Thứ sáu, 19/04/2024 14:15 (GMT+7)
Thứ hai, 07/06/2021 06:40 (GMT+7)

Xem xét khía cạnh pháp lý và khoa học các dự án khai thác nước dưới đất

Theo dõi KTMT trên

Trong thời gian gần đây đã có nhiều bài viết phản ánh những khía cạnh khác nhau về những dự án khai thác nước dưới đất. Bài viết này sẽ trình bày khía cạnh khoa học và khía cạnh pháp lý của khai thác nguồn nước dưới đất.

Theo Luật Tài nguyên nước thì “Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất”. Như vậy có thể coi nước dưới đất bao gồm cả nước khoáng,  nước nóng thiên nhiên.

I. Nước dưới đất là dạng tài nguyên rất quan trọng

Nước dưới đất có thể khai thác để phục vụ cuộc sống con người nên nó là loại tài nguyên thiên nhiên.

Nước dưới đất dạng nước ngọt có thể dùng dưới các dạng sau:

  • Nguồn nước sinh hoạt cho hàng tỉ người trên trái đất, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
  • Nguồn nước phục vụ thủy lợi, tưới cho cây trồng, nước uống cho động vật nuôi.
  • Nguồn nước phục vụ các hoạt động công nghiệp.

...

Nguồn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên được dùng để uống, tăng nhiều chất có lợi cho cơ thể và có tác dụng chữa  bệnh, nâng cao sức khỏe con người.

Vì là tài nguyên nên chúng ta phải khảo sát nắm rõ trữ lượng, chất lượng nước dưới đất, có kế hoạch khai thác để phục vụ nhân sinh. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều vấn đề môi trường liên quan do khai thác nước dưới đất không hợp lý gây nên. Vì vậy, rất cần cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để điều chỉnh việc khai thác nước ngầm hiệu quả, vừa phục vụ tốt cuộc sống con người vừa hạn chế được tác động có hại phát sịnh.

II. Cơ sở khoa học của việc khai thác hợp lý nước dưới đất

2.1. Điều tra xác định loại, nguồn gốc, trữ lượng, chất lượng nước dưới đất.

Trước đây, khi các phương tiện khảo sát còn thô sơ, con người chỉ khai thác được nước dưới đất tầng nông qua việc đào giếng hoặc từ những điểm lộ gần mặt đất. Ngày nay, khi những mũi khoan có thể xuống tới lớp đất sâu hàng chục, hàng trăm mét thì con người có thể phát hiện, tính toán trữ lượng và lấy mẫu phân tích chất lượng nước dưới đất. Chẳng hạn, người ta đã phát hiện nhiều túi nước ngầm (cách gọi trước đây của nước dưới đất) nằm sâu trong lòng đất Hà Nội có chất lượng rất khác nhau, có những túi nước có chất lượng rất tốt nhưng cũng có túi nước chứa chất độc hại với nồng độ khá cao, phải xử lý triệt để mới sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt được.

Sự hình thành các túi nước dưới đất luôn được các nhà địa chất quan tâm, nghiên cứu chỉ rõ cơ chế hình thành, nguồn nước cấp và khả năng sử dụng trong thực tế.

2.2. Đánh giá chất lượng nước dưới đất

Có thể phân nước dưới đất thành 2 loại chính là:

1.Loại nước ngọt thông thường

2.Loại nước khoáng và nước nóng tự nhiên

Loại đầu tiên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước còn loại thứ hai thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản.

Cả hai loại trên đều có thể áp dụng quy chuẩn QCVN 09-MT:2015/BTNMT để đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, nước dưới đất phục vụ sinh hoạt (ăn uống, giặt rửa...) thì có thể dùng quy chuẩn này là đủ đánh giá mức chất lượng và khả năng sử dụng. Riêng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên thì phải tính thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác để xác định khả năng cung cấp khoáng chất, khả năng chữa trị bệnh khi sử dụng nước khoáng để uống và nước nóng thiên nhiên để chữa bệnh. Đối với nước khoáng thiên nhiên đóng chai phải tuân thủ QCVN 6-1: 2010/BYT.

Hiện tại, các nguồn nước dưới đất ở nhiều nơi trên đất nước ta đã có số liệu về chất lượng, kể cả nước khoáng và nước nóng thiên nhiên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có được cơ sở dữ liệu chính thống do cơ quan có thẩm quyền xây dựng và cho phép nhiều đối tượng tiếp cận.

2.3. Đánh giá ngưỡng khai thác nước dưới đất

Trong Luật Tài nguyên nước, đã quy định: “Ngưỡng khai thác nước dưới đất là giới hạn cho phép khai thác nước dưới đất nhằm bảo đảm không gây xâm nhập mặn, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt, lún đất, tác động xấu đến nguồn nước mặt và môi trường liên quan”.

Việc xác định ngưỡng khai thác phải căn cứ trên số liệu về khảo sát trữ lượng chất lượng nước dưới đất, kỹ thuật, công suất khai thác và mục tiêu cần đảm bảo cụ thể của từng mỏ nước dưới đất. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi vào cuộc của các nhà khoa học, các cơ sở khai thác và cuối cùng là quyết định của nhà quản lý cho phép khai thác và kiểm soát tuân thủ.

Về giá trị ngưỡng khai thác có thể đo bằng lưu lượng nước dưới đất trong một đơn vị thời gian, chẵng hạn m3/ngày đêm và nếu có nhiều người, nhiều cơ sở tham gia khai thác thì tổng lưu lượng khai thác phải dưới ngưỡng cho phép.

2.4. Đánh giá khả năng gây tác động môi trường của khai thác nước dưới đất

Khi khai thác nước dưới đất có thể gây ra nhiều tác động đến môi trường như tăng cường xâm nhập mặn, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt, lún đất, tác động xấu đến nguồn nước mặt và môi trường liên quan.

Trong số các tác động này, tác động gây sụt lún khu vực đã được phát hiện, chỉ ra ở nhiều nơi trên trái đất. Sụt lún đã và đang xảy ra ở một số thành phố lớn như Jakarta, Indonesia; Houston, Texas, Mỹ; Dhaka, Bangladesh; Bangkok, Thailand,...đến mức có thể biến mất vào khoảng năm 2100. Một số thành phố đang chìm dần do mực nước biển ngày càng dâng cao lấn dần vào bờ biển của họ, trong khi những thành phố khác đang chìm dần vì nước ngầm bị bơm quá mức tạo ra sự thay đổi về áp suất và thể tích khiến đất bị chìm 1.

Ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ sụt lún khá mạnh. Theo công trình công bố mới đây 2, nhiều khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh đang sụt lún cục bộ với tốc độ trung bình khoảng 10,0 mm / năm. Một trong những nguyên nhân tình trạng sụt lún là do khai thác nước ngầm và xây dựng nhiều công trình lớn trên nền đất yếu.

Khai thác nước dưới đất ở vùng ven biển với lượng lớn có thể hạ thấp mực nước dưới đất làm tăng khả năng xâm nhập mặn, suy giảm, cạn kiệt nguồn nước.

Chính vì vậy, những dự án khai thác lượng nước dưới đất quy mô lớn phải có đánh giá tác động môi trường, phải được thẩm định để tránh xảy ra những tác động không mong muốn.

2.5. Cơ sở pháp lý khai thác nước dưới đất

Để có thể khai thác nước dưới đất, các cá nhân, cơ sở phải được cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, dựa trên những quy định của pháp luật, bao gồm những giấy tờ chính sau:

1.Giấy phép khai thác nước dưới đất.

2.Giấy phép kinh doanh.

3.Xác nhận thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường.

Vì vậy khi xem xét vi phạm của các cá nhân, cơ sở khai thác nước dưới đất phải chú ý đến các giấy phép kể trên.

Về nguyên tắc, muốn được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ có sử dụng nước dưới đất phải có giấy phép khai thác nước dưới đất và xác nhận thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế không chỉ chú ý đến giấy phép kinh doanh mà còn phải quan tâm cả các loại giấy phép khác có liên quan.

Những vi phạm về khai thác sử dụng nước dưới đất có thể đến từ nhiều khía cạnh như đã phân tích ở trên. Vì vậy, các phóng viên điều tra rất khó nắm bắt cặn kẽ thực chất sai phạm ở khâu nào. Chỉ khi có chứng cứ xác đáng mới có thể chỉ ra sai phạm loại gì, ai sai phạm và mức độ sai phạm đến đâu.

Mặc dù còn có nhiều khó khăn về khâu tác nghiệp nên có nhiều bài báo chưa đủ chứng cứ về sai phạm nhưng những dấu hiệu sai phạm được nêu trong các bài báo sẽ giúp các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ sự thật. Những bài báo đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường và một số tờ báo khác liên quan đến khai thác, sử dụng nước khoáng nóng ở Thanh Thủy, Phú Thọ là một ví dụ, cần các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ.

Tài liệu tham khảo:

[1]. World Economic Forum, 2019, These 11 sinking cities could disappear by 2100

[2]. Qui T. Nguyen, 2016, Sustainable Development of Civil, Urban and Transportation Engineering Conference The Main Causes of Land Subsidence in Ho Chi Minh City,  Procedia Engineering 142 ( 2016 ) 334 – 341

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Xem xét khía cạnh pháp lý và khoa học các dự án khai thác nước dưới đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .