Thứ năm, 25/04/2024 20:19 (GMT+7)
Thứ tư, 28/10/2020 11:08 (GMT+7)

Tuyên Quang: Dân khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây ô nhiễm

Theo dõi KTMT trên

Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở xã Tân Long hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường sống, sạt lở đất nông nghiệp khiến người dân bức xúc.

Tan hoang bãi bồi

Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của người dân xóm 9 và 10, xã Tân Long (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) về việc doanh nghiệp khai thác cát, sỏi khiến dòng sông Lô chảy qua địa bàn bị băm nát. Nhiều diện tích đất canh tác hoa màu của người dân bị sạt lở xuống lòng sông. Một số hộ bị mất trắng đất canh tác và hoạt động khai thác khoáng sản này còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Theo nhiều người dân sinh sống tại đây, việc khai thác cát sỏi diễn ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Nhiều tàu không mang số hiệu khai thác cát nhiều năm nay, gây sạt lở bờ sông bãi bồi, ảnh hưởng đến môi trường sống khiến người dân vô cùng bức xúc.

Tuyên Quang: Dân khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây ô nhiễm - Ảnh 1
Cận cảnh những con tàu cuốc hoán cải đang khai thác dưới sông Lô.

Dẫn PV ra khu vực các tàu đang khai thác cát, anh Phạm Văn Vỹ (người dân thôn 9, xã Tân Long) cho biết, việc khai thác cát sỏi diễn ra từ 2017 đến nay, gây sạt lở hàng nghìn mét đất canh tác của gia đình anh. Nhìn khu vườn trồng cây nông nghiệp đã bị nứt toác từng mảng lớn, chỉ chờ chực đổ xuống sông, anh Vỹ không khỏi xót xa và lo lắng bởi kế sinh nhai chính của gia đình đang dần biến mất.

“Trước kia, bãi trồng ngô gia đình tôi rộng cả mẫu nhưng kể từ khi doanh nghiệp khai thác cát thì nay đã mất sạch. Tàu khai thác cát hoạt động ầm ĩ suốt ngày, bất kể giờ giấc khiến người dân chúng tôi mất ăn mất ngủ, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn”, anh Vỹ ngậm ngùi chia sẻ.

Tuyên Quang: Dân khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây ô nhiễm - Ảnh 2
Việc khai thác cát tràn lan đã gây nhiều hệ lụy đến môi trường xung quanh.

Trước tình trạng khai thác cát bừa bãi, nhiều lần người dân đã làm đơn phản ánh lên UBND xã Tân Long và UBND huyện Yên Sơn. Nhưng việc khai thác vẫn tiếp diễn, kéo theo đó là hàng trăm mét bờ sông, bãi đất của người dân bị dòng sông Lô nuốt chửng, người dân chỉ biết xót xa và bất lực.

Ghi nhận của PV tại khu vực bãi Soi Sính thuộc thôn 9, xã Tân Long, dù đứng cách xa cả trăm mét nhưng vẫn nghe được tiếng máy móc hoạt động ầm ĩ. Phía dưới lòng sông là 2 chiếc tàu được hoán cải thành tàu cuốc đang hoạt động hết công suất, phía xung quanh có 4, 5 chiếc tàu chứa đang chờ “ăn hàng”.

Trên tàu những băng chuyền chứa cát, sỏi chạy liên tục cùng với những công nhân đang hì hục làm việc. Cận cảnh những con tàu cuốc hoán cải này, PV phát hiện một tàu gắn biển hiệu “tàu hút 01” của Công ty Cổ phần Công nghiệp Tân Hà. Tuy nhiên, quanh khu vực khai thác, PV không thấy hệ thống mốc giới phao tiêu, gắn bất cứ biển báo nào về việc thông tin dự án.

Tại thời điểm ghi nhận, bờ sông nơi đây nhiều đoạn đã sạt lở nham nhở, dựng vách đứng cao từ 5-7 m. Hàng loạt bãi bồi ven sông cũng đang có dấu hiệu sạt lở tiếp vào trong. Bằng mắt thường có thể nhận thấy môi trường đã bị thay đổi đáng kể.

Chính quyền xã than “khổ”

Theo ghi nhận của PV, ngay từ khâu chuẩn bị cấp phép cho 2 doanh nghiệp trên thời điểm năm 2017, người dân nơi đây đã lên tiếng phản đối. Bởi họ lo ngại việc khai thác sẽ gây sạt lở bờ sông, dẫn đến diện tích đất canh tác nông nghiệp và khu di tích bãi Soi Sính sẽ biến mất. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn tiến hành cấp phép cho các doanh nghiệp.

Tuyên Quang: Dân khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây ô nhiễm - Ảnh 3
Bờ sông bị gặm nhấm nham nhở dưới tác động của tình trạng khai thác cát.

Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Tân Long. Ông Nguyễn Minh Sáng, Phó Bí thư thường trực xã Tân Long cho biết, trên địa bàn xã có 2 đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi là Công ty Cổ phần Công nghiệp Tân Hà và Công ty Tiến Thuận. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này bị người dân phản ánh như doanh nghiệp thường hoạt động quá giờ, không cắm mốc giới và hệ thống phao tiêu, đồng thời gây sạt lở hàng loạt diện tích đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Vị này nói thêm, gần đây, bà con phản ánh hiện tượng sạt lở tại khu vực cấp mỏ rất nhiều, xã đã cử tổ kiểm tra và báo cáo UBND huyện, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng. Quản lý địa bàn đi kiểm tra thời gian khai thác theo quy định thì cũng phát hiện ra thời gian đơn vị có khai thác quá giờ, quy định về biển báo, phao tiêu chưa có. Gần đây nhất, ngày 20/10, UBND xã đã thành lập tổ đi xác minh cụ thể diện tích từng nhà một. 

Đồng thời, ông Sáng cũng cho biết thêm, doanh nghiệp chưa có báo cáo tác động môi trường trong việc gây sạt lở đất của người dân.

Còn bà Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long nói rằng, việc sạt lở đất nông nghiệp xảy ra rất nhiều, gây bức xúc cho người dân.

“Mức độ sạt lở quá lớn, mình nhìn mà cũng xót ruột. Nguyên toàn bộ bãi Soi Sính gần như là biến mất nếu như không có biện pháp ngăn chặn…”, bà Hằng khẳng định.

UBND xã đã báo cáo rất nhiều lên cấp trên, vấn đề khai thác cát sỏi cực kỳ nhức nhối, không có hội nghị nào mà các đại biểu về dự là người dân không có ý kiến về vấn đề này.

Tuyên Quang: Dân khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây ô nhiễm - Ảnh 4
Hàng loạt bãi bồi ven sông của người dân bị sạt lở và dần biến mất.

Về việc người dân phản ánh bị một số đối tượng lạ mặt đe dọa hành hung mỗi khi có ý kiến, bà Hằng cho rằng đó là người của các doanh nghiệp khai thác cát dưới sông, chứ chẳng phải người xa lạ nào.

Việc cấp phép khai thác cát sỏi cho doanh nghiệp, dẫn đến hàng nghìn mét vuông đất canh tác của người dân biến mất, vậy đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này?

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Bá

Bạn đang đọc bài viết Tuyên Quang: Dân khốn khổ vì doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.