải sau sản xuất cũng trở thành bài toán chưa có lời giải. Theo chia sẻ của các hộ dân tại hai thôn Hà Thao ngoại và Hà Thao nội, việc thu gom rác thải do công ty môi trường đảm nhận chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu xử lý, thu gom rác thải của địa phương. Do đó, tình trạng đổ trộm rác thải ra đường, chất đống để đốt vẫn xảy ra. Nhất là vào mùa cao điểm (những tháng hè) việc đốt dây dù, mút xốp... khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, khó thở. Chưa kể tro bụi từ việc đốt rác thải khiến cho nước ao, hồ bị ô nhiễm...

Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn, để khắc phục và tiến tới xử lý ô nhiễm làng nghề tại các xã NTM theo hướng bền vững, tới đây, huyện sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Ðặc biệt, tăng cường quản lý, kiểm soát chất thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện (khu xử lý rác thải tại xã Châu Can) với công nghệ tiên tiến, nhằm giảm tỷ lệ rác thải chôn lấp.

Ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Phú Xuyên đã và đang xây dựng quy hoạch nhà máy xử lý rác thải tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, với nguồn kinh phí dự kiến lên tới 200 tỷ đồng theo hình thức xã hội. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý 500 tấn rác thải các loại/ngày, theo công nghệ đốt 2 cấp có xử lý khói thải, có thu hồi một phần nhiệt để sấy rác trước khi đưa vào lò đốt. Lãnh đạo huyện Phú Xuyên kỳ vọng, việc nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tối đa nhu cầu xử lý rác thải của người dân tại các làng nghề nói riêng, huyện Phú Xuyên và một phần rác thải sinh hoạt của người dân các địa phương lân cận nói chung. Trước mắt, để hạn chế ô nhiễm môi trường, các địa phương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp. Theo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên, hiện nay chất thải, nước thải toàn huyện đã được thu gom và xử lý theo quy định đạt 88%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%. Bên cạnh đó là công tác xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn được quan tâm, các địa phương đã trồng, chăm sóc được 96 tuyến đường hoa mười giờ, hoa sam với diện tích 45.209 m2. Ðáng chú ý, có 14 xã trên địa bàn huyện đã tổ chức vẽ, trang trí tranh bích họa với diện tích hơn 1.000 m2 tạo nên những gam mầu sinh động cho làng quê.

Chủ động ngăn chặn và giảm ô nhiễm từ hoạt động làng nghề, chính là nhiệm vụ quan trọng được huyện Phú Xuyên ưu tiên giải quyết trong xây dựng NTM và NTM nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí đều trông chờ vào ngân sách, do đó hầu hết các địa phương trong huyện chỉ có thể tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng rác thải làng nghề tồn đọng đi xử lý, mà chưa thể đưa ra những giải pháp triệt để như xây dựng các lò đốt rác thủ công, hay xây dựng những chế tài xử phạt đủ mạnh nhằm giảm tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề ra môi trường sống. Tại các huyện như Ứng Hòa, Thường Tín hay làng gốm Bát Tràng... thì ô nhiễm môi trường vẫn là bài toán khó. Cảm giác ngột ngạt, buộc phải sống chung với bụi thật sự không mấy dễ chịu đối với người dân làng nghề và du khách mỗi khi có dịp ghé thăm.

Ðể giúp các địa phương chủ động trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách tạo ra những bước chuyển tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, chỉ trong một thời gian ngắn, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án để đánh giá ô nhiễm làng nghề. UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, thành phố phê duyệt Ðề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. UBND thành phố ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo sáu nhóm ngành, nghề sản xuất chính: Thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy...). Các văn bản, quy định này đang được triển khai thực hiện một cách đồng bộ nhằm hỗ trợ chính quyền các cấp nói chung và mỗi làng nghề nói riêng tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Theo kế hoạch đã được Sở Công thương Hà Nội đề xuất, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí trị giá 1.350 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề. Cụ thể, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, dành 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Hà Sơn

Bạn đang đọc bài viết Khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới