Thứ bảy, 23/11/2024 04:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/10/2020 13:54 (GMT+7)

Xóa sổ ô nhiễm và mở ra không gian sáng tạo

Theo dõi KTMT trên

Đã 17 năm kể từ khi có chủ trương của Chính phủ là di chuyển những cơ sở sản xuất có mức độ ô nhiễm cao ra xa nội đô, kết hợp đổi mới công nghệ và đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường nhưng tiến độ thực hiện vẫn ì ạch.

Xóa sổ ô nhiễm và mở ra không gian sáng tạo - Ảnh 1
Nhiều nhà máy cũ còn tồn tại.

Tính đến hết năm 2019, kết quả thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố còn chậm do doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch…

Trước đó, chỉ có một vài nhà máy ô nhiễm đã được di dời thành công, chẳng hạn Nhà máy Rượu Hà Nội nhường chỗ cho ngôi trường khang trang THCS Lê Ngọc Hân, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân nhường chỗ cho trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm… Không ít mảnh đất “vàng” do nhà máy bị xóa sổ đã nhường chỗ cho các tòa cao ốc khiến quy hoạch đô thị bị méo mó.

Chứng tích cho sự phát triển xã hội và đô thị

Trong buổi tọa đàm “Từ nhà máy cũ đến không gian sáng tạo - Kinh nghiệm quốc tế và hướng đi” tổ chức mới đây, ông Phạm Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích: Hà Nội đang có hơn 90 nhà máy cũ thuộc diện di dời, trong đó có không ít những nhà máy cũ mang rất nhiều giá trị. Tiêu biểu như Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long… Những công trình này chính là những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử. Mỗi công trình đều là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hay Nhà máy Bia Hà Nội, sự xuất hiện của chúng còn là sự khai sinh của một ngành công nghiệp. Sự xuất hiện của Nhà máy Bia Hà Nội còn mở ra một giai đoạn mới, một không khí mới trong văn hóa ẩm thực đường phố Hà Nội. Không những thế, Nhà máy Bia Hà Nội còn là công trình kiến trúc hiện đại nhất Hà Nội, thậm chí nhất cả miền Bắc trong giai đoạn đó. Đặc biệt, giá trị kiến trúc của nhà máy này vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Xóa sổ ô nhiễm và mở ra không gian sáng tạo - Ảnh 2
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Ông Lân lấy ví dụ về một công trình, mà có lẽ ai ai cũng biết (hình ảnh hoạt động của nhà máy này được chọn in trên đồng tiền có mệnh giá 2.000đ của nước ta): Nhắc đến nhà máy Dệt Nam Định là nhắc đến cả đời sống của người dân Thành Nam, khi có những gia đình 3-4 thế hệ làm công nhân nhà máy dệt, có thời điểm ¼ dân số TP Nam Định làm việc tại đây.

Hay những nhà máy đã gắn với và trở thành ký ức về thời kỳ đô thị hóa một thời của Hà Nội như khu Cao - Xà - Lá (Nhà máy Cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long) ở quận Thanh Xuân. Một đô thị mới ở phía Tây Nam Hà Nội đã được hình thành, với những khu tập thể rất đặc trưng. Ông Lân ví, những nhà máy này như những “dấu chân” của thời đại, gắn với các thế hệ làm việc trong các nhà máy ở Hà Nội, để lại những dấu ấn lịch sử, xã hội mạnh mẽ.

Không thể không nhắc đến là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, khởi điểm do thực dân Pháp xây dựng. Nhà máy này bị ném bom 7 lần trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sau chiến tranh, trừ gạch, còn lại toàn bộ nhà máy được xây dựng lại do nguồn viện trợ từ quốc gia Xã hội chủ nghĩa Ba Lan. Năm 1988, công trình hoàn thành, như một dấu mốc về sự quyết tâm xây dựng công nghiệp trong thời bình (năm đó, chiến tranh biên giới Việt - Trung mới thực sự chấm dứt).

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) - bà Phạm Thúy Loan thì nhấn mạnh: Những nhà máy này chính là Di sản công nghiệp. Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, phản ánh sự tiến bộ vượt bậc trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự thông thái được kế thừa và là một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Các giá trị của một di sản công nghiệp có thể được nhận diện trong tình trạng hiện tại của địa điểm, trong các tài liệu và trong ký ức của con người gắn với địa điểm sản xuất đó.

Bảo tồn theo mô hình “Không gian sáng tạo”

Không gian sáng tạo đã không còn là khái niệm xa lạ, chúng còn được biết đến là những cụm sáng tạo hay quần thể văn hóa. Khởi xướng từ châu Âu, châu Mỹ, nhưng đến nay, châu Á cũng đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các không gian này; từ Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia… với Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn Kuala Lumpur - nơi hội tụ của cộng đồng nghệ thuật và lưu trú của các đoàn nghệ thuật nước ngoài và trở thành nhân tố chính duy trì đời sống văn hóa, nghệ thuật của Malaysia; với công trình thư viện kiêm không gian cộng tác độc lập phục vụ việc học hỏi, giao lưu, sáng tạo - C20 library & collabtive (Indonesia)...

Đến Việt Nam, TP.HCM cũng đã có các không gian như Khu 3A - Sài Gòn, không gian sáng tạo từ việc tái sinh khu vực nhà máy cũ ở quận 4; Area21 cải tạo từ khu tập thể cũ ở Hải Phòng; hay Hà Nội cũng đã từng có Zone 9. Thực tế cho thấy, không gian sáng tạo rất đa dạng, có thể đề cập đến nhiều phương diện như: nghệ thuật (các gallery, sân khấu biểu diễn...), giải trí (quán bar, cafe), thương mại (các cửa hàng)...; không gian sáng tạo còn là là không gian công cộng, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, xã hội…

Xóa sổ ô nhiễm và mở ra không gian sáng tạo - Ảnh 3
Nhà máy Bia Hà Nội.

Nay đã tròn một năm, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới. Một lãnh đạo thành phố Hà Nội từng nhấn mạnh, một thành phố sáng tạo không thể tách rời, không thể thiếu các không gian sáng tạo. Với số lượng khu công nghiệp và các nhà máy lâu năm trên địa bàn, Hà Nội có “trữ lượng” không gian sáng tạo chính là các nhà máy cũ mang trong mình rất nhiều giá trị. Song, để những “trữ lượng” ấy trở thành các không gian sáng tạo, cần có một sự bảo tồn linh hoạt cũng như đồng lòng từ cả chính quyền và người dân.

Việc Hà Nội di dời hơn 90 nhà máy ra khỏi nội đô là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 21 nhà máy đã được giải tỏa mặt bằng, thì có đến 19 chung cư mọc lên. Những khu đô thị mới thay thế các nhà máy cũ ở nội đô đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, như đã nói, trong hơn 90 nhà máy cũ ấy, có không ít nhà máy mang trong mình “dấu chân” thời đại, chứng tích lịch sử, dấu ấn văn hóa... Dù di sản công nghiệp còn là khái niệm khá mới mẻ, nhưng nếu không có cái nhìn đúng đắn về loại hình di sản này để có các biện pháp bảo vệ kịp thời, tương lai không xa, các di sản công nghiệp sẽ chỉ còn trong ký ức của người Hà Nội.

Việc bảo tồn di sản công nghiệp đã có hành lang pháp lý là Luật Di sản, mặc dù trong Luật Di sản không nói cụ thể về di sản công nghiệp nhưng loại hình di sản này vẫn được bảo vệ theo luật với tiêu chí là “công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học”.

KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho rằng: “Cần có cái nhìn dài hạn để cân bằng lợi ích của các chủ đầu tư với lợi ích của cộng đồng. Việc di dời ở đây là sự di dời nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, áp lực giao thông và dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, còn lại phần “vỏ” của nhà máy có thể bảo tồn một phần với những công trình mang tính biểu tượng để giữ lại những dấu ấn, giá trị về lịch sử, văn hóa. Đó chính là giá trị phi vật thể của di sản công nghiệp để tạo ra những không gian sáng tạo có giá trị”.

KTS Trương Ngọc Lân cũng cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các khu nhà ở đơn thuần, chủ đầu tư của các khu đô thị đã bắt đầu đi tìm dấu ấn riêng để tạo nên giá trị gia tăng cho công trình của mình. Các không gian sáng tạo sẽ trở thành “hạt nhân”, là điểm nhấn làm nên nét khác biệt, ngoài những giá trị về văn hóa còn mang lại những giá trị gia tăng về kinh tế cho các khu đô thị bởi những lợi ích về văn hóa mà cộng đồng được thụ hưởng.

Bên cạnh việc xây dựng các khu nhà ở đơn thuần, chủ đầu tư của các khu đô thị đã bắt đầu đi tìm dấu ấn riêng để tạo nên giá trị gia tăng cho công trình của mình. Các không gian sáng tạo sẽ trở thành “hạt nhân”, là điểm nhấn làm nên nét khác biệt, ngoài những giá trị về văn hóa còn mang lại những giá trị gia tăng về kinh tế cho các khu đô thị bởi những lợi ích về văn hóa mà cộng đồng được thụ hưởng.
KTS Trương Ngọc Lân

Việt Đan

Bạn đang đọc bài viết Xóa sổ ô nhiễm và mở ra không gian sáng tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới